Tháng 8-1969, cậu học sinh lớp 10 Nguyễn Minh Thiệu, quê ở xã Trường Minh (Nông Cống, Thanh Hóa), mới 17 tuổi và vừa được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong thời gian huấn luyện ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 338, Nguyễn Minh Thiệu được cử làm Tiểu đội trưởng. Tháng 1-1970, Thiệu cùng tiểu đội của mình trải qua mọi khó khăn, gian khổ, vượt tuyến lửa Trường Sơn và an toàn vào tới chiến trường miền Đông Nam Bộ-B2. “Chúng tôi được bổ sung vào Tiểu đoàn 180 thuộc Cục Tham mưu Miền (sau này là Bộ Tham mưu Miền) có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Bộ chỉ huy Miền. Trong thời gian công tác tại đây, tôi được bổ nhiệm là Phó trung đội trưởng”, CCB Nguyễn Minh Thiệu mở đầu câu chuyện.

Tiểu đoàn 180 ngoài nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo Bộ chỉ huy Miền còn thường xuyên phối hợp cùng đơn vị bạn tham gia những trận đánh theo kế hoạch của trên. Giờ đây, không thể nhớ cụ thể số lượng những trận đánh từng tham gia, nhưng ông Thiệu khẳng định phải là hàng trăm trận lớn, nhỏ. Trong đó đặc biệt là trận đánh diễn ra vào tháng 5-1970.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Minh Thiệu (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội năm 1976.  

Ngày ấy, Mỹ-ngụy tổ chức chiến dịch quy mô lớn ở Mỏ Vẹt (hay còn gọi là Ba Thu) thuộc tỉnh Svay Rieng, khu vực giáp ranh biên giới Việt Nam-Campuchia. Chúng điên cuồng ném bom B-52 rải thảm, đồng thời có sự chi viện của xe tăng, trực thăng yểm trợ nhằm xóa sổ cao điểm 170 ở biên giới cũng như nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Miền (lúc bấy giờ có mật danh là Ri92). “Nhận được lệnh của cấp trên, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 180 chúng tôi đã xây dựng phương án, tổ chức đánh trả địch quyết liệt. Kết quả là nhiều đợt tấn công của bọn thám báo, biệt kích Mỹ-ngụy bị đẩy lùi. Quá trình ấy, các đồng đội của tôi đã dũng cảm bám trụ, quyết tâm đánh địch đến cùng. Tiêu biểu là Trung đội 7 do đồng chí Nguyễn Minh Thiệu trực tiếp chỉ huy đã mưu trí, bí mật phục kích, lừa cho địch vào sâu, sau đó cùng lực lượng của Tiểu đoàn bao vây đánh úp, khiến địch thương vong nhiều”, Đại tá Võ Tán Phương, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 180 cho biết.

Bị thiệt hại nặng nề, địch càng điên cuồng, tiếp tục đưa các toán thám báo, biệt kích khác tấn công vào căn cứ của ta. Phó trung đội trưởng Nguyễn Minh Thiệu và đồng đội vẫn kiên cường bám chốt. Họ đã tiêu diệt, bắt sống một trung đội thám báo địch, trong đó có 3 cố vấn Mỹ. Tuy nhiên, trong một trận đánh ác liệt tiếp theo, giữa lúc xông lên đánh chặn một tốp địch, tổ 3 người gồm: Nguyễn Minh Thiệu, Trần Đức Kiệm, Nguyễn Chuyên Cần trúng đạn, một đồng chí anh dũng hy sinh. Dù vậy, họ cũng đã đẩy lùi đợt tiến công của đại đội biệt kích địch nhảy dù xuống căn cứ Ri92. Nhớ lại tình huống hôm ấy, CCB Trần Đức Kiệm, trú ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh kể: “Trước tình huống địch tấn công trực diện, Phó trung đội trưởng Nguyễn Minh Thiệu đã tổ chức nghi binh, lừa chúng vào sâu mới nổ súng tấn công. Tuy nhiên, địch mỗi lúc một đông, anh giành việc khó về mình, đứng ở vị trí nguy hiểm nhất của tổ 3 người khi tiến công đánh chặn địch. Bom đạn dữ dội, đồng chí Cần trúng đạn hy sinh, tôi và anh Thiệu cũng bị thương nặng do đạn M79 nhưng vẫn cố gắng chiến đấu đến khi có lực lượng tăng cường. Hôm ấy, nếu để địch vượt qua thì không biết hậu quả sẽ ra sao!”.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Nguyễn Minh Thiệu và vợ dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh do nhân vật cung cấp

Khi cấp trên quyết định đưa hai người về tuyến sau, Nguyễn Minh Thiệu xin được điều trị ngay tại trạm xá Tiểu đoàn. Vết thương chưa lành hẳn, ông đã xin tiếp tục tham gia chiến đấu, cùng Tiểu đoàn 180 càng đánh càng hiệu quả, chặn được tất cả các đợt tấn công tiếp theo của địch, bảo vệ an toàn căn cứ và cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Miền. Tiểu đoàn 180 và cá nhân đồng chí Nguyễn Minh Thiệu được các đơn vị thuộc Bộ Tham mưu Miền tổ chức học tập gương chiến đấu. Tháng 2-1973, Nguyễn Minh Thiệu được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Năm 1976, tập thể Tiểu đoàn 180 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. “Gần 7 năm ở chiến trường, tôi luôn bền bỉ phấn đấu, không ngại khó khăn, gian khổ khi chiến đấu với kẻ thù. Sau ngày miền Nam được giải phóng, là thương binh hạng 3/4, bị nhiễm chất độc da cam và chuyển ngành, tôi quyết tâm đi học đại học. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cho đến khi nghỉ hưu năm 2014, trên mọi cương vị công tác, tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ, là đảng viên gương mẫu, nuôi dạy con cháu trưởng thành”, CCB Nguyễn Minh Thiệu tự hào kể.

NGỌC MAI