Trước yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị không quân mới thành lập, khai thác hiệu quả các loại máy bay và khí tài hàng không của địch mà ta thu được, ngày 31-5-1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Xưởng Sửa chữa máy bay A42, tiền thân của Nhà máy A42, đóng tại sân bay Biên Hòa. Xưởng có nhiệm vụ bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa vừa, sửa chữa lớn và hồi phục các loại máy bay chiến lợi phẩm F-5, A-37 và trực thăng UH-1 cho các Trung đoàn: 935, 917, 937. Ngay sau khi thành lập, Xưởng Sửa chữa máy bay A42 nhanh chóng ổn định biên chế, tổ chức và bước vào thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, phục hồi, bảo quản các loại máy bay tại sân bay Biên Hòa; đồng thời cử các đoàn công tác đến những sân bay khác thu hồi máy bay và bảo quản tại chỗ.
|
|
Thợ cơ giới tại Xưởng Sửa chữa máy bay A42 kiểm tra máy bay A-37. Ảnh tư liệu
|
Tuy nhiên, đến đầu tháng 6-1975, lực lượng cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng vẫn còn rất mỏng, phân tán trên phạm vi rộng. Mỗi sĩ quan phải quản lý tới 2, 3 cơ sở. Quân chủng tiếp tục tăng cường cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho Xưởng Sửa chữa máy bay A42 bằng cách cho phép các xưởng phía Nam tuyển lựa một số nhân viên chuyên môn kỹ thuật từng làm việc cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn đảm đương công việc. Đây là một chủ trương lớn, vừa phù hợp với tình hình thực tế vừa giúp các đơn vị giải quyết khó khăn về chuyên môn.
Sau nhiều đợt được Quân chủng bổ sung, số lượng cán bộ tăng lên đáng kể, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của Xưởng Sửa chữa máy bay A42. Các vị trí chủ chốt và quan trọng đều được giao cho cán bộ có năng lực, trình độ và chất lượng chính trị cao. Lực lượng sản xuất vào thời điểm đầu năm 1976 là 2.500 người. Quán triệt tinh thần nhiệm vụ “nhanh chóng đồng bộ các dây chuyền sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn”, lãnh đạo, chỉ huy Xưởng Sửa chữa máy bay A42 chủ trương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đầu tư nhân lực, vật lực để khôi phục các dây chuyền sản xuất. Quân chủng điều cho Xưởng Sửa chữa máy bay A42 một số máy móc, công cụ từ nguồn dự trữ để tăng cường năng lực sản xuất.
Nhớ lại thời điểm đặc biệt đó, Đại tá Nguyễn Thụy Anh, nguyên cán bộ Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng kể lại: “Đầu năm 1976, tôi được cấp trên điều về làm Phân xưởng trưởng Phân xưởng Sửa chữa F-5, A-37 (trực thuộc Xưởng Sửa chữa máy bay A42) ở sân bay Biên Hòa. Khi đó, Phân xưởng Sửa chữa F-5, A-37 còn giữ lại hơn 80 hạ sĩ quan kỹ thuật chế độ cũ và đưa vào 35 chiến sĩ Quân giải phóng để cùng làm việc ở tất cả dây chuyền sản xuất, lắp ráp, bảo dưỡng. Để đạt năng suất lao động cao, giá thành sản phẩm không bị tăng lên do lãng phí vật tư kỹ thuật và ngày công, Phân xưởng Sửa chữa F-5, A-37 luôn duy trì chế độ làm việc theo quy trình công nghệ, không làm tắt, làm ẩu. Công tác quản lý kỹ thuật và kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả. Nhờ vậy, chúng tôi đã sửa chữa, bảo dưỡng, khôi phục thành công hàng chục máy bay F-5, A-37 mỗi năm”.
Từ khi thành lập đến cuối năm 1980, với tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức Xưởng Sửa chữa máy bay A42 đã quyết tâm nắm vững khoa học-công nghệ mới, mở rộng, nâng cao năng lực sửa chữa và sản xuất của đơn vị. Qua đó góp phần bảo đảm kỹ thuật hàng không cho các đơn vị không quân phía Nam của Quân chủng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Từ Xưởng Sửa chữa máy bay A42 đã có hàng trăm máy bay F-5, A-37 và trực thăng UH-1 được hồi phục, sửa chữa. Những chiếc máy bay đó đã được các đơn vị không quân phía Nam sử dụng hiệu quả trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc.
VIỆT ANH