Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với Chính phủ lúc bấy giờ là chủ động kỹ nghệ binh khí để củng cố quốc phòng. Chính vì vậy, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng với hai nhiệm vụ: Thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quân sự hóa toàn dân.
Để bảo đảm cho công tác nghiên cứu, cải tiến, sản xuất vũ khí, ngày 22-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Giấy ủy nhiệm số 87 (đang là hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, mang số đăng ký 3424 GI-39), với nội dung: “Nay chứng nhận ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Xuân là Trưởng phòng Quân giới, phụ trách việc quản lý và chế tạo vũ khí và đạn dược. Ông Nguyễn Ngọc Xuân có đủ quyền trưng thu các xưởng và tất cả các vật liệu cần thiết cho kỹ nghệ binh khí để củng cố việc quốc phòng. Ông ấy được phép thương lượng cùng các cơ quan của Chính phủ hay là các hãng thương mại và kỹ nghệ của tư nhân về mọi vấn đề có quan hệ đến quân giới. Vậy cấp giấy ủy nhiệm này làm bằng. Mong rằng các người chức trách và nhân dân đều tuân theo và giúp đỡ ông Nguyễn Ngọc Xuân để ông làm tròn nhiệm vụ được mau chóng”.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân (1902-1981) sinh ra và lớn lên ở thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; trong gia đình giàu truyền thống Nho học, yêu nước. Năm 1924, Nguyễn Ngọc Xuân theo học tại Trường Kỹ nghệ Hà Nội, rồi làm thợ tại các xưởng Trường Thi, La Phù và Phòng Thí nghiệm khoáng chất-hóa học của chính quyền thực dân Pháp. Năm 1929, Nguyễn Ngọc Xuân gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, đảm nhiệm việc liên lạc và vận chuyển vũ khí mua được từ Hải Phòng lên.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông từng bị thực dân Pháp bắt, xử tù chung thân và bị đày đi nhiều nhà tù khét tiếng như: Côn Đảo, Hỏa Lò... Thời gian ở trong tù, ông nhận thấy Quốc dân Đảng đã dần đi chệch hướng so với lý tưởng ban đầu. Thêm vào đó, được gần gũi với những người cộng sản, ông có cảm tình rồi dần giác ngộ lý tưởng. Ra tù, ông tìm mọi cách để bắt liên lạc với Đảng.
Lúc bấy giờ, tình hình cách mạng trong nước phát triển mạnh, do có kiến thức về công nghiệp và hóa chất, ông được tổ chức giao nhiệm vụ chế tạo một số vũ khí và lựu đạn. Ngoài vốn kiến thức đã được học, ông không ngừng tự nghiên cứu để có thêm những hiểu biết về thuốc nổ, mày mò chế thử được thuốc đen và thủy ngân phuy-mi-nát, một loại thuốc gây nổ rất cần trong sản xuất vũ khí. Năm 1944, ta thành lập căn cứ ở Cao-Bắc-Lạng. LLVT tập trung đã hình thành và phát triển, nhu cầu về vũ khí có những đòi hỏi mới. Ngoài chiến lợi phẩm thu được trong chiến đấu, cần phải tổ chức sản xuất để phục vụ chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo xây dựng xưởng sản xuất vũ khí bí mật ở thị xã Bắc Ninh, giao nhiệm vụ cho hai đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân và Ngô Gia Khảm thành lập công binh xưởng. Năm 1950, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân được bổ nhiệm Phó cục trưởng Cục Kỹ nghệ quân giới. Năm 1955, ông được cử làm Cục trưởng Cục Quân giới.
Cựu chiến binh Nguyễn Huy Sính, nguyên Trưởng phòng Toán-Tin, Viện Địa chất khoáng sản; hiện sống tại Thanh Xuân, Hà Nội, kể: “Tôi là một trong những cán bộ đầu tiên của Cục Quân giới, làm việc ở Phòng Hóa chất của Nha Nghiên cứu kỹ thuật nên có nhiều năm được làm việc cùng đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân. Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Xuân đã cùng cán bộ và công nhân của ngành luôn bám máy, bám xưởng, sản xuất, chiến đấu. Anh luôn trăn trở trước những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của cán bộ, công nhân viên. Đặc biệt là luôn quan tâm, coi trọng cuộc sống sinh hoạt và chăm lo đến sức khỏe, việc ăn ở cho anh em nên ai cũng quý mến”.
Năm 1959, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân chuyển ngành, làm Phó ban chỉ huy Công trường gang thép Thái Nguyên; Cục trưởng Cục Cơ khí, Bộ Công nghiệp nặng; Trưởng ban Kiểm tra, Bộ Công nghiệp nặng... Năm 1981, đồng chí qua đời sau gần 20 năm chống chọi với di chứng tai biến mạch máu não.
LÂM VĂN PHÚ