Tôi đã nhiều lần trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Như Hoạt. Mỗi lần gặp, ông lại có câu chuyện thú vị kể về những năm tháng ở chiến trường. Ông bộc bạch: “Tôi sinh năm 1950, quê ở làng An Trụ, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1967, tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, tôi được điều động về Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 và đi B tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trong chiến dịch này, tôi đã cùng đơn vị chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị...”.

Từ ngày 1 đến 5-5-1968, trong trận đánh địch tại xóm Đồng Hoang (nay thuộc phường Đông Giang, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), đơn vị ông đã phối hợp với địa phương đánh bại cuộc tiến công của 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn kỵ binh bay Mỹ. Khi toàn bộ cán bộ đại đội bị thương và hy sinh, lúc đó, Nguyễn Như Hoạt là chiến sĩ liên lạc Đại đội 9. Do thường xuyên đi cùng chỉ huy nên ông đã nắm được phương án tác chiến, mưu trí, linh hoạt chỉ huy đơn vị đánh lui nhiều cuộc tiến công của địch, giữ vững trận địa và bảo vệ thương binh.

Trung tướng Nguyễn Như Hoạt nhớ lại: “Ngày 5-5-1968, mới hơn 6 giờ, loạt pháo đầu tiên từ Hạm đội 7 bắn vào phía Tây xóm. Anh Yêm, Quyền Đại đội trưởng Đại đội 9 hô lớn: “Pháo hạm đấy! Tất cả vào hầm ẩn nấp. Chú ý cảnh giới!”. Vừa dứt lời, loạt pháo thứ hai đã trùm lên xóm Đồng Hoang. Căn hầm được gia cố khá vững chắc vậy mà chao đảo liên hồi như có động đất. Trận pháo kéo dài chừng 20 phút thì dừng. Ngay lúc đó, một chiếc máy bay OV-10 xuất hiện trên bầu trời. Nó bay qua bay lại rồi sà xuống rất thấp soi mói, sau đó bắn một quả pháo khói vào giữa xóm và tôi thấy một cột khói màu da cam nhanh chóng dựng lên. Vài phút sau, hai máy bay phản lực bay đến, lượn một vòng quan sát rồi thay nhau cắt bom. Dứt trận bom, anh Yêm kéo tôi chạy lên vị trí cảnh giới tiền tiêu. Anh bảo tôi chạy một vòng nắm tình hình của các trung đội. Sau khi nắm thông tin, tôi chạy về vị trí chỉ huy được một lát thì một trận pháo kích dữ dội nữa lại chụp xuống. Một quả pháo trúng ngay cửa hầm chỉ huy đại đội, anh Hàm-Đại đội phó bị thương nặng. Dưới các trung đội báo về cũng có thêm vài người thương vong.

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Như Hoạt cùng các đại biểu quốc tế tại Liên hoan thiếu nhi thế giới, Liên Xô (năm 1977). Ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng thời điểm đó, từ phía làng Đại Độ, gần chục chiếc xe tăng, xe bọc thép xuất hiện. Phía sau là một đại đội lính thủy đánh bộ. Một lúc sau, trận pháo kích chấm dứt, chỉ còn hỏa lực từ mấy chiếc xe tăng M41 và đại liên đặt trên xe M113 nã đạn liên tục vào tiền duyên phòng ngự của ta. Gần 9 giờ, khoảng cách giữa ta và địch còn chừng 50m. Quân địch tản rộng đội hình thành hai mũi, mỗi mũi có 2-3 chiếc xe tăng dẫn đầu. Anh Yêm vỗ vai một chiến sĩ giữ súng B41, ra lệnh bắn vào chiếc xe tăng chính giữa. Chiếc xe tăng bốc cháy, quân ta đồng loạt nổ súng, hàng chục tên địch bị tiêu diệt. Trung đội 3, Trung đội 2 cũng bắn cháy mấy chiếc xe tăng, xe M113 và diệt nhiều tên địch. Đợt tiến công thứ nhất của chúng đã thất bại.

Khoảng 9 giờ 30 phút, địch mở đợt tiến công mới. Khi còn cách quân ta chừng 300m, xe tăng, xe bọc thép của địch dừng lại, tiếp tục bắn vào xóm. Anh Yêm kéo tôi lên sát bờ tre phía trước Trung đội 1. Bọn địch chia thành 3 mũi tiến vào. Dẫn đầu vẫn là những chiếc M41, M113 với khẩu đại liên M50 trên nóc xe bắn không ngừng. Bộ binh địch thận trọng tiến theo. Anh Yêm nhổm lên hét lớn: “Để cho chúng vào thật gần hãy bắn! Đợi lệnh tôi!”. Vừa dứt lời, anh bỗng đổ vật về phía sau. Tôi vội đưa tay đỡ anh nhưng không kịp. Anh Yêm sụm người xuống lòng mương. Tôi vội lật anh lên thì điếng người khi thấy một mảnh đạn trúng vào trán anh làm máu chảy tràn trên mặt. Tôi liên tục gọi tên anh mấy lần mới thấy anh mở mắt ra. Tôi cuống quýt định lấy băng băng cho anh thì anh khẽ xua tay, thều thào: “Đừng! Tớ bị nặng lắm rồi!”. Anh cố đưa tay lên túi ngực lấy ra cái địa bàn trao cho tôi rồi lại vỗ vỗ vào cái ống nhòm đang đeo trước ngực như muốn bàn giao lại, giọng anh nhỏ dần, đứt quãng: “Hoạt... cố gắng... chỉ huy...”. Dứt lời, người anh giật lên mấy cái rồi nằm thẳng ra. Tôi kéo anh vào một cái “hàm ếch”, nhổm dậy quan sát trận địa rồi bật lên hét thật to: “B41 tập trung diệt xe tăng, bắn!”. Sau tiếng súng nổ là những chiếc xe tăng, xe M113 bốc cháy.

