Ông Nguyễn Lấp sinh năm 1949, tại Chí Linh, Hải Dương; trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, hy sinh từ khi ông Lấp chưa sinh ra. Câu chuyện về người cha anh dũng đã nuôi dưỡng lòng yêu nước để tháng 6-1968, chàng thanh niên 19 tuổi Nguyễn Lấp làm đơn xung phong lên đường nhập ngũ, được biên chế về Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, bộ đội địa phương tỉnh Hải Hưng. Sau 3 tháng huấn luyện, tháng 9-1968, ông được điều về làm chiến sĩ trinh sát của Đại đội Trinh sát 20.

Ông nhớ lại: “Ngày 12-2-1971, nhận lệnh của Trung đoàn, Trung đội 5, Đại đội Trinh sát 20 đi nắm tình hình và đặt đài quan sát tại cao điểm 628 (Hướng Hóa, Quảng Trị). Khi ấy, tôi được phân công làm Tổ trưởng Tổ trinh sát, cùng tổ có các đồng chí: Duyên, Lê Tiến Tào và Nguyễn Văn Đáp. Từ căn cứ lên đến điểm đặt đài, chúng tôi phải đi bộ khoảng 5km đường rừng. Để tránh bị địch phát hiện, chúng tôi xuất phát khi trời còn chưa sáng, gió rít và sương mù dày đặc, mọi người căng mắt, dò dẫm bám sát nhau”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Lấp (bên phải) cùng đồng đội. Ảnh: THU HOÀI

Gần 12 giờ ngày 12-2-1971, Tổ trinh sát đến điểm được chỉ định để làm nhiệm vụ. Ông Lấp phát hiện một cây cổ thụ cao khoảng 20m có thể quan sát được tình hình. Vốn là người nhanh nhẹn, trèo cây giỏi, ông xung phong trèo lên cây. Hơn 12 giờ, Tổ trinh sát nhận được điện từ Trung đoàn yêu cầu đón bộ phận tiếp tế lương thực, thực phẩm sẽ đi qua điểm đặt đài quan sát. Khoảng một giờ sau, ông Lấp thấy có đoàn người di chuyển dưới chân núi nhưng do khoảng cách xa và sương mù nên không nhìn rõ được, bèn quay xuống nói với đồng chí Lê Tiến Tào: “Phen này không ta thì địch, đồng chí quan sát tình hình ở dưới, tôi quan sát ở trên. Có tin mới phải lập tức báo cáo”.

Cách chừng 500m, ông Lấp xác định rõ là khoảng một trung đội địch đang hành quân từ hướng Đường 9 tới. Ông nhanh chóng ra hiệu cho đồng đội tìm chỗ nấp. Khi địch đến cách chỗ cây cổ thụ tầm 50m, chúng phát hiện ra ta đang ẩn nấp, một tên đi trước hô to: “Việt Cộng!” rồi ném 4 quả lựu đạn ra 4 hướng. Ngay lập tức, ông Lấp dùng AK bắn từ trên cao xuống, tiêu diệt tại chỗ tên địch đi đầu. Thấy súng nổ nhưng không thấy người, quân địch vô cùng hoảng loạn. Ông Lấp nhanh trí nhảy từ trên cây xuống, hô: “Xung phong!” và ra hiệu cho đồng đội phối hợp cùng lúc ném lựu đạn khiến nhiều tên địch bị thương. Trong làn sương, địch không phát hiện được vị trí của ta, chúng tưởng bị phục kích nên quay đầu tháo chạy xuống chân đèo.

Đợi khoảng một giờ sau không thấy động tĩnh tiếp theo của địch, ông Lấp cùng Tổ trinh sát lui về hậu cứ báo cáo tình hình. Để tránh bị địch phát hiện, ông cùng đồng đội phải tìm một lối mới, đi men theo sườn núi, vòng qua các quả đồi. Sau 3 ngày, Tổ trinh sát mới về tới hậu cứ. Lần thực hiện nhiệm vụ này, ông Lấp bị gãy xương mác chân phải trong lúc nhảy từ trên cây xuống. Sau khi điều trị, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ trinh sát tại các chiến trường khác chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo của quân ta.

Đất nước thống nhất, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Lấp trở về địa phương, trải qua nhiều vị trí như: Phó chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hải Dương, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 thành phố Chí Linh, Chủ tịch Công đoàn thành phố Chí Linh... Với nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của quê hương, đất nước, ông Nguyễn Lấp vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007.

PHƯƠNG NINH