Theo giới thiệu của Ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn 135 (nay là Hải đội 135, Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân), tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Trương, nguyên Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, trú tại số nhà 196, đường Thanh Vỵ, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ông nguyên là Phân đội trưởng Phân đội 4 (Tiểu đoàn 135), trực tiếp chỉ huy đơn vị trong trận đánh tàu biệt kích của địch trên vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) ngày 15-8-1968.

Đại tá Nguyễn Trương kể: “Tôi là một trong số 100 cán bộ đầu tiên được quân đội chọn đi đào tạo nghiệp vụ hải quân ở nước ngoài. Sau một năm học tập, tháng 8-1956, tôi về nước, biên chế về Đại đội 3, thuộc Cục Phòng thủ bờ bể (tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam). Ngày 3-8-1961, Tiểu đoàn 135 trang bị tàu phóng lôi 123K thành lập, tôi được điều động về Phân đội 2 (Tiểu đoàn 135), giữ cương vị Phó thuyền trưởng Tàu 326. Khi các tàu của Phân đội 3 (Tiểu đoàn 135) đánh đuổi tàu Maddox của Mỹ ngày 2-8-1964, các tàu của Phân đội 2 chúng tôi đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Quảng Bình để ngăn chặn các tàu biệt kích của hải quân Mỹ, ngụy vào do thám, vây bắt ngư dân ta nhằm khai thác thông tin tình báo. Ngày 5-8-1964, Tàu 326 cùng các tàu của Phân đội 2 tham gia đánh trả máy bay Mỹ ở khu vực cảng sông Gianh, góp phần vào chiến thắng trận đầu của bộ đội hải quân cùng quân và dân miền Bắc.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Trương (giữa) gặp gỡ đồng đội ở Tiểu đoàn 135 Hải quân. Ảnh: ĐỨC GIANG 

Những năm 1964-1967, tàu biệt kích của địch hoạt động ráo riết. Chúng bí mật bắt ngư dân của ta làm ăn trên vùng biển từ Thanh Hóa trở vào để khai thác thông tin tình báo, gây hoang mang cho cán bộ, nhân dân. Trước tình hình đó, khoảng giữa năm 1967, Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức cuộc họp ở Khe Tù (Tiên Yên, Quảng Ninh) để bàn biện pháp chống tàu biệt kích địch, bảo vệ ngư dân. Hội nghị thống nhất thành lập lực lượng hải quân, dùng bè mảng có lắp vũ khí trà trộn với bè mảng của dân hoạt động trên biển, phục kích đánh địch. Bộ tư lệnh Hải quân giao cho Trung đoàn 172 (thành lập ngày 9-7-1966) lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 135 để thành lập hai phân đội: Phân đội 4 sử dụng bè mảng dùng buồm; Phân đội 6 sử dụng bè, mảng lắp máy đẩy thả thủy lôi. Xưởng X48 Hải quân chế tạo các phao sắt đóng bè, nhân dân giúp tre, nứa, gỗ để làm bè. Phòng Kỹ thuật và Phòng Tác huấn (Bộ tư lệnh Hải quân) nghiên cứu cải tiến, lắp súng ĐKZ-82 và bom phóng HBF của tàu săn ngầm lên bè mảng. Cuối năm 1967, các phân đội hoàn thành lắp đặt bè mảng và trà trộn với bè mảng của dân hoạt động đợi cơ trên vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Phân đội 4 có 3 bè mảng thường xuyên trực hoạt động trên biển, cách bờ từ 3 đến 10 hải lý. Vì bè mảng có lắp vũ khí và thiết bị nặng, mỗi lần hạ thủy rất vất vả nên phân đội tính toán mỗi ca trực một tuần trên biển. Bộ đội giả làm ngư dân nên trang phục là nón lá, áo nâu, áo tơi... Những ngày nắng nóng, mồ hôi ướt đầm, muối bám trắng quần áo, khô cứng như mo tre. Đêm nằm, sóng biển đánh lên bè mảng, người lúc nào cũng ướt rượt. Ăn uống chủ yếu là lương khô, thực phẩm đóng hộp dự trữ. Khó khăn, gian khổ là vậy, song vì nhiệm vụ bảo vệ cuộc mưu sinh của ngư dân, với tinh thần quyết đợi địch, tìm địch để đánh, chúng tôi đều vượt qua.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Nguyễn Trương kể chuyện chiến đấu cho con cháu nghe. Ảnh: ĐỨC GIANG

Ngày 15-8-1968, tôi với cương vị Phân đội trưởng và đồng chí Nguyễn Đăng Hạ, cán bộ Trường Sĩ quan Hải quân, là phái viên của Bộ tư lệnh Hải quân, trực chỉ huy ở núi Ói (núi Quy Lĩnh, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Trực đợi cơ trên biển có 3 bè mảng, tổng số 17 cán bộ, chiến sĩ. Mỗi bè mảng 5 người, cùng với đồng chí Đỗ Văn Đắc, Chính trị viên phó Phân đội 4 và Lê Thăng, Phân đội phó Phân đội 4 trực tiếp chỉ huy. Lúc 13 giờ ngày 15-8, chúng tôi nhận được thông tin có 3 tàu biệt kích của địch vào hoạt động ở vùng biển xã Quỳnh Lương. Ngay lập tức, tôi điện cho các đồng chí Lê Thăng, Đỗ Văn Đắc chỉ huy các bè mảng đang trực trên biển dàn đội hình chiến đấu, sẵn sàng đánh tàu biệt kích địch. Khoảng 14 giờ, các bè mảng gặp tàu địch. Ta nổ súng, tập trung hỏa lực ĐKZ-82, B40 và phóng bom vào các tàu địch. Từ vị trí chỉ huy ở núi Ói, tôi nhìn thấy nhiều ánh chớp và khói vàng cuộn lên trên biển. Lúc 14 giờ 5 phút, chúng tôi nhận điện của đồng chí Đỗ Văn Đắc báo cáo, anh em chiến đấu rất dũng cảm, nhưng đã hết đạn và đã có thương vong... Sau đó, chúng tôi mất liên lạc hoàn toàn.

Ngay chiều tối hôm đó, phân đội huy động thuyền, bè mảng của ngư dân địa phương đi tìm kiếm cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi đã cứu được đồng chí Khoanh và đồng chí Thiềng đang bám vào khúc luồng bơi trên biển. Đến sáng hôm sau thì vớt được một số thi thể của anh em ở vùng biển xã Quỳnh Long.

Trận đánh này, ta đánh trọng thương biên đội tàu biệt kích ngụy, nhưng tổn thất, hy sinh 15 cán bộ, chiến sĩ. Đây là trận đánh cảm tử trên biển của bộ đội hải quân, thể hiện tinh thần quả cảm, ý chí dám đánh, quyết đánh thắng địch. Sau trận đánh này, tàu địch không dám vào gần vùng biển của ta. Phân đội 4 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba”.

Nhớ về trận đánh cảm tử trên biển, Đại tá Nguyễn Trương mong mỏi các cơ quan chức năng Quân chủng Hải quân và chính quyền địa phương nghiên cứu, xác minh, đánh giá ý nghĩa trận đánh và nên xây dựng bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hải quân đã hy sinh, đặt tại khu vực núi Ói, xã Quỳnh Lương...

DƯƠNG HÀ