Theo giới thiệu của Hội CCB TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi đến gặp Trung tá Trần Quang Minh, một trong những CCB tiêu biểu của Hội CCB tỉnh Bắc Giang. Trong căn nhà riêng ở số 36, phố Nguyễn Đình Tấn, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, ông Minh mở đầu câu chuyện: “Tôi cũng như những CCB khác còn sống, trở về sau cuộc chiến tranh là may mắn và hạnh phúc, giúp đỡ đồng đội và tham gia giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ là việc nên làm mà”.

Trung tá Trần Quang Minh quê ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ngày 8-2-1968, Trần Quang Minh nhập ngũ khi chưa tròn 18 tuổi, biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27, Quân khu 4. Vinh dự với người chiến sĩ trẻ là  nhập ngũ đúng vào ngày Đảng ủy Trung đoàn 27-Triệu Hải, trung đoàn của quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh, mới thành lập (nay thuộc Sư đoàn 390, Quân đoàn 12) họp phiên đầu tiên và ngày này được lấy làm ngày truyền thống của Trung đoàn. “Trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 27, chúng tôi được giới thiệu về truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh; thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trong đó có những trận đánh vang dội ở Tà Mây, Làng Vây, Đường 9 (Quảng Trị)... Những chiến công đó đã thôi thúc chúng tôi nỗ lực huấn luyện, phấn đấu đạt kết quả giỏi để nhanh chóng được ra mặt trận chiến đấu”, CCB Trần Quang Minh nhớ lại.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Trần Quang Minh (thứ ba, từ phải sang) trong buổi giao lưu, giáo dục truyền thống tại Trường THCS Nguyễn Khắc Nhu, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. 

 Đúng như nguyện vọng của chiến sĩ trẻ Trần Quang Minh. Sau khi kết thúc đợt huấn luyện ngắn ngày, Trần Quang Minh cùng đồng đội hành quân vào chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị. Ngay trong năm 1968, Trung đoàn 27 tổ chức nhiều trận đánh và giành thắng lợi, như ở các làng: Gia Bình, Phúc Sa, Xuân Hòa (huyện Gio Linh); các điểm cao: 161, 544, 322, 288, đồi Tròn, bãi Tân Kim, Đá Mài (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ)... đã tiêu diệt hàng nghìn lính Mỹ, ngụy, khiến cho địch không dám nống lấn ra phía Bắc, buộc phải co về cố thủ trong các cứ điểm, tạo thuận lợi cho các đơn vị bạn tác chiến trên chiến trường phía Tây Quảng Trị. Năm 1971, Trần Quang Minh cùng đồng đội trong đội hình Trung đoàn 27 tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào và góp phần làm nên thắng lợi vang dội của chiến dịch. “Sau hơn 3 năm (1968-1971) chiến đấu và công tác, tôi dần trưởng thành, từ chiến sĩ lần lượt được bổ nhiệm chức vụ cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội. Đặc biệt, ngày 3-2-1971, tôi vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại Mặt trận Quảng Trị. Tham gia Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, trên cương vị Phó đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27, tôi cùng Ban chỉ huy đại đội tổ chức đơn vị chiến đấu, làm chủ nhiều mục tiêu phía Bắc sông Thạch Hãn, điểm cao 544 (Phu Lơ), tiến công các cứ điểm của địch ở Thành cổ Quảng Trị, phát triển xuống khu vực Phong Điền (Thừa Thiên Huế), góp phần giải phóng tỉnh Quảng Trị ngày 1-5-1972. Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tôi cùng Ban chỉ huy Đại đội 3 chỉ huy bộ đội chiến đấu, đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch ở khu vực chợ Sãi (nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị, tôi được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; 1 danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 7 bằng khen và cũng... bị thương 2 lần, nay được xếp hạng thương binh 4/4”, CCB Trần Quang Minh kể.

Năm 1973, Trần Quang Minh được trên cử đi đào tạo chuyển loại chính trị tại Học viện Chính trị. Sau khi tốt nghiệp, Trần Quang Minh được điều trở lại Trung đoàn 27, giữ cương vị Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 3. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Trần Quang Minh cùng trong đội hình Trung đoàn 27 hành quân thần tốc vào miền Nam, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

“Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), tôi tiếp tục được cử đi đào tạo, sau đó đảm nhiệm các chức vụ: Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 461, Sư đoàn 338; tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; Phó chánh văn phòng Quân đoàn 14 (Quân khu 1), năm 1981. Năm 1989, Quân đoàn 14 giải thể, tôi về công tác ở Bộ CHQS tỉnh Hà Bắc, đến năm 1991 nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Về hưu, với tinh thần của người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị, tôi tiếp tục tham gia công tác xã hội, từ năm 1992 đến 2007 là cán bộ của Hội CCB TP Bắc Giang. Năm 2019, tôi là Trưởng ban liên lạc CCB Sư đoàn 338, đã cùng anh em vận động, quyên góp được hơn 2 tỷ đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương; xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ gia đình các CCB Sư đoàn 338 có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay tôi là báo cáo viên, hằng năm tham gia hàng chục cuộc gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện truyền thống cho học sinh, sinh viên và tuổi trẻ trên địa bàn”, CCB Trần Quang Minh cho biết.

Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU