Ở tuổi 95, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí vẫn nhớ như in ký ức những năm tháng chiến đấu. Ông kể: “Đầu tháng 7-1974, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5 (nay Trung đoàn 31 thuộc Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) nhận nhiệm vụ cùng với các đơn vị khác tấn công căn cứ Nông Sơn để giữ vững vùng giải phóng, tích cực tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam. Cứ điểm Nông Sơn nằm sâu trong vùng giải phóng của ta, cách Đà Nẵng khoảng 50km, án ngữ tuyến đường Trường Sơn, ngăn ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại cứ điểm Nông Sơn, địch tập trung Tiểu đoàn biệt động quân 78 và hơn 1.500 lính bảo an, dân vệ chiếm giữ các vùng phụ cận. Trong cứ điểm, địch xây dựng đồn trên đỉnh núi cao 298m, có 3 tầng hỏa lực và chỉ có một đường độc đạo có thể lên đến trung tâm đồn. Ta tiến công cứ điểm Nông Sơn nhằm buộc địch phải kéo quân ra, tiêu hao một phần lực lượng, giải phóng một vùng đất quan trọng để tạo thuận lợi khi tiến công Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
Bộ đội Trung đoàn 31 áp giải tù binh trong trận Nông Sơn (Quế Sơn, Quảng Nam) ngày 18-7-1974. Ảnh tư liệu 

Để chắc thắng cho trận Nông Sơn, Trung đoàn 31 được trên chi viện trực tiếp hỏa lực pháo 85mm và 105mm, tăng cường 1 tiểu đoàn pháo phòng không, 1 đại đội cối 160mm, 1 đại đội tên lửa vác vai A72.

Do cứ điểm được địch bố phòng cẩn mật nên Trung đoàn triển khai cách đánh bí mật, đào công sự, đặt thuốc nổ xung quanh cứ điểm. Càng gần địch, việc đào công sự càng khó khăn, nếu không cẩn thận sẽ bị phát hiện. Bộ đội đào công sự vào ban đêm, lấn dần vào gần cứ điểm.

0 giờ 15 phút ngày 18-7-1974, toàn bộ đội hình của Trung đoàn 31 đã vào vị trí chiếm lĩnh, nổ súng tiến công. Địch bất ngờ vì trước đó, chúng cho rằng ta chưa đủ sức tiến công tiêu diệt một cụm cứ điểm mạnh, lại bố trí trên một chính diện rộng. Đòn tiến công bất ngờ và áp đảo của ta đã gây kinh động cho địch. Chúng tung quân ra phản kích. Tướng ngụy Ngô Quang Trưởng nhận rõ tuyến phòng thủ vòng ngoài ở Tây Nam Đà Nẵng có nguy cơ bị vỡ, liền ra lệnh cho một sư đoàn gấp rút đưa lực lượng lên để chuẩn bị phản kích. Không quân cũng được lệnh tập trung đánh phá các trận địa vây lấn để yểm trợ cho bọn trong đồn cố thủ chờ viện binh.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 4. Ảnh: LÊ HOA 

Sau khi kiểm tra, theo dõi diễn biến trận đánh, tôi báo cáo Bộ tư lệnh Sư đoàn 2 nhận thấy thời cơ dứt điểm đã đến. Đúng 5 giờ ngày 18-7-1974, trên hướng chủ yếu của Đại đội 5 và 7, địch tung quân ra phản kích quyết liệt. Bộ đội ta vừa kiên quyết đánh bật các đợt phản kích vừa xây dựng thế trận vây lấn. Các trận địa pháo của ta tập trung bắn chế áp. Trận đánh mỗi lúc một ác liệt, máy bay phản lực và trực thăng của địch giội bom và bắn rocket dữ dội vào trận địa. Lúc này, pháo của ta tiếp tục bắn vào căn cứ địch. Từ các hướng, các mũi xung kích xung phong vượt qua cửa mở và các lớp rào, đánh chiếm lô cốt đầu cầu rồi tiếp tục phát triển vào đánh chiếm trung tâm cứ điểm. Đúng 17 giờ 5 phút, lá cờ chiến thắng của Sư đoàn 2 trao cho Trung đoàn lúc xuất quân tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch.

Thắng trận Nông Sơn, Trung đoàn 31 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Đồng chí Tư lệnh Chu Huy Mân gọi tôi và cán bộ Trung đoàn đến để động viên, căn dặn nhiệm vụ sắp tới và tặng chúng tôi một cây mía, giọng trầm ấm: “Mía mình trồng đó, ngọt lắm!”. Cây mía như một phần thưởng của đồng chí Tư lệnh dành cho chúng tôi. Hương vị ngọt ngào của mía, tình cảm thân tình của Tư lệnh vẫn mãi theo tôi đến tận bây giờ!”.

HOÀNG HOA LÊ