Thấy địch đang dồn thêm quân phía sau lên, tình hình sẽ gay go hơn rất nhiều, nhớ lại phương án tác chiến đã được Tiểu đoàn thông qua có tình huống như thế này sẽ cho Đại đội 10 và Đại đội 11 xuất kích đánh vào sau lưng địch nên tôi quyết định báo cáo với Tiểu đoàn và xin chi viện. Tôi chạy về vị trí chỉ huy nói với chiến sĩ thông tin: “Nối máy về Tiểu đoàn cho tớ!”. Chiến sĩ thông tin đưa máy cho tôi, tôi vội nói luôn: “Báo cáo thủ trưởng, địch đang tập trung lực lượng chuẩn bị tiến công lần nữa. Hiện tại “xê 9” (Đại đội 9) vẫn giữ vững trận địa nhưng thương vong nhiều. Quyền Đại đội trưởng Yêm đã hy sinh. Đề nghị Tiểu đoàn chi viện!”. Từ đầu dây đằng kia, tiếng Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Bằng:

- Đồng chí là ai? Bây giờ ai chỉ huy đại đội?

- Báo cáo thủ trưởng, tôi là Hoạt, chiến sĩ liên lạc Đại đội 9. Hiện nay, Ban chỉ huy Đại đội 9 không còn ai nên vừa rồi tôi phải tạm chỉ huy.

Mấy giây ngần ngừ rồi tiếng Tiểu đoàn trưởng Bằng dứt khoát:

- Đồng chí cứ chỉ huy đi nhé! Bây giờ “xê 10”, “xê 11” đang cơ động lên chi viện cho các đồng chí rồi.

Chẳng kịp cảm ơn thủ trưởng, tôi lại quay ra chiến hào phòng ngự tiền tiêu. Quân Mỹ vẫn tiếp tục giội “bão lửa” vào trận địa đơn vị. Nhớ lại phương án hiệp đồng tác chiến, tôi hô to: “Tất cả theo tôi, xung phong!”. Dứt lời, tôi ôm súng vọt lên khỏi con mương cạn, lách qua chỗ trống giữa hai búi tre, lao về phía trước, vừa chạy vừa bắn vừa hô. Từ khắp chiến hào thứ nhất, bộ đội ta ồ ạt xông lên. Thêm hai chiếc xe tăng địch bị bắn cháy.

leftcenterrightdel

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Như Hoạt. Ảnh: THÁI KIÊN 

Sau đó, địch tổ chức thêm một đợt tiến công mới. Hơn 20 tên Mỹ đã tiến gần sát bờ tre, lợi dụng nơi đó ẩn nấp để bắn vào xóm. Anh em Trung đội 3 vừa đánh vừa lùi dần về giữa xóm. Tôi hét lên với các đồng chí Trung đội 1: “Tập trung hỗ trợ Trung đội 3!”, rồi lại lao đến chỗ Trung đội 2 hô lớn: “Địch đã đột nhập bên cánh “bê 3” (Trung đội 3), ta cơ động đánh vào sườn bọn chúng ngay!”.

Khi trời sẩm tối, không thấy tiếng máy bay nữa, tôi lệnh cho các trung đội về tập hợp tại vị trí hầm chỉ huy đại đội. Toàn đại đội bị thương vong nặng, chỉ còn hơn 10 tay súng. Tôi điện báo cáo tình hình với Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Bằng. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh tổ chức đưa toàn bộ thương binh về Kỳ Lâm (nay là hai thôn Tân Kỳ, Trúc Lâm thuộc xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Việc thu dọn chiến trường và mai táng liệt sĩ do vận tải của sư đoàn và du kích địa phương đảm nhiệm”.

Tổng kết cả đợt chiến đấu, Tiểu đoàn 3 cùng với Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 52) được sự hỗ trợ của du kích các huyện Cam Lộ, Gio Linh đã đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến và 1 tiểu đoàn kỵ binh bay của Mỹ; bắn cháy 9 xe tăng, xe bọc thép, 7 máy bay trực thăng. Riêng Nguyễn Như Hoạt diệt được 37 tên Mỹ, thu 1 khẩu đại liên, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú và Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Ngày 25-8-1970, đồng chí Nguyễn Như Hoạt được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Chiếc địa bàn nhận lại từ tay Quyền Đại đội trưởng Yêm trước lúc anh hy sinh, sau này tôi đã trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và hiện nó vẫn được lưu giữ ở đó. Trong đợt chiến đấu này, người bạn thân nhất từ tuổi thiếu thời của tôi là Trần Viết Tiến, quê ở làng An Trụ, đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh... Anh được truy tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba”, Trung tướng Nguyễn Như Hoạt rưng rưng kể lại.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY