Tháng 10-1994, trong chuyến đi công tác ở tỉnh Nghệ An để tìm hiểu về lực lượng tự vệ đỏ và Phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, tôi được các đồng chí ở Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh giới thiệu đến gặp cụ Đặng Bá Phi ở làng Yên Phúc. Năm 1993, cụ Đặng Bá Phi tự nguyện hiến tặng Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh chiếc kiếm cụ đã sử dụng khi là đội viên đội tự vệ đỏ. Chiếc kiếm là kỷ vật quý được cụ Phi mang theo mình trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó cụ lưu giữ cẩn thận đến khi trao tặng bảo tàng.

Làng Yên Phúc là một trong những cơ sở cách mạng của Đảng ta và cũng là địa phương sớm thành lập đội tự vệ đỏ, hoạt động nền nếp, quy củ nhất. Cụ Phi là một trong những đảng viên đầu tiên tham gia thành lập chi bộ của làng Yên Phúc (Đảng bộ xã Phúc Sơn ngày nay) và là đội viên đội tự vệ đỏ từ những ngày đầu. Gặp cụ Phi ở nhà riêng, khi đó cụ đã ngoài 80 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Cụ hào hứng kể chuyện về những ngày sôi nổi tham gia Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở quê hương, hoạt động của đội tự vệ đỏ cho chúng tôi nghe.

leftcenterrightdel
Áo lụa Bác Hồ tặng cụ Nguyễn Văn Uy trưng bày ở Bảo tàng Quân khu 4. Ảnh: XUÂN CÔNG 

Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc là một trong 27 đội tự vệ đỏ của huyện Anh Sơn. Các đội tự vệ đỏ thành lập theo chủ trương của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Nghệ An và Huyện ủy Anh Sơn chỉ đạo. Đội tự vệ đỏ có nhiệm vụ bảo vệ cơ sở Đảng, bảo vệ quần chúng nhân dân đấu tranh, trực tiếp diệt ác, trừ gian và bọn địa chủ, cường hào có nhiều nợ máu. Đội viên tự vệ còn làm nhiệm vụ giao liên, dẫn đường cho cán bộ, rải truyền đơn, thuyết trình, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin và truyền bá sách báo cách mạng.

Cụ Phi kể: “Đội tự vệ đỏ bao gồm cán bộ cốt cán của chi bộ đảng, lựa chọn những thanh niên khỏe mạnh, nhiệt tình, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh để vào đội. Đội tổ chức học tập chính trị, luyện tập quân sự, luyện tập võ thuật. Đội cắt cử người canh trực, tuần tra, bảo vệ các cuộc họp của đảng, của các hội như nông dân, phụ nữ... Đội trưởng Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc là anh Nguyễn Văn Uy, người mà năm 1957 được Bác Hồ tặng chiếc áo lụa. Đội phó là anh Nguyễn Ngọc Từ. Trong đội còn cử ra một tổ đặc nhiệm có võ thuật, trang bị dao phay, kiếm, giáo mác để trừng trị bọn Việt gian, có nhiều nợ máu”.

Trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, tháng 10-1930, Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc đã bắt 15 quan lại ở địa phương, rồi bịt mắt đưa về đình làng giáo dục. Ngày 28-5-1931, đội đã bắt 11 tên địa chủ, cường hào tay sai có nhiều nợ máu với nhân dân về đình làng trị tội. Nhận được tin này, tên Đồn trưởng người Pháp Pierre ở Thạch Sơn liền đến Yên Phúc để nắm tình hình. Trên đường đi, tên đồn trưởng bị Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc phục kích giết chết.

“Sau sự kiện này, quân Pháp tập trung lực lượng kéo về bao vây làng Yên Phúc, đàn áp phong trào cách mạng ở Anh Sơn và nhiều địa phương khác. Trước sự đàn áp đẫm máu của địch, Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc phối hợp với các làng, xã bạn bảo vệ cán bộ đảng, khẩn trương đưa các cơ sở đảng về các chiến khu như Khe Tru, Đồng Sở... để bảo toàn lực lượng và tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng”-cụ Phi kể tiếp.

leftcenterrightdel
 Vũ khí của đội tự vệ đỏ sử dụng trong các năm 1930-1931 trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: XUÂN CÔNG

Trước sự càn quét, đàn áp, vây ráp, nhiều đội viên Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc bị quân Pháp bắt, trong đó có Đội trưởng Nguyễn Văn Uy... Chúng đưa Nguyễn Văn Uy đi giam giữ ở nhà lao Vinh, sau đó chuyển vào ngục Kon Tum. Trong tù, dù bị địch tra tấn dã man, tàn bạo nhưng Nguyễn Văn Uy vẫn giữ vững khí tiết của người tự vệ đỏ, người chiến sĩ cách mạng; cùng các bạn tù tổ chức đấu tranh đòi một số quyền lợi, buộc bọn cai ngục phải nhượng bộ. Năm 1945 được ra tù, cụ Uy tham gia nhiều hoạt động ở địa phương. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), cụ Uy là một trong những người đi đầu trong khai hoang sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới, vận động lập các tổ đổi công, hợp tác xã...

Tháng 6-1957, lần đầu tiên về thăm quê hương Nghệ An sau nhiều năm xa cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh được nghe chuyện về tấm gương tiêu biểu của cụ Nguyễn Văn Uy, Người quyết định nhờ Tỉnh ủy Nghệ An trao tặng cụ Uy chiếc áo lụa, nhân dịp cụ mừng thọ 70 tuổi (tháng 8-1957). Chiếc áo lụa Bác Hồ tặng cụ Uy là món quà của Hội mẹ chiến sĩ liên hiệp phụ nữ Hoa và Việt thị xã Lạng Sơn kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp sinh nhật của Người, năm 1956. Cụ Uy mất năm 1968. Hiện vật áo lụa gốc hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4...

HƯƠNG NGÂN