Nữ chiến sĩ biệt động “đánh Mỹ trên đất Mỹ”

Lê Thị Thu Nguyệt là một trong hai nữ thành viên đầu tiên của Biệt động Sài Gòn, hiện sinh sống cùng gia đình tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Bà tham gia Biệt động Sài Gòn từ năm 1960, khi vừa 16 tuổi. Nhưng trước đó, từ năm 12-13 tuổi, cô bé Nguyệt đã là một nữ giao liên, nhiều lần lao vào hiểm nguy đưa thư từ liên lạc cho người chú của mình là một cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ kháng chiến ngay trong lòng địch giữa Sài Gòn.

Bà kể: “Ba tôi thường xuyên đi kháng chiến xa nhà. Tôi sống cùng bà, các cô, các dì trong vùng kháng chiến. Trong một chuyến công tác lên vùng núi hẻo lánh, mẹ tôi bị sốt rét ác tính và ra đi mãi mãi mà không được nhìn mặt chồng con lần cuối. Ba tôi sau đó đi bước nữa. Cảnh “dì ghẻ con chồng” khiến tôi phải chịu nhiều đau khổ, bất hạnh. Về sau, khi ba quyết định tập kết ra Bắc, tôi được gửi về sống cùng người chú là thợ cắt tóc ở khu vực Đa Kao, Sài Gòn. Chú tôi là người chất phác, nhiệt thành với cách mạng. Lòng yêu nước, niềm tin vào Đảng và sự tất thắng của kháng chiến được chắp nối từ ba mẹ, từ sự kèm cặp, dạy dỗ của chú, giúp tôi rèn luyện được bản lĩnh gan dạ, dũng cảm, trở thành nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn”...

Lê Thị Thu Nguyệt (các bí danh: Chim Sắt, Mỹ Linh...) là nữ chiến sĩ được tổ chức tín nhiệm giao trực tiếp thực hiện các trận đánh kinh điển của Biệt động Sài Gòn. Đặc biệt nhất là trận đánh bom làm nổ tung máy bay địch tại sân bay Honolulu (bang Hawaii, Mỹ). Năm 1963, đội Biệt động Sài Gòn nhận nhiệm vụ gài mìn nổ chậm vào máy bay Boeing 707 chở cố vấn quân sự Mỹ. Để trinh sát thực địa tìm hiểu mục tiêu, đưa mìn nổ chậm vào khu vực sân bay, an ninh nghiêm ngặt, nhiều tháng ròng, Thu Nguyệt đã hóa thân thành người tình đang mang thai của một kỹ sư trong sân bay. Nhân vật này cũng là một đồng chí chung chiến tuyến, được ta cài cắm sâu vào hàng ngũ địch. Trong “bụng bầu” là một chiếc túi du lịch, chứa gói thuốc nổ, cài đồng hồ hẹn giờ. Thu Nguyệt đã vượt qua mọi sợ hãi, điều tiếng và cả những lời chỉ trích từ phía gia đình, người thân khi làm “người thứ ba” xen vào cuộc sống của một người đàn ông đã có gia đình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 “Chim sắt” Lê Thị Thu Nguyệt thời trẻ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau khi có cơ hội đánh tráo túi du lịch đựng mìn với chiếc túi của một viên sĩ quan cao cấp thuộc quân đội Mỹ, đưa vào khoang hành lý máy bay, Thu Nguyệt mới thở phào vì giải tỏa được áp lực tâm lý đè nặng. Theo tính toán, mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh khoảng 15 phút, khi bay trên Biển Đông. Nhưng thực tế, chiếc Boeing 707 sang San Francisco, khi quá cảnh ở sân bay Honolulu được ít phút mìn mới phát nổ. Toàn bộ máy bay bị phá hỏng, những tài liệu quan trọng bị cháy. Hàng chục sĩ quan cấp tá của quân đội Mỹ bị thương. Vụ nổ đã gây chấn động thế giới, chấn động cả Lầu Năm Góc.

Hơn 50 năm sau trận đánh vang dội được thực hiện khi mới vừa 19 tuổi, bà Thu Nguyệt vẫn nhớ như in từng chi tiết: “Tuy kết quả không được như ý vì không tính đến việc thiết bị của mình bị ảnh hưởng khi máy bay đạt trần bay, nhưng trận đánh đó đã gây tiếng vang rất lớn. Chúng tôi được Bác Hồ khen: Quân dân miền Nam không chỉ đánh Mỹ ở miền Nam mà còn đánh Mỹ trên đất Mỹ”.

Ký ức về “lễ truy điệu” của chính mình

Là một phụ nữ bé nhỏ nhưng Thu Nguyệt luôn nhận nhiệm vụ đánh cảm tử, từng hai lần được truy điệu sống vì những nhiệm vụ “một đi không trở lại”. Đó là lần chuyển 20kg thuốc nổ TNT được ngụy trang trong hai thùng dầu từ Củ Chi về Bình Chánh, khi đến ngã ba Ðức Hòa thì bị địch chặn lại định khám xét. Trước tình thế gay cấn, Thu Nguyệt đã đưa tay sờ dây nụ xòe (gắn sẵn trong thùng dầu) sẵn sàng đánh cảm tử. Lúc ấy, cô bình tĩnh nói với đám lính: “Tôi là con gái tướng Trần Tử Oai (tướng ngụy Sài Gòn) về quê ngoại chơi. Ngoại cho dầu mang lên. Các anh mà đụng đến, coi chừng tôi nói ba chuyển các anh xuống Vùng 4 chiến thuật”. Nghe thế, đám lính gác vội vàng xuống giọng, không khám xét nữa.

Một lần khác, Thu Nguyệt cùng đồng đội đánh bom trụ sở cố vấn Mỹ tại Sài Gòn. Nhiệm vụ gay cấn tới mức khi bom nổ bụi tung đầy trời, mọi người cùng chạy về phía xa mục tiêu và trở về căn cứ để bảo đảm bí mật, bảo toàn lực lượng. Thu Nguyệt lúc này phải rất vất vả mới quay lại được chiến khu và bất ngờ khi thấy anh em đang tổ chức... truy điệu mình trong tiếng nhạc trầm hùng của bài “Hồn tử sĩ”. Thì ra các anh nghĩ cô em gái nhỏ đã thiệt mạng không thể trở về nên đã làm lễ truy điệu.

Sau những trận đánh oai hùng, Thu Nguyệt được tuyên dương Chiến sĩ thi đua của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Cũng trong năm 1963, bà bị bắt khi chuẩn bị đi báo cáo thành tích tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua. Bản án khổ sai 20 năm không làm cho “Chim sắt”, khi đó mới 19 tuổi, lung lay. Trải qua 11 năm bị địch tra tấn đủ mọi hình thức trong các nhà tù khét tiếng của Mỹ, ngụy nhưng bà vẫn yêu đời, tin vào cuộc sống, tin vào chiến thắng và tổ chức nhiều cuộc biểu tình, phản đối địch ngay trong chốn lao tù.

Tấm vải thêu và thông điệp tiếp lửa truyền thống

Đầu năm 1974, sau khi trao trả tù binh, Thu Nguyệt mới được trở về khi tuổi xuân đã trôi qua. Cô lập gia đình với đồng chí Đỗ Khánh Vân (sau này là Đại tá, công tác tại Quân khu 7). Khi lấy chồng, “tài sản” cô mang theo từ những năm tháng tù ngục về với cuộc sống hòa bình chỉ là vài tấm áo mặc trong tù, vài tấm vải thêu tay.

Trong những bức thêu ấy có một bức gồm rất nhiều cụm hoa hồng trên mảnh vải lớn. Cô gái trẻ Thu Nguyệt khi ở trong tù chưa một lần yêu, nghĩ: “Biết đâu, sẽ có ngày mình dùng tấm khăn ấy để trải bàn tiệc cưới của mình”. Mảnh vải ấy cô xin được từ cai ngục khi đám lính lười giặt giũ định vứt đi sau một lần tổ chức đám tiệc. Thế rồi, trong đám cưới nghèo thời hậu chiến của cô, tấm khăn thêu hoa hồng ấy được trải ra, những người đồng đội đều cảm động rơi nước mắt. Khát vọng hạnh phúc cuối cùng cũng trở thành hiện thực với người nữ tù mang án khổ sai.

leftcenterrightdel

Nữ Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thị Thu Nguyệt. Ảnh: HƯƠNG SƠN

Và hàng chục năm sau chiến tranh, những bức ảnh tư liệu, tấm áo mặc trong tù, những mảnh vải thêu bé bằng bàn tay, mảnh khăn tang cột trong ngày để tang Bác Hồ... đã được bà hiến tặng các bảo tàng để trưng bày. Bà đã dành cả “gia tài” tinh thần của mình cho công tác giáo dục truyền thống, với tâm nguyện để những kỷ vật vô giá ấy giúp ích cho thế hệ con cháu đắp bồi tinh thần yêu nước. Những di chứng chiến tranh cùng với giới hạn về tuổi tác khiến bà phải trải qua 5 lần sảy thai mới được làm mẹ. May mắn, bà sinh được hai con trai khôi ngô, mạnh khỏe. Hai người con của ông bà đến nay đều học hành thành đạt. Thấu hiểu tấm lòng và những hy sinh, vất vả mà ba mẹ đã trải qua nên sau khi tốt nghiệp loại giỏi, có nhiều cơ hội mời gọi làm việc ở nước ngoài, nhưng hai người con của ông bà vẫn quyết định về Việt Nam làm việc. Thạc sĩ Đỗ Khánh Vinh, hiện công tác tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam và thạc sĩ Đỗ Khánh Hiếu cũng đang công tác tại một tập đoàn lớn ở trong nước.

Bà tâm sự: “Đời mình, ngày trẻ chỉ  ao ước được học hành đến nơi đến chốn nhưng do đất nước chiến tranh, không thực hiện được. Đến đời con cháu mình phải coi trọng việc học hành, chiếm lĩnh tri thức thì mới có điều kiện cống hiến cho quê hương, đất nước”.

Tuổi cao, sức khỏe của bà giảm sút theo thời gian. Những khi trái gió trở trời, hàng loạt vết thương do di chứng từ những trận đòn thập tử nhất sinh của kẻ thù trong lao tù lại hành hạ bà. Dù vậy, người anh hùng vẫn luôn lạc quan, nụ cười vẫn luôn thường trực, nhất là những khi bà đi nói chuyện, giao lưu với thế hệ trẻ ở Thành phố mang tên Bác và cả khi đang ngồi trước mặt chúng tôi, ôn lại một thời hào hùng của tuổi trẻ...

VÕ THU HƯƠNG