Cựu chiến binh Nguyễn Văn Du nhớ lại: “Đầu năm 1979, Sư đoàn 304 chúng tôi là lực lượng dự bị tham gia giúp bạn đánh quân Khmer Đỏ tại Phnom Penh. Do Phnom Penh đã được giải phóng từ ngày 7-1 nên cấp trên điều sư đoàn chuyển hướng, nhanh chóng đánh chiếm thành phố cảng Sihanoukville. Đến ngày 9-1, đơn vị chúng tôi phối hợp với hải quân đánh bộ chiếm cao điểm xung quanh, sau đó tổ chức đánh vào thành phố”.
Quá trình tiến công thành phố Sihanoukville, lực lượng của Trung đoàn 66 do đồng chí Nguyễn Văn Du chỉ huy đang qua cầu thì bất ngờ chiếc cầu bị sập chia cắt đội hình tiến công. Tình huống bất ngờ, ông nhanh chóng tổ chức đơn vị thành hai tuyến: Tuyến 1 tiến công chính diện có xe tăng, súng máy 12,7mm, pháo 37mm, trinh sát; tuyến 2 phía sau yểm trợ có cối 60mm, 82mm bắn chặn phía trước đội hình địch...
    |
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Du và vợ tại nhà riêng. ảnh: NHÃ UYÊN |
Trên chiến trường Campuchia lúc này, trước sự tiến công của bộ đội Việt Nam và quân dân Campuchia, đã giải phóng được nhiều địa phương ở Campuchia, nhưng quân Khmer Đỏ chỉ bị tan rã chứ chưa bị tiêu diệt. Tàn quân của chúng sau đó đã tập hợp lại thành những đơn vị nhỏ, tiếp tục đánh du kích và quấy phá ta. Ở đỉnh đèo Peak Nil (nằm trên trục đường 4 đoạn từ thành phố cảng Sihanoukville đến thủ đô Phnom Penh của Campuchia), tàn quân Khmer Đỏ có một lực lượng đang chiếm giữ. Cấp trên lệnh cho Trung đoàn 66 tổ chức lực lượng triển khai tiến công trên hướng thứ yếu. Sau khi thông qua kế hoạch chiến đấu, đồng chí Nguyễn Văn Du được Đảng ủy trung đoàn giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 9 đánh địch. Nhận nhiệm vụ, ông tức tốc cùng Tiểu đoàn 9 hành quân gần 17km trong đêm tối. Khi đến gần khu vực xuất phát tiến công thì trời tờ mờ sáng. “Khoảng 5 giờ kém 15 phút, tôi cùng chiến sĩ trinh sát và thông tin đi trước nắm tình hình. Trong rừng rậm khó quan sát, tôi báo hiệu cho hai chiến sĩ đi cùng giữ bí mật rồi cởi giày và súng AK, leo lên cây xoan rừng để quan sát địch. Không may cành cây xoan khô bị gãy, phát ra tiếng động. Ngay phía trước có hai tên địch trong hầm chữ U ngó ra, một tên nhìn thấy tôi liền lao vào hầm lấy vũ khí. Lúc đó, tôi không có súng, nếu dùng lựu đạn tiêu diệt địch thì mình cũng nguy hiểm. Trước tình thế nguy cấp, tôi nhảy ngay xuống nóc hầm, ném lựu đạn vào hầm, tiêu diệt hai tên địch. Mặc dù còn khoảng 10 phút nữa mới đến giờ nổ súng nhưng biết đã bị lộ, tôi lệnh cho Tiểu đoàn 9 và các đơn vị trong trung đoàn nổ súng tiêu diệt địch, rồi báo cáo cấp trên”-cựu chiến binh Nguyễn Văn Du nhớ lại.
Gần 4 giờ đồng hồ chiến đấu ác liệt, cùng các lực lượng trên các hướng, Trung đoàn 66 đã đánh tan quân địch, buộc chúng phải rút về phía sau. Với hành động dũng cảm, táo bạo, linh hoạt trong chiến đấu, kết thúc trận đánh, Nguyễn Văn Du được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Quân tình nguyện Việt Nam ở lại cùng quân dân Campuchia tiếp tục truy kích địch. Đến ngày 17-1, thị xã cuối cùng là Koh Kong được giải phóng, toàn bộ đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
HOÀNG ĐÌNH