Theo giới thiệu của Đại tá Phạm Xuân Nghĩa, chúng tôi háo hức tìm gặp thầy Trịnh Đăng Khánh. Dù đã nghỉ hưu nhưng thầy Khánh không nghỉ việc. Thầy vẫn luôn bận rộn với những công trình, dự án, lịch giảng dạy hay hướng dẫn đề tài nghiên cứu của sinh viên, nghiên cứu sinh và trăn trở với các ý tưởng khoa học của mình.

Sinh năm 1958 ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, 19 tuổi, Trịnh Đăng Khánh nhập ngũ vào Tiểu đoàn xe chỉ huy, Trung đoàn 97, Binh chủng Pháo binh. Một năm sau, anh thi đỗ và là học viên khóa 13 của Trường Đại học KTQS (nay là Học viện KTQS). Tốt nghiệp, anh được giữ lại làm giảng viên của Học viện, sau đó làm Phó chủ nhiệm Bộ môn Ra-đa rồi giảng viên của Khoa Vô tuyến điện tử đến khi nghỉ hưu. PGS, TS Trịnh Đăng Khánh chia sẻ: “Tôi may mắn là được đi “đúng đường”, được làm việc đúng sở trường của mình nên cả cuộc đời cứ miệt mài, đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Thành công của mỗi công trình là công sức của cả tập thể chứ không chỉ là dấu ấn của riêng tôi. Và tôi thấy hạnh phúc vì luôn được làm việc với những đồng sự, học trò giỏi nghề, tâm huyết”.

Chúng tôi hỏi thầy đã chủ trì và tham gia bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học, thầy cười bảo không nhớ. Quả là không thể nhớ hết, vì số lượng đề tài thầy làm trong cuộc đời mình đã lên đến hàng chục. Nhưng dấu ấn đầu tiên với thầy có thể kể đến là việc hiện đại hóa hệ thống bơm, chuyển xăng, dầu, sản xuất các thiết bị đo nhiệt và xây dựng hệ thống báo lẫn xăng, dầu cho Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam-Petrolimex) những năm 1990-2010. Thầy cho biết, trước đó, tuyến ống của Petrolimex đã quá cũ, để bơm chuyển xăng, dầu từ kho này đến kho kia, Tổng công ty phải dùng chung một đường ống, khi bơm xăng, dầu thường xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, với kỹ thuật thủ công, việc phát hiện khi xăng, dầu đến kho để mở van đưa đúng xăng, dầu vào bể chứa là công việc rất vất vả với cán bộ, nhân viên ở đây. Các thầy đã nghiên cứu để lắp một hệ thống điều khiển được lập trình sẵn, tự động phát hiện và báo hiệu thời điểm nhiên liệu mới đến kho xăng, dầu phục vụ cho chuyển van chính xác và an toàn.

leftcenterrightdel
Đại tá, PGS, TS Trịnh Đăng Khánh (thứ hai, từ trái sang) nhận giải Nhất tại Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) NĂM 2023, tổ chức ngày 30-5-2024. Ảnh: LA DUY  

Hai mươi năm hợp tác và phục vụ cho Petrolimex, những sản phẩm của thầy Khánh và các cộng sự đã đóng góp về mặt công nghệ, kỹ thuật và nâng cao độ tin cậy của hệ thống bơm chuyển ngành xăng dầu. PGS, TS Trịnh Đăng Khánh khẳng định: “Khi chưa hiện đại hóa các hệ thống bơm chuyển cho các kho xăng, dầu, mỗi năm, chúng tôi phải thường xuyên tham gia bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống. Nhưng từ khi hệ thống bơm chuyển được hiện đại hóa, chúng tôi không cần phải làm công việc bảo dưỡng nữa. Cho đến nay, hệ thống vẫn hoạt động ổn định, hầu như không phải bảo trì, là một đề tài nổi bật phục vụ cho ngành xăng dầu của nước ta. Bên cạnh đó, một số đề tài về nhận biết chủ quyền quốc gia cũng là dấu ấn lớn trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của tôi”.

Tiêu biểu có thể kể đến đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị hỏi-đáp hệ Parol cho Quân chủng Hải quân” và “Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị hỏi-đáp hệ Parol cho Quân chủng Phòng không-Không quân” với các dòng sản phẩm MTA-VT và MTA-HQ thầy tham gia dưới sự chủ trì của Bộ môn Ra-đa. Thầy Khánh cho biết: “Trong thập niên 2000, các thiết bị hỏi-đáp do Liên bang Nga cung cấp dùng thiết bị thu phát điện từ bị xuống cấp, hỏng hóc nhiều. Khi chuyển giao cho ta, bạn cho biết đây là sản phẩm quốc gia nên không chuyển giao bộ mã mật-là tính năng quan trọng nhất của máy. Trước tình trạng ấy, chúng tôi đã chủ động đề xuất đề tài nhằm thiết kế, chế tạo thiết bị hỏi-đáp nâng cao về mặt công nghệ và có tính bảo mật cao”.

Sau quá trình miệt mài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản phẩm của Bộ môn Ra-đa đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng đánh giá cao và cho phép sản xuất loạt. Theo Đại tá Phạm Xuân Nghĩa, đây là dòng sản phẩm IFF đầu tiên sản xuất tại Việt Nam được đưa vào biên chế chiến đấu và nhận được đánh giá cao của các doanh nghiệp ký kết đặt hàng cũng như các đơn vị sử dụng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhận biết chủ quyền quốc gia hiện nay.

leftcenterrightdel

Đại tá, PGS, TS Trịnh Đăng Khánh (bên phải) cùng đồng đội trong đợt đi kiểm tra sản phẩm lắp đặt trên tàu hải quân, năm 2022. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Một sản phẩm đã được nghiệm thu đạt xuất sắc cấp quốc gia là hệ thống dẫn đường quán tính sử dụng công nghệ cảm biến sợi quang từ đề tài khoa học: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dẫn đường quán tính cho tàu hải quân sử dụng cảm biến công nghệ sợi quang” năm 2022. Theo thầy Khánh, đề tài đã sử dụng công nghệ mới nhất hiện nay là hệ thống sợi quang. Sản phẩm có tính năng tương đương và có khả năng thay thế cho hệ thống dẫn đường Ladoga của Nga trên các tàu mặt nước hải quân. Với chức năng dẫn đường cho tàu trong chế độ làm việc độc lập và chế độ làm việc phối hợp cũng như cung cấp các tham số về vị trí, góc hướng, các tham số ổn định cao cho các hệ thống hỏa lực trên tàu với thời gian đưa vào hoạt động chỉ 1,5 giờ so với hệ thống Ladoga là 6-8 giờ. Sản phẩm của đề tài có thể lắp trên những tàu hải quân hay phát triển mở rộng để trang bị cho các phương tiện pháo, xe tăng, xe cơ giới, giúp Quân đội chủ động về công nghệ, giảm giá thành, tiết kiệm chi phí, bảo đảm tốt quá trình bảo trì và phát triển những sản phẩm dẫn đường quán tính.

Trong quá trình thử nghiệm sản phẩm năm 2021, thầy Khánh và các đồng sự đã gặp nhiều khó khăn, do thời điểm đó, dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Để đạt được yêu cầu đánh giá chính xác, sản phẩm phải được thử nghiệm trên thế hệ tàu của Quân chủng Hải quân. Thầy đã phải liên hệ với nhiều đơn vị trong và ngoài Quân đội để di chuyển đến địa điểm thử nghiệm. Sản phẩm của đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia và các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân đánh giá cao về độ chính xác trong quá trình hoạt động, trong tương lai sẽ được trang bị rộng rãi trên các tàu mặt nước, đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải và chủ quyền đất nước. Sản phẩm của đề tài đã đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2023.

Có duyên với những sản phẩm công nghệ nên các đề tài của PGS, TS Trịnh Đăng Khánh chủ trì và tham gia có nhiều sản phẩm được đưa vào sản xuất, trang bị rộng rãi. Cả cuộc đời gắn bó với nghiên cứu, hiện nay, thầy tâm đắc với công tác hướng dẫn cho lớp kế cận ở Khoa Vô tuyến điện tử tiếp bước theo con đường mà thầy và các đồng sự đã làm được. PGS, TS Trịnh Đăng Khánh nhắn nhủ: “Những năm qua, Khoa Vô tuyến điện tử luôn tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, giảng viên tích cực nghiên cứu và nỗ lực với nghề. Để làm chủ công nghệ và thực hiện thành công các đề tài thì phải luôn nỗ lực, sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ. Bí quyết để thành công chính là sự đam mê và đi đến cùng với mỗi đề tài, sản phẩm mà mình đã lựa chọn!”.

HOÀNG TÙNG