Ban chỉ huy Tiểu đoàn lúc đó có anh Nguyễn Thanh làm Tiểu đoàn trưởng, anh Đoàn Khuê làm Chính trị viên. Cuối tháng 2-1947, Trung đoàn 95 ở Bình Định đề nghị trên tăng cường thêm một đại đội chiến đấu. Vì vậy, đơn vị tôi được lệnh cơ động vào Bình Định tăng cường cho đơn vị bạn.
Sau khi thực dân Pháp tái chiếm miền Nam, chúng tiếp tục đánh ra miền Trung. Ta và địch giằng co quyết liệt. Địch lui tới phòng tuyến đèo Cả, rồi lên Đắk Lắk, ra Pleiku, Kon Tum mới dừng lại. Đồng chí Vi Dân trước đây là chỉ huy Chi đội Vi Dân, lúc này là Chỉ huy trưởng Trung đoàn 95. Chính ủy Mặt trận Buôn Hồ-An Khê là anh Trần Lương (trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có bí danh Trần Nam Trung, sau là Thượng tướng) xin cấp trên một đại đội để tăng cường cho Trung đoàn. Cấp trên thông báo địch đã ra đến Tây Bình Định, nhưng chúng không xuống nữa mà ở lại giữ Tây Nguyên. Ý định của chỉ huy Trung đoàn là muốn phá vỡ một mắt xích của địch ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Để thực hiện mục đích này, ta phải đánh công đồn nên mới điều một đại đội ở Quảng Ngãi vào. Theo quan điểm của các anh, dù chưa đánh công đồn nhiều nhưng Quảng Ngãi cũng có Đội du kích Ba Tơ, có kinh nghiệm chiến đấu.
    |
 |
Đại đội trưởng Trinh sát của Liên khu 5 - Trần Tiến Cung, sau Chiến thắng Đắk Pơ năm 1954. Ảnh tư liệu gia đình |
Ngày 6-3-1947, chúng tôi hành quân vào Bắc Tây Nguyên. Trước khi lên đường, đồng chí Đoàn Khuê xuống gặp gỡ, động viên. Tối hôm đó, tàu hỏa đưa chúng tôi vào tới ga Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, sau đó tiếp tục hành quân lên Phú Phong, giáp đèo An Khê, cách Bồng Sơn khoảng 40km. Trong đêm, sau khi nghỉ ngơi và ăn tối, chúng tôi hành quân về Cửu An. Đến đây, tôi mới biết nhiệm vụ cụ thể của mình. Trước hết, ta sẽ đánh đồn Tú Thủy (nay thuộc xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Đại đội bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi làm nhiệm vụ cảm tử quân.
Đánh cảm tử trong điều kiện vũ khí thiếu thốn, lại còn đánh công đồn là một nhiệm vụ khó khăn đối với chúng tôi. Do vậy, cấp trên đã tập trung nhiều vũ khí tốt thời bấy giờ như trung liên, tiểu liên, súng Thompson và tăng cường một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp đại đội, trung đội vào đội cảm tử. Tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của bộ đội ta lúc đó rất cao. Dù đánh công đồn, không có súng lớn để phá lô cốt kiên cố của địch nhưng không một ai nao núng. Trong lòng chúng tôi lúc ấy chỉ có một quyết tâm là phải phá vỡ được phòng tuyến của địch. Đơn vị được tổ chức tập luyện ngay trong hậu cứ, vì ra ngoài chiến khu luyện tập sẽ gây ồn ào, dễ bị lộ.
Đêm 14-3-1947, ta đánh đồn Tú Thủy. Đồn đóng trên một ngọn đồi trọc, không có cây cối. Bộ phận cảm tử chúng tôi đi trước, lực lượng xung kích ở phía sau. Trung đoàn trưởng Vi Dân trực tiếp chỉ huy trận đánh, đi trong đội quân xung kích. Đội hình xuất phát lúc 3 giờ sáng. Các mẹ, các chị biết trước nên đã nấu cháo gà chờ sẵn, cho mỗi “thằng con” một cái đùi gà hoặc một con gà nhỏ trong bát cháo để ăn lấy sức mà đi đánh giặc. Khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi triển khai lực lượng xong.
Theo quy luật, vào lúc 4 giờ 30 phút hằng ngày, địch sẽ mở cổng đồn để hai tên lính ngụy ra lấy nước về nấu ăn sáng. Ta bố trí lực lượng bò vào sát cổng đồn, chờ chúng mở cửa là xung phong đánh đồn. Hôm đó, chúng tôi đợi mãi vẫn không thấy hai tên lính ra. Khoảng 5 giờ, mặt trời đã ló đằng Đông, lực lượng của ta đã áp sát chân tường, không có ngụy trang nên bị lộ lưng ra hết. Chúng tôi rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu lui quân thì sẽ bị hỏa lực địch truy sát, nhưng nếu tiến công thì địch không mở cổng đồn theo kế hoạch. Súng lớn không, bộc phá không, vũ khí của chúng tôi chủ yếu là súng trường, tiểu liên, lựu đạn... cộng với lòng quyết tâm đánh giặc. Đồng chí Vi Dân ra lệnh đánh luôn. Đội cảm tử công kênh nhau nhảy vào được một nửa lực lượng mới phóng hỏa đốt đồn, nhưng đồn cháy không hết. Địch chống trả quyết liệt. Chúng cắt liên lạc giữa bộ phận bên ngoài và bên trong của ta. Trong khi bộ phận bên ngoài không vào được, bị các khẩu trung liên, đại liên do địch bố trí tại các lô cốt phòng thủ bắn lướt sườn ngăn chặn thì chúng khoanh vùng tiêu diệt bộ phận bên trong của ta.
