Từ bài thuyết trình ấn tượng

Sinh năm 1932 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, ba là cán bộ ngành bưu điện tại Quảng Ngãi, Nguyễn Thu Nhạn được bao bọc từ nhỏ. Từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng theo công việc của ba, biến cố đầu tiên ập đến năm Thu Nhạn 7 tuổi, ba bị điều động đi làm việc ở miền núi tỉnh Quảng Trị. Mấy mẹ con đành về Quảng Ngãi nhờ bà ngoại. Là một người ham học, sáng dạ, những năm tháng tiểu học, Thu Nhạn luôn đứng đầu lớp. Sau đó, gia đình Thu Nhạn theo ba về Thừa Thiên (Thừa Thiên Huế ngày nay) khi ông được thuyên chuyển công tác.

Năm 1945, đang là nữ sinh Trường Cao đẳng Tiểu học Đồng Khánh (nay là Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế), Thu Nhạn tham gia Đội Thiếu nữ Tiền phong, xuống đường tuần hành trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi nổi. Đầu năm 1946, Thu Nhạn thoát ly, gia nhập Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ. Đội được phân một gian vốn là garage ô tô trưng dụng làm nơi làm việc của các cơ quan. Đội ăn ở tại chỗ, ngày thì tập kịch, tập diễn thuyết, tối đi cơ sở để tuyên truyền, vận động quần chúng. Bà Nhạn kể: “Đội mang tên nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, gồm có 8 người, đều là nữ sinh Đồng Khánh. Mỗi tối, sau khi cơm nước xong, chúng tôi xếp thành hàng dọc hành quân đi. Chị Bội Hoàn, Đội trưởng đi trước cầm cờ, cả đội vừa đi vừa hát vang những bài ca: “Diệt phát xít”, “Chiến sĩ Việt Nam”... Đi đến đâu cũng được nhân dân vỗ tay chào đón. Vì đi cả ngày đêm nên ba má tôi rất thắc mắc. Tôi giải thích là ban đêm chúng tôi đi “công tác”. Để ba má hiểu hơn về công việc của mình, tôi bàn với các chị trong Đội đến khu nhà tôi ở để làm một buổi tuyên truyền. Hôm ấy, chúng tôi chọn một khu chợ gần nhà rồi dựng rạp và đốt lửa trại tuyên truyền về chống giặc dốt. Tôi đóng vai một công tử bột ăn mặc rất diện nhưng lại không biết chữ. Tối đó, cả gia đình đã rất ấn tượng trước vai diễn ấy. Từ đó, ba má mới hiểu những chuyến đi “công tác” của tôi và hết lòng ủng hộ con gái”.

leftcenterrightdel

Bác sĩ Nguyễn Thu Nhạn ngày trẻ. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sau một thời gian tham gia hát múa, diễn kịch, Thu Nhạn được giao trực tiếp diễn thuyết trước nhân dân. Phải tự chuẩn bị bài nói và đứng trước đám đông là một áp lực rất lớn với nữ sinh mới 14 tuổi, nhưng Thu Nhạn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Bà kể: “Đứng trên sân khấu, tôi nhìn rõ mọi người ở phía dưới. Họ im lặng lắng nghe tôi thuyết trình, có người lấy tay lau nước mắt, rồi cuối cùng vỗ tay hoan hô khi bài nói kết thúc. Hiệu quả của những buổi tuyên truyền khiến tôi càng tích cực tham gia công tác”.

