1. Một ngày đầu tháng Chạp năm Mậu Ngọ (1978), anh Mai Bá Thiện, phụ trách Tổng biên tập Báo Quân khu 7 đánh thức chúng tôi từ rất sớm:
- Nào dậy đi. Lên xe, anh mời hai chú đi ăn phở Hòa để lên biên giới cho may mắn.
Tôi và Xuân Hòa (cùng phóng viên Báo Quân khu 7) theo anh đi ra đường Pasteur-nơi có tiệm phở Hòa nổi tiếng lúc bấy giờ. Ngồi trước tô phở nghi ngút khói, giọng anh Thiện trầm ấm:
- Chiến dịch này khốc liệt lắm. Hai chú đi công tác bảo trọng. Mong hai chú hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về.
Đêm hôm ấy, tôi và Xuân Hòa đã có mặt ở biên giới Tây Nam, đoạn thuộc huyện Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Đó là nơi trú quân của Trung đoàn 174, đơn vị thời chống Mỹ, cứu nước của tôi. Đêm nay, nhiệm vụ của chúng tôi là vượt sông Mê Công (đoạn qua thị xã Kro Chê), vừa hành quân vừa đánh địch dọc Quốc lộ 6 sang tỉnh Kampong Thom để giải phóng Siem Reap, nơi có ngôi đền thiêng Angkor cổ kính.
Tôi nhớ mãi, đứng trước dòng Mê Công cuộn chảy, Thiếu tướng Năm Ngà (Nguyễn Minh Châu, Phó tư lệnh Quân khu 7 trực tiếp làm Tư lệnh tiền phương) bồn chồn vì chưa đưa được bộ đội sang sông theo kế hoạch. Nước sông chảy xiết, địch bên kia sông dùng hỏa lực đón lõng lực lượng ta. Vì thế, sau khi xin ý kiến cấp trên, Thiếu tướng Năm Ngà ra lệnh cho đơn vị “lật cánh” hành quân dọc Quốc lộ 7 qua phà Nic Nương, qua thủ đô Phnom Penh để tiến lên Siem Reap.
Tôi rời Sư đoàn 5 đi cùng chiếc xe tăng của Trung đoàn 26 hành quân. Sau đó rời đơn vị xe tăng, tôi nhảy lên xe ô tô chở bộ đội của Sư đoàn 302 hành quân tiến về thủ đô Phnom Penh.
|
|
Tác giả (bên phải) tác nghiệp tại Mặt trận 479, năm 1985. Ảnh do tác giả cung cấp |
Vài ngày sau, chúng tôi đến Phnom Penh. Thủ đô của một quốc gia vắng tanh như bãi tha ma. Đơn vị bạn đang làm nhiệm vụ quân quản. Các chiến sĩ của Quân đoàn 4 dẫn tôi thăm nhà tù Tuol Sleng. Nơi đây, quân diệt chủng Pol Pot đã sát hại hàng vạn người Campuchia vô tội. Khuya. Thành phố như mồ hoang, không ánh đèn. Tôi đi dọc những con phố lạnh đến ghê người. Thành phố tráng lệ, sầm uất trước dòng sông 4 mặt ngày nào nay thực sự là thành phố chết.
2. Hôm sau, chúng tôi hành quân cơ giới lên giải phóng Siem Reap. Bọn tàn quân Pol Pot phục sẵn dọc đường, gài mìn và bắn B40, B41 cản phá.
Khuya hôm đó, đến Siem Reap. Không khác gì Phnom Penh, Siem Reap cổ kính, xinh tươi lúc xưa giờ cũng là thành phố chết. Tiền phương Bộ tư lệnh mặt trận trú quân trong những tòa biệt thự “cao cẳng” dọc quốc lộ. Tôi theo nhóm trinh sát mặt trận và đội phẫu của Bệnh viện 7E xuống một phum cách trung tâm Siem Reap không xa.
Bước chân vào ngôi làng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ở một gian nhà rộng mà Pol Pot gọi là “công xã”, người chết và người sống nằm la liệt, đan xen. Thi thể người chết đang thối rữa, còn người sống như bộ xương nằm bất động vì thiếu ăn, thiếu thuốc. Chúng tôi tập trung cứu chữa người còn sống và quy tập thi thể người chết để mai táng theo hoàn cảnh lúc bấy giờ. Tối hôm ấy trở về nơi trú quân, chúng tôi không ăn, không ngủ được.
3. Bây giờ, đất nước Campuchia đã hết chiến tranh, cuộc sống đang thay da đổi thịt từng ngày. Chúng tôi có dịp trở lại chiến trường xưa đi tìm đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống nơi đất bạn. Thăm lại thủ đô Phnom Penh, thành phố Siem Reap và cả phum, sóc “địa ngục trần gian” năm nào. Cảnh vật đổi thay nhiều quá. Chủ nhân mới của đất nước chùa tháp cổ kính và thơ mộng hôm nay có còn nhớ không nơi họ đang sống đã thấm biết bao xương máu đồng bào, đồng chí của họ và trong đó có những người lính tình nguyện Việt Nam - Bộ đội Cụ Hồ ngày ấy?
Đại tá TRẦN THẾ TUYỂN