Cụ Thưởng vẫn nhớ, trong số cán bộ Việt Minh hôm ấy có các đồng chí: Trần Tử Bình, Trần Quyết, Vũ Nhất, Nguyễn Thị Tân... về họp, phổ biến nhiệm vụ, chỉ đạo thành lập Đội Tự vệ cứu quốc và các đoàn thể cứu quốc. Cụ kể: “Mỗi lần về nhà tôi họp bàn công việc, cán bộ Việt Minh rất khéo ngụy trang, tránh con mắt mật thám Pháp. Cụ Trần Tử Bình đóng giả lái buôn, cụ Trần Quyết đóng giả kẻ hót phân bò dọc đường, còn cụ Nguyễn Thị Tân lại đóng giả bà mua lá dâu chăn tằm”.

Sau khi trở thành đội viên Đội Tự vệ cứu quốc, tổ chức giao cho cô bé Vũ Thị Thưởng nhiệm vụ canh gác cho cán bộ họp và đi rải truyền đơn. Khi cán bộ họp tại nhà, cô bé hay leo lên cây khế trước cổng để quan sát, hễ có người đến thì nói theo lời bố dặn trước. Một lần, đang có cuộc họp trong nhà thì có người đến hỏi mua cây xoan, cô bé nói theo lời bố mình dặn: “Thầy u tôi đi vắng, vào nhà chó đẻ dữ lắm, nó cắn đấy!”. Ngay lúc ấy, từ trong nhà phát ra tiếng “Im!” rất nhỏ, người mua xoan không hề biết, liền bước vội sang ngõ khác.

Cô bé Vũ Thị Thưởng theo cha đi rải truyền đơn ở chợ Bô (tỉnh Hà Nam) và chợ Sở (tỉnh Nam Định). Làm việc này, bố của cô đóng giả thầy cúng, còn cô đóng giả con hầu bê tráp theo sau. Những tờ truyền đơn nhỏ được bện thành lõi võng hệt giải bùa đeo vào cổ và giấu trong người bé Thưởng. Trên đường xuống chợ Sở rải truyền đơn, bố con cô gặp toán lính lệ đi tuần. Tên đi đầu khoát tay bảo bố cô đứng tại chỗ, mắt nó nhìn chằm chằm vào những dải lõi võng đeo ở cổ cô bé, hất hàm hỏi: “Con này đeo gì ở cổ?”. Bố cô Thưởng vội bẩm: “Nó là con câm, mắc bệnh dại, gặp gì cũng nhặt, nhặt gì cũng vo làm giải bùa đeo cổ...”. Và thế là bố con cô Thưởng thoát nạn.

Một tối trung tuần tháng 3-1945, Vũ Thị Thưởng được giao nhiệm vụ đưa cán bộ qua sông Đáy sang Bãi Vả bên Ninh Bình (vùng địch không kiểm soát) nghe cụ Nguyễn Thị Tân truyền đạt Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và chỉ đạo những nhiệm vụ cấp bách, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm trăng vằng vặc, gió nồm nam lồng lộng từ ngoài sông Đáy ùa vào làng. Cô Thưởng cùng đồng đội bí mật nhận lệnh qua sông. Theo hướng dẫn, trên đường ra bến sông hễ gặp người thì nhất loạt truyền khẩu cho nhau độc nhất một câu “tẽ” (tẽ sang hai bên đường). Rất may cả đoạn đường không gặp địch nên mọi người thuận lợi qua sông sang Bãi Vả bằng hai chiếc thuyền nan do bố con ông Sang chèo giúp, kịp dự cuộc họp nghe mệnh lệnh Trung ương.

leftcenterrightdel
 Cụ Vũ Thị Thưởng bảo quản nồi, bát dùng nấu cơm phục vụ cán bộ Việt Minh trong những năm kháng chiến. 

Ngày 19-8-1945, dưới sự chỉ huy của cụ Phạm Văn Thống, được sự hỗ trợ của các cán bộ bên Ninh Bình cùng các chiến sĩ cách mạng, địa phương đã tổ chức mít tinh vũ trang quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền tại đình thôn Đoan Vĩ. Trong đội hình Đội Tự vệ cứu quốc có cô gái tự vệ vận áo nâu, thắt ngang lưng dải khăn xanh, đội mũ ca nô lệch, mang khẩu súng mút-cơ-tông dài ngoẵng. Đó là thiếu nữ Vũ Thị Thưởng tham gia tuần hành, mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng. “Kể từ ngày theo cha đi làm cách mạng, chưa bao giờ tôi có cảm giác vui sướng như ngày lịch sử 19-8-1945. Cái ngày tôi tận mắt nhìn thấy rừng cờ đỏ thắm và những dòng người hân hoan khắp làng trên, xóm dưới vui trào nước mắt bởi thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ, bước sang một cuộc đời mới...”, cụ Vũ Thị Thưởng bồi hồi nhớ lại.

Bài và ảnh: ĐINH QUANG HUY