Nguyễn Trinh Tiếp sinh năm 1924. Năm 1946, ông hoàn thành Chương trình đào tạo Kỹ sư công chính khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), ông nhập ngũ, lên Tuyên Quang, vào ngành quân giới. Tháng 4-1947, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Xạ thuật, Nha Nghiên cứu kỹ thuật (nay là Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), Cục Quân giới.

Là một người hay chuyện, một đêm ở Nà Lằng (xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), Nguyễn Trinh Tiếp kể cho tôi nghe: “Có 3 tài sản vô giá mà tôi được tiếp nhận ở ATK. Đó là tập tài liệu mà anh Hoàng Đình Phu chép tay, lược ghi các bài giảng về “Nhập môn ngành vũ khí” của anh Trần Đại Nghĩa thời ở Việt Bắc; kho vũ khí hiện đại của Nhật, Pháp để lại cho Trung đoàn Hà Tuyên chuyển cho quân giới khai thác. Tài sản thứ ba thật đáng giá, đó là tủ sách của anh Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng mang từ Pháp về khi anh sang đó dự Hội nghị Fontainebleau về Đông Dương. Đây là những cơ sở vô cùng quan trọng về lý thuyết và thực hành đối với một cơ quan nghiên cứu vũ khí ở bước đi ban đầu.

Với chiến thắng lịch sử của ta trong Thu-Đông 1947, quân Pháp phải co cụm lại ở những phòng tuyến nhất định với những boong-ke, lô cốt kiên cố. Một nhiệm vụ hết sức nặng nề mà Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy giao cho quân giới lúc ấy là cần có vũ khí để tiêu diệt công sự vững chắc của địch.

leftcenterrightdel

 Chế tạo vũ khí SKZ-60 tại công binh xưởng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu

Nguyễn Trinh Tiếp đã nghĩ ngay đến một loạt vũ khí dùng nguyên lý không giật với đạn lõm, có sức công phá lớn, tầm bắn ngắn. Ban nghiên cứu SKZ (súng không giật) đã được thành lập do Nguyễn Trinh Tiếp làm Trưởng ban, Nguyễn Nguyên Huy là Thư ký khoa học. Ban khẩn trương triển khai ngay hàng loạt công việc, từ nghiên cứu thiết kế, chế tạo đến bắn thử lần đầu, lần cuối, bắn tổng hợp,   thực tế như ở chiến trường. Cả tập thể Ban nghiên cứu làm việc ngày đêm và tin vui đến từng ngày, từng buổi, từng giờ và cuối cùng là tin chế tạo thành công SKZ sẵn sàng xuất trận.

SKZ-60 đã lập công ở trận Phố Lu trong Chiến dịch Nghĩa Đô-Phố Lu (năm 1950), Chiến dịch Biên giới (năm 1950). Nhờ uy lực và hiệu quả chiến đấu cao, đồng chí Cao Văn Khánh, Phó đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, đã gửi thư về Bộ Quốc phòng đề nghị quân giới sản xuất nhanh, nhiều SKZ-60 để trang bị cho bộ đội chiến đấu, phục vụ các chiến dịch. Các xưởng quân giới ở Việt Bắc, Liên khu 4... triển khai kế hoạch sản xuất hàng loạt. Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh đã cử các chuyên gia về vũ khí mang theo bản vẽ, các tài liệu hướng dẫn sản xuất vào Liên khu 5 và Nam Bộ để chế tạo SKZ-60.

Tin bộ đội ta sử dụng vũ khí SKZ-60 lập công ở trận chùa Dầu (Ninh Bình), trận Kon Plong, trận đèo Mang Yang (Liên khu 5) đã khẳng định vị trí, vai trò của SKZ-60. Trên cơ sở đó, quân giới tiếp tục nghiên cứu, chế tạo các loại SKZ với cỡ nòng khác nhau, phục vụ yêu cầu chiến trường.

Tôi nhớ một lần nói chuyện về kỹ sư, liệt sĩ Nguyễn Trinh Tiếp, anh Hoàng Đình Phu khẳng định: “Anh Tiếp là một cán bộ trẻ, thông minh, học giỏi, có tài năng, có nghị lực và giàu tình cảm. Anh đã hoàn thành xuất sắc chức năng kỹ sư trưởng của mình trong công trình nghiên cứu SKZ”. Tiếc thay, anh hy sinh vì bom Mỹ năm 1967 trên đường đi làm nhiệm vụ với cương vị Phó ban Bảo đảm giao thông toàn quốc ở độ tuổi còn đang rất sung sức.

Kỹ sư Nguyễn Trinh Tiếp đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, đợt I, năm 1996 với công trình nghiên cứu vũ khí SKZ.

Đại tá TRẦN TIỆU