Tấm huy chương được đúc bằng đồng, hình tròn dẹt, đường kính 31mm. Trên cả hai mặt huy chương đều đúc gờ viền nổi. Trên một mặt, ở chính giữa huy chương đúc nổi bản đồ Việt Nam hình chữ S trong ngôi sao vàng 5 cánh, bên dưới là hai bông lúa đặt chéo nhau. Bao xung quanh là dòng chữ: “Tổ quốc ghi công”. Ở mặt còn lại, chính giữa đúc nổi chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh theo góc nhìn nghiêng, bên dưới là hai bông lúa đính hai ngôi sao vàng 5 cánh nhỏ. Bao quanh là dòng chữ: “Tổng bộ Việt Minh kính tặng”.
|
|
Mặt trước và sau tấm huy chương của Tổng bộ Việt Minh tặng cụ Đặng Đình Bình.
|
Khi tôi hỏi về nguồn gốc của tấm huy chương, ông Thuật cho biết: Tấm huy chương này là kỷ vật do thân sinh của ông là cụ Đặng Đình Bình (còn có tên khác là Đặng Nhật Bình) để lại. Cụ Bình sinh năm 1929, từng là chiến sĩ quan trắc pháo binh tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. Do cụ biết tiếng Pháp nên cấp trên điều chuyển cụ tham gia lực lượng hỏi cung tù binh Pháp tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Hòa bình lập lại, cụ là một trong số cán bộ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình từ năm 1960. Cụ từng viết sách nói về quy hoạch phát triển các vùng kinh tế của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1965-1968. Sau giải phóng năm 1975, cụ chuyển vào công tác ở Ban Quy hoạch nông nghiệp tỉnh Minh Hải (trước đây), là tỉnh kết nghĩa với tỉnh Hà Nam Ninh (trước đây). Năm 2011, cụ bị ốm và qua đời. Sau khi các con mở chiếc tủ riêng của cụ thì thấy nhiều hình ảnh, thư từ chiến trường thời kỳ chống thực dân Pháp và tấm huy chương này.
Những năm 40 của thế kỷ trước, tấm huy chương của Tổng bộ Việt Minh được trao tặng là sự ghi nhận của Đảng đối với những đóng góp, sự hy sinh của các cá nhân đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do sinh thời cụ Đặng Đình Bình không kể nhiều cho con cháu về thành tích của mình nên khi cụ mất, không ai biết trong hoàn cảnh nào cụ được tặng tấm huy chương của Tổng bộ Việt Minh. Nhưng chắc chắn đây là kỷ niệm quý rất có ý nghĩa được cụ nâng niu, lưu giữ trong hành trang cuộc đời mình.
NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN