Cùng ông Nguyễn Hải Long, Bí thư Chi bộ 4 phường Ngọc Hà, chúng tôi tìm gặp những nhân chứng trong đêm lịch sử ấy. Đó là vợ chồng ông Trần Văn Tường và bà Chu Thị Mai, hiện sống tại khu dân cư số 4.

Tháng 12-1972, cô thôn nữ Chu Thị Mai được cử vào trung đội dân quân của làng Ngọc Hà. Chiều 27-12-1972, Mai và đồng đội nhận lệnh sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ “vì có thể, đêm nay máy bay Mỹ sẽ tiếp tục oanh tạc Hà Nội”. “Đêm ấy, bầu trời rực sáng bởi các loại tên lửa, đạn pháo liên tiếp nối nhau trên không trung. Khoảng 23 giờ, kèm theo tiếng nổ vang trời là tiếng vè vè cùng cột lửa bốc lên ngùn ngụt trong lòng hồ. Tôi nghe ai đó hô to: “B-52 rơi rồi!”. Ngay trong đêm và nối tiếp nhiều ngày sau, chúng tôi phải túc trực tại làng vừa để đưa những người bị thương đi viện, an táng người mất, vừa dọn dẹp, khắc phục hậu quả do máy bay Mỹ rơi để lại”-bà Mai nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp và xác máy bay B-52 ngày nay.  

Làm công an khu vực ở Đồn Công an nhân dân số 33, khi ấy, ông Trần Văn Tường được giao phụ trách khối 65. Ngay từ chiều 27-12, ông đã được lãnh đạo đồn nhắc nhở về việc huy động nhân dân sơ tán, vào hầm trú ẩn an toàn. Đến tối, ông Tường cùng ông Hoàn, Trưởng ban Bảo vệ khối phố đi kiểm tra tình hình một lượt rồi dừng lại ở khu vực hồ Hữu Tiệp. Khi có lệnh báo động, ông nhắc ông Hoàn về hầm trú ẩn, còn mình cũng nhanh chóng đi về nơi ở tạm tại nhà dân trên đường Hoàng Hoa Thám. Ông không ngờ đó là lần cuối cùng mình gặp ông Hoàn. Ông kể: “Máy bay rơi tạo thành các đám cháy lớn. Ngay khi ngớt tiếng bom đạn, tôi vội vã cùng đội dân phòng đi dập lửa, cứu người. Dẫn đầu một tổ dân phòng đến ngôi nhà số 38, đường Hoàng Hoa Thám có đám cháy lớn, tôi cùng mọi người nhanh chóng tìm kiếm những người bị nạn”.

Trong hầm trú ẩn ở ngay trước cửa nhà, sát lề đường, có hai mẹ con bà Nguyễn Thị Bính gặp nạn. Không quản lửa cháy, khói bụi còn dày đặc, ông Tường chui vào hầm đưa hai mẹ con bà Bính ra ngoài. Nhưng do bị bỏng quá nặng, hai mẹ con bà đã không qua khỏi. Ông Tường lại nhanh chóng chạy sang một hầm trú ẩn khác đang bị một mảnh xác máy bay B-52 lấp kín cửa. Mọi người hợp lực cùng kéo xác máy bay ra nhưng nó không nhúc nhích bởi quá nặng. Nhớ ra có một đơn vị bộ đội ở gần đó, ông Tường chạy đến đề nghị hỗ trợ. Nhờ vậy, cửa hầm mới thông để mọi người vào cứu. “Trong hầm có 3 người, một cụ già vì sức quá yếu nên khi được đưa lên khỏi hầm thì qua đời. Nhưng may mắn hai người còn lại chỉ bị thương. Khi họ ra khỏi hầm, tôi cử anh em dân phòng đưa đi cấp cứu”-ông Tường nhớ lại.

Suốt một đêm dài mệt mỏi chạy khắp nơi cứu người và tài sản của nhân dân, về đến khu vực hồ Hữu Tiệp thì ông được biết, ông Hoàn cùng em gái đã không may bị sức ép của quả bom rơi xiên gần hầm và không qua khỏi. Nhà ông Hoàn cách hồ khoảng 50m, sát khu vực trường tiểu học bây giờ. Ông Tường cùng với bà con đã đứng ra tổ chức tang lễ cho anh em ông Hoàn chu đáo.

Tiếp lời ông Tường, ông Nguyễn Hải Long cho biết: “Để những mất mát, hy sinh không bị rơi vào quên lãng, lãnh đạo phường Ngọc Hà cũng như khu phố đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục truyền thống, phát huy hiệu quả các hình thức tuyên truyền. Hằng năm, vào các dịp lễ kỷ niệm, chúng tôi đều tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống về những ngày cuối tháng 12-1972 lịch sử cho thế hệ trẻ nghe. Dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tới đây, chúng tôi sẽ mời những cựu chiến binh từng trực tiếp bắn rơi máy bay B-52 ngày ấy đến kể chuyện với gần 400 học sinh, cựu chiến binh của khu phố”.

leftcenterrightdel
Vợ chồng ông Trần Văn Tường, bà Chu Thị Mai kể chuyện bên di tích. Ảnh: THỦY TIÊN

Cùng vợ chồng ông Tường và ông Long đi quanh khu vực hồ Hữu Tiệp, chúng tôi thấy nhiều du khách nước ngoài đang tham quan ở đây. Trò chuyện với chị Helen (du khách Mỹ), chúng tôi được biết, đây là lần đầu tiên chị đến Việt Nam. Có dịp tìm hiểu về Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chị mong muốn được tận mắt chứng kiến “pháo đài bay bất khả xâm phạm” đã bị “hạ” ở Việt Nam. Chị không ngờ dấu tích chiến thắng hào hùng của nhân dân Việt Nam đã được bảo quản khá nguyên vẹn dù 50 năm đã trôi qua. “Năm 2021, nước hồ đã được rút cạn để trục vớt xác máy bay lên, sơn lại bảo quản lâu dài. Khi việc xây bệ hoàn thành thì đưa về đặt nguyên trạng tại đúng vị trí máy bay rơi. Là di tích đặc biệt, nằm giữa khu dân cư, lại thường xuyên được đón các đoàn khách quốc tế đến thăm nên công tác bảo quản di tích được chính quyền TP Hà Nội, trực tiếp là phường Ngọc Hà chúng tôi rất coi trọng và gìn giữ”-ông Nguyễn Hải Long nhấn mạnh.

KHÁNH AN