Những năm 1985-1992, khái niệm chống bạo loạn còn rất mới. Quân đội đóng vai trò như thế nào trong hệ thống chính trị để phòng, chống bạo loạn? Lực lượng bạo loạn sử dụng vũ trang rất nguy hiểm, làm thế nào để Quân đội tham gia chống bạo loạn hiệu quả mà địch không biết?... Những câu hỏi trên được tôi đặt ra và cố gắng tìm cách giải đáp trong suốt quá trình công tác.

Sau này, khi về Quân khu 5 làm Phó tham mưu trưởng Quân khu, nhiệm vụ chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ tiếp tục được tôi tìm hiểu và chuẩn bị công phu. Vì vậy, trong sự kiện năm 2001 ở Tây Nguyên, tôi được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tham gia chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phá tan âm mưu của chúng.

leftcenterrightdel

 Đồng bào Tây Nguyên được bộ đội hướng dẫn trồng cây cao su. Ảnh: QUANG SÁNG

Vì có một số kinh nghiệm đã tích lũy được nên vừa về Quân đoàn 3 đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân đoàn, tôi chỉ đạo lực lượng cán bộ, chiến sĩ đi về cơ sở, nắm bắt diễn biến tình hình, kịp thời cùng với các cơ quan chức năng ngăn chặn âm mưu bạo loạn. Khi có tình huống xảy ra, trong giao ban Quân đoàn 3, tôi chỉ đạo cụ thể: “Âm mưu thâm độc của địch là gây mất ổn định về chính trị trên địa bàn Tây Nguyên, làm ảnh hưởng đến an ninh của một số địa bàn khác (nhất là địa bàn tiếp giáp). Chúng tạo cớ, tạo điều kiện để các thế lực bên ngoài can thiệp vào Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Sau khi phân tích, đánh giá, tôi kết luận những điểm mạnh, điểm yếu của địch và đề ra các giải pháp chủ yếu của Quân đoàn: Thường xuyên chú trọng giáo dục mọi cán bộ, chiến sĩ nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của địch (nhất là trên địa bàn Tây Nguyên); xây dựng bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng; nâng cao ý thức, trách nhiệm, ý thức cảnh giác cách mạng; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, hoang mang, dao động”.

Ngày 3-4-2004, theo yêu cầu của địa phương, chỉ huy Quân đoàn lệnh cho Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 10) làm công tác vận động quần chúng ở hai xã Ia Mơ Nông, Ia Khươl thuộc huyện Chư  Păh, tỉnh Gia Lai, góp phần bảo đảm ổn định an ninh trên địa bàn. Về phía Quân đoàn, từng bước chuyển từ trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên lên sẵn sàng chiến đấu cao đối với lực lượng làm nhiệm vụ đánh địch mặt đất; ngày 9-4-2004, thực hiện lệnh cấm trại toàn Quân đoàn nhằm chủ động đối phó với tất cả tình huống có thể xảy ra.

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, từ 12 giờ ngày 10-4-2004, tôi điều hai tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 10 hành quân về triển khai ở các xã “điểm nóng” của huyện Chư Sê và huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, tổ chức điều chỉnh 3/18 đội công tác (đội số 16, 17, 18) tăng cường về các địa bàn. Mặc dù tình hình trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp nhưng do làm tốt công tác giáo dục chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm đối với bộ đội nên 100% cán bộ, chiến sĩ hăng hái nhận nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy định của Quân đoàn. Các đơn vị chủ động phối hợp với địa phương nơi đóng quân, địa bàn được Quân đoàn giao, cử lực lượng cùng địa phương làm công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ âm mưu và thủ đoạn của địch. Nhờ đó, người dân đã phân biệt được địch, ta, phát hiện và tố giác những phần tử xấu, kẻ cầm đầu gây rối. Đồng thời, lực lượng dân vận của Quân đoàn phát hiện những phần tử quá khích còn lẩn trốn trong dân, chỉ rõ để nhân dân hiểu hành động phạm pháp của chúng.

Kết quả, các đội công tác của Quân đoàn phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã đưa 81 tên ra kiểm điểm trước dân, vận động 990 người bị kẻ xấu xúi giục, kích động tham gia biểu tình chạy trốn vào rừng trở lại buôn làng, làm ăn, sinh sống bình thường.

NGUYỄN SỸ LONG (Ghi theo lời kể của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Trung Thu, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam)