Chia sẻ về những kỷ niệm khi nhận thi công Đường Hồ Chí Minh, Đại tá Nguyễn Văn Hùng, nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng Lũng Lô (nay là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô) cho biết: “Tháng 8-2002, chúng tôi nhận thi công tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây Trường Sơn, giáp biên giới Việt-Lào, có tổng chiều dài 50km thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi có địa hình phức tạp, đèo cao, vực sâu, khí hậu khắc nghiệt, trong đó có đỉnh Sa Mù ở độ cao 1.450m so với mực nước biển, là điểm cao nhất trên toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh. Khi đi khảo sát tuyến đường này thì vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Chúng tôi phải băng qua những cánh rừng nguyên sinh, địa hình hiểm trở, có rất nhiều bẫy thú rừng của người dân. Ngoài ra, còn vướng phải nhiều bom, mìn sót lại sau chiến tranh nên tốc độ khảo sát rất chậm. Mặc dù có sự hỗ trợ của lực lượng trinh sát thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị nhưng có những thời điểm, chúng tôi đi cả ngày mới di chuyển được 2km. Tôi còn nhớ mãi có một đồng chí trắc địa bị lạc đường, anh em trong đoàn phải đốt đuốc đi tìm cả đêm. Đến gần khe suối thì thấy đồng đội đang ở trên một cái cây lớn, cột chặt dây quanh người vào thân cây để nghỉ vì mệt, đói và sợ thú rừng tấn công”.

leftcenterrightdel

 Công ty Xây dựng Lũng Lô thi công tuyến đường Hồ Chí Minh qua Sa Mù, năm 2002. Ảnh: HOÀNG GIA

Do xung quanh tuyến đường hầu như không có nhà dân nên những anh em đi khảo sát phải chủ động mang theo lương thực, thường xuyên phải ăn, ngủ ở khe suối, nhiều lúc không nấu ăn được, phải dùng đồ hộp. Mặc dù khó khăn như vậy nhưng mọi người luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tranh thủ từng ngày, từng giờ để có kết quả khảo sát sớm nhất về báo cáo với Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh nhằm có phương án thi công phù hợp.

Sau khi khảo sát thực địa về xong, đến phần thi công nền đường, đoạn qua đỉnh núi Sa Mù thì đơn vị lại vấp phải nhiều trở ngại. Nơi đây là nhánh phía Tây Trường Sơn, thời tiết quanh năm ẩm ướt, mùa mưa thường mưa xối xả, đèo dốc cao nguy hiểm nên việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Quần áo bảo hộ lao động giặt lâu khô, việc nấu cơm phục vụ công nhân hằng ngày rất vất vả. Ngoài ra, khu vực này có dốc đèo quanh co, địa chất phức tạp nên việc vận chuyển thiết bị, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, lương thực chủ yếu bằng máy ủi.

leftcenterrightdel
 Công ty Xây dựng Lũng Lô thi công tuyến đường Hồ Chí Minh qua Sa Mù, năm 2002. Ảnh: HOÀNG GIA

Khi thi công mặt đường, Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh thống nhất phương án thi công bằng bê tông. Đây là công nghệ mới tại thời điểm bấy giờ và thi công trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, Công ty phải tổ chức đổ bê tông thí điểm một đoạn dài 200m để tất cả các đội thi công trên tuyến về tham quan, thống nhất kỹ thuật về khuôn thép, lòng đường, cốt thép, thanh trượt, quy trình đầm đổ bê tông dài, bản mặt rộng, bảo đảm thiết kế và chất lượng. Sau một tuần tập huấn nắm vững kiến thức, Công ty mới cho các đội thi công triển khai trên toàn tuyến.

“Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở, từ khâu khảo sát đến khi thi công nền, mặt đường nhưng lúc bấy giờ, Công ty Xây dựng Lũng Lô đã xác định đây là tuyến đường huyết mạch-đường Trường Sơn huyền thoại nên chúng tôi đã quán triệt anh em quyết tâm hoàn thành sớm nhất có thể. Đồng thời, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Binh chủng Công binh nên đến cuối năm 2004, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ hai tháng, đạt chất lượng cao. Nhờ vậy, Công ty Xây dựng Lũng Lô là đơn vị dẫn đầu của nhánh thi công phía Tây, được Ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh đánh giá cao và tặng bằng khen”, Đại tá Nguyễn Văn Hùng nhớ lại.

ANH VIỆT