Lúc đó, tôi đã nhảy vào trong đồn, liên tục xung phong. Tay trái tôi cầm ốp lót tay khẩu súng tiểu liên, tay phải siết cò. Tôi đang vọt lên phía trước để “chia lửa” với anh em thì bị một viên đạn bắn vào tay trái. Khẩu tiểu liên trong tay tôi gục xuống. Chưa kịp gượng dậy, tôi tiếp tục bị mảnh lựu đạn văng vào người. Mắt và tai tôi bị sức ép chảy máu, không chạy được nữa. Tôi tựa lưng vào tường, kê khẩu súng lên viên gạch vỡ, bắn về phía nhà chỉ huy địch. Tôi bắn như vậy không biết được bao lâu thì buông súng ngất xỉu, không biết gì nữa. Cùng trong tổ trinh sát với tôi có đồng chí Hoàng Ngọc Tân, là em con cậu ruột của tôi. Tân bò đến chỗ tôi nói khẽ: “Bây giờ tôi dìu anh ra”. Lúc này tôi đã tỉnh nên mới nói nhỏ với Tân: “Không được! Tôi với chú cùng ra thì sẽ chết cả. Chú cố gắng ra cho được, về báo với cha mẹ, anh em tôi hy sinh như thế này thôi”. Tôi thì thào đuổi mãi Tân mới chịu đi. Sau này về nhà tôi mới biết, Tân đã hy sinh khi vừa bò ra được một đoạn.
Tôi nằm lại đến khi trời tối, sau đó thiếp đi. Tỉnh dậy đã thấy mình bị trói, nằm cùng với chiến sĩ tên Canh. Quan sát một lúc, tôi phát hiện hai đồng chí cán bộ đại đội cũng bị bắt. Quân số thương vong trong trận đánh đồn Tú Thủy, tôi không biết là bao nhiêu, nhưng số rơi vào tay giặc là 4 người. Chúng tôi động viên nhau cố gắng. Chiến đấu, hy sinh là lẽ thường của người lính. Tối hôm đó, địch trói chúng tôi vào cột cờ. Sáng hôm sau, chúng dẫn 3 người kia đi, tôi bị thương không đi được nên chúng dìu lên đồi, nơi diễn ra trận đánh hôm trước. Bọn lính thu vũ khí và bắt chúng tôi thu gom thi thể của anh em mình, sau đó gọi dân công tới đào hầm để chôn.
    |
 |
Thiếu tướng Trần Tiến Cung và đồng chí Lê Khả Phiêu, năm 1996. Ảnh tư liệu gia đình |
Trong trận đánh này, Chỉ huy trưởng Vi Dân đã hy sinh. Số anh em chiến sĩ, địch cho đào một hầm lớn rồi chôn hết xuống đó. Còn đồng chí Vi Dân, chúng chôn riêng và ghi dòng chữ bằng tiếng Pháp, tạm dịch: “Đây là nơi yên nghỉ của Đại tá Vi Dân”. Sau này, tôi có xem một tờ báo viết về đồng chí Vi Dân mới biết ai đó đã viết thêm trên mộ của đồng chí mấy chữ tiếng Pháp, tạm dịch: “Vì Tổ quốc”. Việc chôn riêng đồng chí Vi Dân thể hiện bản chất thâm hiểm của thực dân Pháp. Hằng năm, cứ đến ngày diễn ra trận đánh, chúng lại tập hợp lính trong đồn đến ngồi xung quanh mộ đồng chí Vi Dân rồi tuyên truyền đây là một vị tướng tài của Việt Minh, yêu nước nhưng vì chống lại chính phủ nên đã hy sinh.
Trong khi đó, ở quê tôi, các anh ở tỉnh nhận được danh sách báo từ Bình Định về là đã hy sinh hết, trong đó có tôi và Tân nên gửi hai giấy báo tử về xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) là có hai chiến sĩ Trần Tiến Cung và Hoàng Ngọc Tân đã hy sinh. Đây là hai “liệt sĩ” đầu tiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp của xã.
Còn hôm ấy, sau khi chôn cất, dọn dẹp xong, về đến đồn, địch cho chúng tôi ăn cơm và nhốt lại chờ hôm sau cho về tiểu khu An Khê. Sau đó, địch tổ chức đưa thương binh của chúng và chuyển các tù binh về tiểu khu An Khê. Chúng không dùng ô tô mà bắt đồng bào dân tộc khiêng. Tên nào bị thương nặng thì khiêng bằng cáng, bị thương nhẹ thì khiêng bằng võng. 3 tù binh khỏe, chúng cũng bắt khiêng người
của chúng. Tôi bị thương nặng, nửa tỉnh nửa mê, đi không được nên chúng cho nằm trên lưng ngựa và có một tên dắt. Hơn 10 giờ, chúng tôi tới An Khê.
Thương binh của chúng được chuyển đến bệnh viện của Pháp. Anh em tù binh chúng tôi cũng bị phân ra. Các đồng chí cán bộ đại đội, địch biết là sĩ quan của Việt Minh, chúng điều đi đâu tôi không rõ. Còn tôi và Canh là chiến sĩ được đưa xuống nhà lao ở chung với người dân và du kích địa phương bị bắt nhốt trong đó. Ở nhà lao một thời gian, chúng tôi đã lợi dụng sơ hở của địch vượt ngục, tìm đường về đơn vị tiếp tục hoạt động.
NGUYỄN SỸ LONG (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Trần Tiến Cung (1929-2021), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục II, Bộ Quốc phòng)