Cựu chiến binh Lê Hữu Luật sinh năm 1945. Năm 19 tuổi, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tại Tiểu đoàn 45, Tỉnh đội Quảng Bình, ông được bổ sung về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 33 (đơn vị mới thành lập tại Quảng Bình ngày 25-4-1965). Ngày 18-7-1965, ông cùng đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu.

75 ngày hành quân bộ ròng rã dọc dãy Trường Sơn, vào đến chiến trường Tây Nguyên, đơn vị ông chỉ có 3 ngày vừa nghỉ ngơi, vừa làm công tác chuẩn bị cho trận tập kích đồn Chư Ho, trong Chiến dịch Plei Me (từ ngày 19-10 đến 26-11-1965). Ông xung phong nhận việc khó về mình, đó là đánh bộc phá, phá cửa mở cho bộ đội tấn công đồn. Đây là trận đánh đầu tiên trong đời quân ngũ của ông, cũng là trận đánh đầu tiên của Trung đoàn 33. Với khối thuốc nổ 7kg, bằng những kiến thức đã được huấn luyện, lợi dụng đêm tối, ông lần lượt vượt qua sự canh gác cẩn mật và các bãi mìn của địch, tiếp cận hàng rào kẽm gai bùng nhùng ở vị trí xung yếu nhất. Sau hơn 6 giờ ẩn mình, đúng giờ “G” ông điểm hỏa. Bộc phá nổ hất tung hàng rào kẽm gai của địch, làm hiệu lệnh và mở đường cho bộ đội ta ào lên tấn công, làm chủ đồn Chư Ho.

leftcenterrightdel
Thương binh Lê Hữu Luật. 

Sau trận đánh, đơn vị ông tiếp tục được giao nhiệm vụ đánh chiếm cao điểm 18, căn cứ Chư Pông. Gần hai tháng giằng co với địch, trong hàng chục trận đánh lớn, nhỏ ông đã trực tiếp tiêu diệt 24 lính Mỹ, 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngày 1-2-1966, ông được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường.

Từ năm 1969 đến 1975, ông cùng đơn vị chiến đấu trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ông kể: Trận đột kích Chi khu Đức Thạnh (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) năm 1969 là trận đánh ông nhớ nhất. Trận này, ông được giao chỉ huy tiểu đội hỏa lực được tăng cường 2 khẩu B40, 2 khẩu ĐKZ, 2 khẩu cối 60mm. Lợi dụng địch mất cảnh giác, ông chỉ huy tiểu đội đột kích vào trung tâm chỉ huy, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch, trong đó có 3 cố vấn Mỹ và 47 sĩ quan ngụy, thu toàn bộ vũ khí của chúng. Đầu năm 1971, trên giao cho Tiểu đoàn 2 do ông chỉ huy đánh địch từ căn cứ Núi Đất đến Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương ngày nay). Sau khi nghiên cứu tình hình, ông đề xuất lên chỉ huy đơn vị thay đổi phương án tác chiến, từ đánh đối diện sang đánh phục kích độc lập. Trận này, đơn vị ông phá hủy 12 xe chiến đấu của địch, trong đó có 2 xe tăng M41, thu 97 súng các loại, buộc 2 tiểu đoàn Mỹ, ngụy phải tháo chạy. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đơn vị ông hiệp đồng với Quân đoàn 4 đánh mở đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng TP Biên Hòa (Đồng Nai), góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, đồng chí Lê Hữu Luật được điều động về Tỉnh đội Tây Ninh, giữ chức vụ Trưởng ban Tác chiến, sau đó là Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 5. Năm 1978, ông chuyển sang Mặt trận 479, làm cố vấn quân sự cho nước bạn Campuchia.

10 năm kháng chiến chống Mỹ và 8 năm làm chuyên gia quân sự giúp nước bạn Campuchia, qua nhiều cương vị khác nhau, từ chiến sĩ đến tiểu đoàn trưởng, ông Lê Hữu Luật đã 12 lần bị thương, với tỷ lệ thương tật 41%, xếp hạng 3/4. Ông được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ...

Năm 1988, Trung tá Lê Hữu Luật về nghỉ hưu theo chế độ. Sự trở về của ông khiến người thân và xóm làng ngỡ ngàng. Những lá thư ông gửi về bị thất lạc nên mọi người tưởng ông đã hy sinh. Người vợ của ông ở quê cũng đã đi lấy chồng khác. Ông trở về làm lại từ đầu. Bố mẹ già yếu, thu nhập chủ yếu của gia đình dựa vào hai sào ruộng lúa, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Đồng cảm với hoàn cảnh, nỗi đau và cảm phục tấm gương chiến đấu dũng cảm của ông, cô Trần Thị Hòa, người cùng thôn đã nguyện cùng ông bước tiếp cuộc đời còn lại. Hơn 30 năm ở quê, với bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông nỗ lực lao động, phát triển kinh tế gia đình. Vợ chồng ông đã xây được căn nhà khang trang; nuôi 4 người con (1 gái, 3 trai) ăn học, trưởng thành và sống hiếu thảo. Ông tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, sống hòa đồng, chân thành, được bà con nhân dân quý mến.

Bài và ảnh: LƯƠNG VIỆT THẮNG