Ngày 30-7-1978, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Sư đoàn 307-sư đoàn chủ lực cơ động của Quân khu 5. Tháng 12-1978, đáp lời kêu gọi của nhân dân Campuchia chống lại thảm họa diệt chủng do bọn Pol Pot gây ra, trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam, Sư đoàn 307 đảm nhiệm trên hướng tiến công chủ yếu của Quân khu 5, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng của bạn tiến công, đánh bại quân địch ở địa bàn các tỉnh Đông Bắc Campuchia, góp phần cứu giúp nhân dân đất nước Chùa tháp thoát khỏi họa diệt chủng và xây dựng lại cuộc sống hòa bình, ổn định, phát triển.

Đại tá Võ Văn Chỉnh, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 307 cho biết: “Trên đất bạn, những người lính tình nguyện đều nghiêm khắc với chính mình, chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận, kỷ luật chiến trường. Chuẩn bị đón Tết, cùng với thực hành tiết kiệm, các đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng cây lương thực, rau xanh, chăn nuôi bò, heo, gà... Chúc mừng năm mới, những quân nhân có hoa tay đảm nhận vẽ hoa đào trên tấm phông lớn. Đơn vị còn phân công nhau ra rừng tìm chọn nhánh cây có dáng giống cành mai, rồi hì hục cắt dán, nắn uốn thành nhành mai rất đẹp. Dịp này, ai nhận được thư từ, bưu phẩm hậu phương gửi đến đều mừng rơi nước mắt, người không có thì lặng lẽ lục ba lô lấy thư cũ ra đọc. Có những người đọc thuộc rất nhiều lá thư nhà vì thế”.

leftcenterrightdel
Các cựu chiến binh Sư đoàn 315 gặp mặt truyền thống (năm 2014) 

Trong đội hình Quân khu 5 sang làm nhiệm vụ tình nguyện trên đất bạn Campuchia, có Sư đoàn 315. Nhiều cựu chiến binh của sư đoàn hồi tưởng, ngày ấy, bữa ăn của người lính tình nguyện chủ yếu độn mì, cá khô, canh rau rừng, nước mắm gạo rang, sung chát muối chua... Dịp Tết cổ truyền dân tộc, sang lắm cũng chỉ có chút ít thịt hộp, cá muối. Đại tá Nguyễn Đình Phúc, nguyên Trưởng ban Trinh sát Sư đoàn 315, xúc động nói: “10 năm (1979-1989) làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, Sư đoàn 315 đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của Mặt trận 579. Chiến đấu trên chiến trường rừng núi khắc nghiệt, Tết đến, ai cũng da diết nhớ quê hương, người thân, bè bạn. Giao thừa đứng trong chiến hào chật hẹp, thường xuyên nêu cao cảnh giác, súng chắc trong tay, chúng tôi kề vai bên nhau, chia sẻ niềm mong ước chiến tranh mau kết thúc, mơ ngày đoàn viên cùng gia đình, khát khao sẽ trở thành công nhân lái máy cày trên đồng ruộng, thành phi công tung cánh trên bầu trời quê hương thanh bình, thầy giáo trên giảng đường đại học...”.

Đại úy Hà Phúc Lại, nguyên y sĩ Đại đội Quân y 18, Trung đoàn 142 (Sư đoàn 315) bồi hồi: “Thương binh đông, có anh được chuyển từ mặt trận về cấp cứu, điều trị trên những chiếc võng cáng thương vượt hơn 40-50 cây số đường rừng. Có chiến sĩ vận tải cứu thương giẫm phải mìn gài trong lòng đất của bọn giặc để rồi phải cưa chân, tháo khớp và thậm chí có lúc bị thương tích hỏng mắt hoặc vĩnh viễn ra đi. Người thì bị sốt ác tính, sốt rét rừng hành hạ... Trong khi đó, thuốc men, dụng cụ y tế khan hiếm, quân y chúng tôi phải giặt băng gạc, mài kim tiêm để tái sử dụng, chưng cất dịch truyền từ nước mưa, đường glucose. Ngay trong ngày Tết, bàn mổ vẫn làm việc để cứu chữa, giành giật sự sống cho thương binh, bệnh binh. Để anh em yên lòng, các thầy thuốc sẵn sàng thức trắng đêm xoa bóp làm dịu cơn đau, nhường khẩu phần ăn, hát những bài được yêu cầu...”.

Có gian khổ, hy sinh mới có những mùa xuân hòa bình, yên vui. Chiến tranh đã lùi xa, trở về từ lằn ranh sinh tử, các cựu chiến binh từng sống và chiến đấu trên chiến trường Campuchia luôn đau đáu hướng về những đồng đội còn nằm lại trên đất bạn. Ban liên lạc cựu chiến binh ở các địa phương đã kết nối với nhau, tổ chức các chuyến hành quân về nguồn, cung cấp thông tin, dẫn đường cho các đội quy tập mộ liệt sĩ tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội hy sinh... đã tiếp lửa cho cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 hôm nay học tập và noi theo...

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP