Ông Lê Văn Trung, Phó bí thư Đảng ủy xã Trưng Trắc khi tiếp tôi đã không giấu được sự tự hào về quê hương mình. Ông cho biết: “Trước kia, xã từng có tên là: Ngọc Trai, Việt Đoàn, Chí Minh, Tân Quang. Sau năm 1954, xã Tân Quang tách thành hai xã Tân Quang và Trưng Trắc. Tên xã là Trưng Trắc bởi hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, ở địa bàn xã có lực lượng du kích phát triển mạnh ngay trong vùng địch hậu, xứng đáng với tinh thần Bà Trưng, Bà Triệu...

Theo câu chuyện của ông Trung, chúng tôi tìm gặp các đội viên Đội nữ du kích Hoàng Ngân của xã đang sinh sống trên địa bàn. Sau 70 năm kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các nữ du kích tuổi mười tám, đôi mươi năm xưa giờ đều đã trên dưới 90 tuổi. Trong số đó có cụ Chu Thị Nhâm, 95 tuổi, hiện ở thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc.

Đến thăm cụ Nhâm, tôi còn được con gái và người cháu của cụ hỗ trợ để cùng cụ trò chuyện. Trong căn nhà nhỏ, cụ vẫn cặm cụi têm trầu. Cho một miếng trầu vào miệng, cụ bỏm bẻm nhai, vẻ ấy cho thấy cụ còn rất minh mẫn. Cô Trần Thị Lan, con gái cụ đưa cho tôi xem tấm ảnh chụp những nữ du kích. Cô Lan cho hay: “Ảnh này chụp vào năm 2003, dịp xã Trưng Trắc đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Trong tấm ảnh, những nữ du kích năm xưa đều mặc áo nâu, quần lụa đen, trên ngực áo gắn bông hoa cùng tấm huân chương của mình. Nhìn cụ bà nào cũng tươi vui, rắn rỏi. Chỉ vào người đứng thứ hai, từ phải sang, cụ Nhâm rạng rỡ bảo: “Đây là tôi. Cách tôi một người là chị Chu Thị Đậy. Chị Đậy hồi đó là Đội trưởng Đội nữ du kích”. Rồi cụ Nhâm chỉ vào từng người giới thiệu: “Đầu tiên là chị Khâm, tôi, rồi đến các chị: Chối, Đậy, Khái, Hát, Chức, Bổng, Sáu, Thiện và cuối cùng là chị Mọt. Nay có 5 người còn sống thôi”.

leftcenterrightdel

Nữ du kích Chu Thị Nhâm (giữa) vui bên con cháu. Ảnh: MIÊN ĐÔNG 

Qua câu chuyện của cụ Nhâm và tìm hiểu thông tin trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Trưng Trắc, giai đoạn 1930-1975”, tôi được rõ hơn về truyền thống xây dựng, chiến đấu của Đảng bộ và nhân dân xã Trưng Trắc. Từ tháng 10-1946, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, công tác xây dựng LLVT được tiến hành hết sức khẩn trương. Xã thành lập trung đội dân quân du kích, các thôn có tiểu đội dân quân du kích. Phong trào tập luyện quân sự không chỉ có ở dân quân du kích mà mọi người trong xã đều hăng hái tham gia. Ở xã Chí Minh (nay là xã Trưng Trắc), trước khi nổ ra Toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946), xã đã kiện toàn và phát triển các cơ sở đảng, cơ sở quần chúng, củng cố hệ thống chính quyền kháng chiến.

Khi quân Pháp chiếm đóng, mở rộng hành lang, tuyến đồn bốt bảo vệ Đường 5 và đường sắt, chúng mở nhiều cuộc càn quét, thực hiện chính sách đốt sạch, giết sạch rất dã man. Nhưng quân Pháp không làm nhụt ý chí của người dân. Công tác “phá hoại” tiếp tục được đẩy mạnh. Đêm đêm, dân quân du kích xã cùng dân quân du kích các xã lân cận tổ chức phục kích trên Đường 5, phá đường sắt bằng cách chôn mìn nhằm cản trở tuyến vận chuyển của địch; đồng thời bảo đảm an ninh và thông tin liên lạc cho ta.

Đến tháng 5-1947, xã hoàn thiện tổ chức Ban chỉ huy xã đội và thành lập đội du kích tại các thôn. Cùng thời gian này, đội nữ du kích của xã ra đời tại chùa thôn Tuấn Dị. Kể đến đây, cụ Nhâm im lặng, hồi tưởng lại những ngày gian lao và đầy nhiệt huyết. “Đội nữ du kích gồm 24 chị em, do chị Quản Thị Sành, đảng viên, cán bộ phụ nữ xã phụ trách và đồng chí Khải làm Đội trưởng. Sau đó thì chị Đậy làm Đội trưởng”, cụ Nhâm cười vui kể chuyện.

leftcenterrightdel
 Bà Quản Thị Sành (thứ ba, từ trái sang), nguyên cán bộ phụ trách Đội nữ du kích Hoàng Ngân xã Trưng Trắc, nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, năm 2023. Ảnh: NAM HÒA

Đội nữ du kích xã được gọi với cái tên là Đội nữ du kích Hoàng Ngân. Họ có nhiệm vụ chính là đưa đón cán bộ vượt qua Đường 5 và đường xe lửa; nắm tình hình địch ở địa bàn cũng như số lượng vận chuyển của địch trên Đường 5; đồng thời làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu như tải thương, vận chuyển lương thực, thực phẩm.

“Nói thế thôi chứ chúng tôi cũng có tham gia đánh một vài trận đấy”, cụ Nhâm nói đầy hứng khởi. Theo như lời cụ thì trận đánh đầu tiên hồi tháng 3-1948 mà Đội nữ du kích phối hợp thực hiện là trận đánh phục kích đoàn xe địch trên Đường 5. “Lúc đầu cũng lo lắm, nhưng khi nghe tiếng mìn của ta nổ, thấy địch bỏ chạy tán loạn thì tôi hết sợ. Đến trận đánh thứ hai thì “vui” hơn nhiều, trận ấy chúng tôi còn bắt sống một tên lính Pháp, giải hắn về giao cho cán bộ ta khai thác”, cụ Nhâm kể.

Cụ Nhâm nói về trận đánh tháng 2-1954, trong trận ấy, chồng của cụ là du kích Đỗ Văn Khoát đã hy sinh. Nén đau thương, cô du kích Chu Thị Nhâm vẫn cùng chị em hoàn thành nhiệm vụ phục kích đoàn xe chở lính Pháp.

Đội nữ du kích Hoàng Ngân xã Trưng Trắc hoạt động đến ngày miền Bắc giải phóng thì giải thể. Những cô thôn nữ lại trở về với chức phận làm vợ, làm mẹ của mình. Cô du kích Chu Thị Nhâm đi bước nữa với anh du kích Trần Văn Lừng và có 4 người con nay đều phương trưởng...

NGUYỄN TRỌNG VĂN