Một thời gian sau, Thu Nhạn được cử phụ trách Đội Thiếu nữ Tiền phong. Cơ quan có chiếc máy đánh chữ nhưng không ai dùng, thế là bà tự tập đánh máy rồi trang trí văn bản thật đẹp. Mỗi lần có cuộc họp, bà lại tự soạn công văn, đánh máy, rồi đi xe đạp khắp thành phố triệu tập họp. Có lần lên dốc, xe đạp thì cao, bà lại thấp bé, áo dài quần trắng lòe xòe quấn vào xích làm xe đổ, bà ngã lăn, rách hết cả bộ áo dài. Hăng say hoạt động, Thu Nhạn không có thời gian về nhà. Chính vì vậy mà trước Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) nổ ra, gia đình đã theo chuyến tàu cuối cùng tản cư về Quảng Ngãi mà không thể báo tin được cho bà. “Lúc tôi chạy về đến nhà đã không còn ai. Sau này, thay đổi công tác liên tục từ Huế ra Quảng Bình, lên Việt Bắc rồi sang Trung Quốc học tập, tôi cũng đi một mình. Mãi đến năm 1975, khi Đà Nẵng giải phóng được 7 ngày, tôi mới gặp lại người thân sau 29 năm xa cách”, bà Nhạn kể.

Lễ kết nạp Đảng đáng nhớ

Những Ngày Toàn quốc kháng chiến, Thu Nhạn được chuyển sang làm việc ở cơ quan Thị ủy. Vì biết đánh máy, Thu Nhạn được phân công vào bộ phận văn thư và luôn làm việc cần mẫn, cẩn trọng. Một hôm, cấp trên hỏi Thu Nhạn về nguyện vọng vào Đảng. Vừa bất ngờ, vừa sung sướng, Thu Nhạn trả lời: “Có ạ!” mà tim đập thình thịch!

Lễ kết nạp Đảng cho Thu Nhạn cùng một số quần chúng ưu tú khác diễn ra vào một buổi tối, trong một ngôi đình làng, không thắp đèn và có rất đông người tham dự. “Năm ấy, tôi 15 tuổi, đứng ở hàng cuối cùng và hừng hực khí thế giơ nắm tay tuyên thệ xin thề dưới Đảng kỳ. Kể từ đó, tôi nguyện một lòng theo Đảng”, bà Nhạn nói.

leftcenterrightdel

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Nhạn kể lại kỷ niệm những ngày tham gia Mặt trận Việt Minh. Ảnh: KHÁNH AN

Khi Pháp đánh chiếm Thừa Thiên, Thu Nhạn nằm trong số những người được điều chuyển ra Khu 4 công tác. Trên đường đi, đến Đồng Hới (Quảng Bình), vì nhường vé tàu cho một đồng đội không may bị viêm ruột thừa cần phải mổ gấp, Thu Nhạn đã ở lại Quảng Bình. Nhận nhiệm vụ tại Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh của tỉnh, Thu Nhạn trở lại với công tác tuyên truyền địch hậu. Ban ngày ở trong rừng, chiều đến lại quang gánh theo đồng bào vào làng, nhiệm vụ của Thu Nhạn là tuyên truyền về các chính sách của Đảng, về Mặt trận Việt Minh, giải thích cho bà con hiểu tuy giặc đánh chiếm nhưng chính quyền cách mạng vẫn theo sát các phong trào để bà con yên tâm kháng chiến chống giặc. Cô gái nhỏ Việt Minh Nguyễn Thu Nhạn đã có gần một năm kiên cường ở mảnh đất Quảng Bình rồi lại ra Khu 4 học tập, công tác.

Những tháng năm đầu đời đầy thử thách đã tôi rèn để Nguyễn Thu Nhạn ngày một trưởng thành, vững vàng hơn trên những bước đường sau này, khi là lưu học sinh ở Trung Quốc năm 1953, hay làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô (1965-1972)... Bà đã học tập miệt mài để trở thành bác sĩ nhi khoa đầu ngành với những đóng góp quan trọng, như: Điều chế oresol trị tiêu chảy theo công thức Việt Nam; ứng dụng phương pháp ăn điều trị giúp giảm suy dinh dưỡng thể nặng cho bệnh nhi; hay các chương trình chăm sóc ban đầu cho trẻ sơ sinh giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật ở trẻ em, nâng cao chất lượng dân số của Việt Nam...

THỦY TIÊN - MAI PHƯƠNG