Năm 20 tuổi, ông Lương Xuân Xanh được kết nạp Đảng. Năm 1963, ông xung phong nhập ngũ, là chiến sĩ của Đại đội Trinh sát V32 (tiền thân của Tiểu đoàn Trinh sát 32 ngày nay). Thông minh, nhanh nhẹn, có tố chất chỉ huy nên ông được cử đi đào tạo chuyên ngành trinh sát tại Trường Quân chính Quân khu 5. Ra trường, ông lại về V32 tiếp tục công tác và hoạt động trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng.

Chiều 23-12-1968, trên đường xuống cơ sở, gặp lính Mỹ đi càn, ông Xanh nhanh trí nhảy xuống sông, bơi vào làng, nhờ du kích thôn Dương Sơn (nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) hỗ trợ. Tuy nhiên, do có kẻ chỉ điểm, chỉ ít phút sau, quân địch đã bao vây thôn Dương Sơn. Trong tình thế nguy cấp, ông được đồng chí Trần Chí Linh, chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng đang hoạt động tại địa phương đưa xuống ẩn nấp trong một căn hầm bí mật nằm cạnh bờ sông. Sau một đêm lùng sục, kêu gọi các chiến sĩ ta đầu hàng nhưng không có kết quả, sáng 24-12, lính Mỹ nã pháo vào làng rồi tổ chức càn quét, dò tìm hầm bí mật trong thôn. Cửa hầm bí mật của ông Xanh và ông Linh bị địch phát hiện, song dựa vào các ngách hầm, hai ông tránh được những đợt xả súng và lựu đạn địch ném xuống, đồng thời còn bình tĩnh chiến đấu khi chúng nhảy xuống hầm.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Lương Xuân Xanh đến thăm và kể chuyện chiến đấu với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 32, Bộ Tham mưu Quân khu 5. Ảnh: AN KHANG

Hết đạn, ông Xanh bàn với ông Linh ngồi đợi khi địch ném lựu đạn xuống sẽ nhanh tay nhặt lên và ném trả, rồi lợi dụng khói bụi bất ngờ xông lên đánh giáp lá cà, cướp vũ khí của chúng để tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, khi ông Linh đang ghé vai làm điểm tựa hỗ trợ ông Xanh lao lên thì một quả đạn nổ ngay miệng hầm. Ông Xanh ngất lịm đi, đến khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong nhà thương của quân đội Mỹ. Đánh đập, tra tấn ông Xanh đủ mọi cách vẫn không khai thác được gì, quân địch đưa ông về giam giữ tại trại giam Phú Tài (Bình Định). Sau nhiều lần chuyển trại, năm 1973, ông Xanh được trao trả theo Hiệp định Paris. Đất nước thống nhất, ông được thăng quân hàm trung úy, về công tác tại Ban CHQS huyện Yên Mô. Một thời gian sau, do vết thương cũ tái phát, ông xin nghỉ mất sức.

Canh cánh về người đồng đội cùng chung hầm năm xưa, mỗi khi có điều kiện, ông Xanh lại khăn gói bắt xe về lại chiến trường xưa để tìm kiếm thông tin, song đều không có kết quả. Đến giữa năm 2016, ông Xanh liên lạc được với ông Ngô Tấn Phái (sinh năm 1949, quê ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nguyên cán bộ hợp tác xã nông nghiệp Hòa Châu. Ông Phái thường đến các nghĩa trang trên địa bàn tìm kiếm, ghi chép và cung cấp thông tin, giúp hàng chục gia đình liệt sĩ quê hương miền Bắc quy tập, cất bốc được phần mộ của người thân. Ông Xanh viết thư cho ông Phái kể rõ sự việc ở chung hầm, chiến đấu cùng ông Linh và nhờ ông Phái giúp đỡ.

Sau gần hai tháng nỗ lực tìm kiếm, ông Phái đã tìm được thân nhân của người chiến sĩ biệt động năm ấy. Ông Ngô Tấn Phái cho biết: “Khi hoạt động cách mạng, ông Trần Chí Linh lấy bí danh là Trần Văn Quá. Theo lời kể của các nhân chứng, chiều 24-12-1968, sau khi bắt được ông Xanh, lính Mỹ đã sát hại ông Linh rất dã man. Khi chúng định đưa thi thể của ông ra khỏi làng thì bị bà con kéo đến đấu tranh, phản đối nên đã phải trao trả thi thể để gia đình chôn cất. Vợ ông Linh vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành”.

Từ những thông tin do ông Phái cung cấp, ít ngày sau, từ Đà Nẵng, vợ con của liệt sĩ Trần Chí Linh đã ra Ninh Bình tìm gặp ông Xanh, mời ông vào dự lễ giỗ của ông Linh. Khi ông Xanh về lại Hòa Vang, nhiều người còn bán tín bán nghi chuyện ông từng ở chung hầm với liệt sĩ Linh. Chỉ đến khi ông Xanh dẫn mọi người ra thực địa, chỉ đúng vị trí cửa hầm, lỗ thông hơi, rồi kể rành rẽ từng chi tiết về trận càn ác liệt cuối năm 1968, mọi chuyện mới được làm rõ. Trưa 24-12-2016, tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Châu, trong bảng lảng khói hương, ông Xanh xúc động đọc bài thơ tự sáng tác “Nhớ anh Linh-người biệt động thành Đà Nẵng”, khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Người Nam-người Bắc, dẫu không máu mủ ruột thịt nhưng kể từ khi kết nối được với nhau, gia đình ông Xanh và gia đình liệt sĩ Trần Chí Linh đã trở nên thân thiết, hầu như năm nào cũng qua lại, thăm hỏi lẫn nhau. Các con, cháu của liệt sĩ Linh cũng thương quý, gọi vợ chồng ông Xanh là bố mẹ, ông bà.

NGUYỄN VIỆT HÙNG