Người đi dọc đất nước

Đến cổng làng Cấm, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, tôi không phải hỏi thăm nhiều mà chỉ cần nói tìm nhà ông Sáu “bưởi”, thế là người dân chỉ đến nơi, còn kèm theo lời khen: “Ông ấy làm ăn giỏi lắm, còn giúp cho nhiều người trong xã, trong huyện nữa”...

Ông Sáu “bưởi” sinh năm 1947 ở làng Cấm. Năm 1965, ông vào học Trường Sư phạm Hà Bắc. Tháng 7-1967, ông tốt nghiệp và được phân công về giảng dạy ở Trường cấp 2 xã Thắng Lợi (nay là Trường THCS xã Danh Thắng), huyện Hiệp Hòa. Chưa đứng trên bục giảng được bao lâu thì nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Vậy là tháng

2-1968, ông trong số 175 cán bộ, giáo viên, giáo sinh các nhà trường của tỉnh Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang) lên đường nhập ngũ, trong đội hình Đại đội Ngô Gia Tự 2. Sau đó, ông được biên chế vào Đại đội 8, Tiểu đoàn 702 (Sư đoàn 338, Quân khu Tả Ngạn). Sau 3 tháng huấn luyện, ngày 18-5-1968, cả Đại đội Ngô Gia Tự 2 được lệnh lên đường vào miền Nam chiến đấu. Từ đây đánh dấu bước chân của người lính trẻ Nguyễn Đức Sáu cùng đồng đội trải dài dọc theo đất nước.

Sau gần hai tháng hành quân ròng rã, vượt Trường Sơn, qua các trọng điểm đánh phá bởi bom đạn Mỹ trên địa bàn Quân khu 4, tháng 7-1968, ông cùng đơn vị vào đến mặt trận Quảng Trị. Đại đội của ông sau đó chia thành nhiều tổ bổ sung cho các đơn vị thuộc Trung đoàn 246 (Quân khu Việt Bắc) đang chiến đấu ở Đường 9-Khe Sanh. Nguyễn Đức Sáu được biên chế về trung đội vận tải của Trung đoàn. Vừa làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, tải thương, ông vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, đánh địch bảo vệ hàng hóa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ở chiến trường, điều kiện thiếu thốn, song chiến sĩ Nguyễn Đức Sáu thường đi thu hái rau rừng, chế biến để bộ đội cải thiện thêm. Tin đồn ông khéo tay, có tài nấu ăn nên Cục Hậu cần B5 (Mặt trận Bắc Quảng Trị) điều động ông từ Trung đoàn 246 về Đội chế biến phục vụ cán bộ cao cấp. Tháng 8-1969, phải chia tay đồng đội, những người đã lăn lộn chiến đấu, giành giật từng mỏm điểm cao dọc Đường 9-Khe Sanh, ông không khỏi bồi hồi. Song vì nhiệm vụ,  ông tuyệt đối chấp hành. Khi Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) thành lập, Nguyễn Đức Sáu được điều động về làm trợ lý Phòng Quân nhu, Cục Hậu cần Quân đoàn 2. Trên cương vị được giao, Nguyễn Đức Sáu đã làm tốt chức trách, nhiệm vụ tham mưu, truyền đạt mệnh lệnh và hướng dẫn công tác quân nhu cho cấp dưới.            

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Đức Sáu (bên phải) giới thiệu về cây bưởi giống. Ảnh: DƯƠNG HẢI 

Tháng 3-1975, ông đi theo đội hình làm công tác bảo đảm hậu cần của Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325), góp phần giúp Trung đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ cùng các đơn vị đánh thắng trận mở màn Buôn Ma Thuột, mở ra sự chuyển hóa chiến lược, giải phóng Tây Nguyên. Sau đó, ông lại được điều động về cơ quan Cục, tham gia bảo đảm quân nhu cho các đơn vị và theo đội hình Quân đoàn hành quân thần tốc, giải phóng các tỉnh duyên hải, tiến về giải phóng Sài Gòn vào trưa 30-4-1975.

Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Nguyễn Đức Sáu rời quân ngũ, trở lại ngành giáo dục. Ông làm cán bộ ở Phòng Giáo dục huyện Hiệp Hòa, sau đó làm giáo viên giảng dạy Trường cấp 2 (nay là Trường THCS) xã Thường Thắng; được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường cấp 2 Ngọc Sơn, rồi chuyển làm Phó hiệu trưởng Trường cấp 2 Đoan Bái (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Năm 1992, do sức khỏe giảm sút bởi vết thương trong chiến tranh, ông xin nghỉ dạy học, về làm kinh tế gia đình. 

Nhân rộng “cây xóa đói, giảm nghèo”

Về làng Cấm, đất vườn rộng, ông Sáu trăn trở suy nghĩ phải làm cách gì để thoát nghèo với đồng lương hưu ít ỏi. Quê vợ của ông là đất làng Diễn, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) có đặc sản bưởi ngon nổi tiếng. Ông xin phép bố vợ lấy giống bưởi Diễn về trồng thí điểm trên đất vườn nhà mình. Năm 1992, ông trồng thí điểm 30 cây bưởi Diễn và chịu khó chăm sóc. Đất không phụ công người, 5 năm sau, ông đã thu hoạch được hơn 3.000 quả, bán lại được giá. Có vốn, ông mở rộng cây trồng ra 3 sào đất đồi nhà mình. “Tôi phải tìm tòi, đọc sách kỹ thuật lai tạo giống, kỹ thuật chăm sóc và tìm hiểu thị trường. Tôi chăm bón cây bằng phân hữu cơ, không dùng hóa chất nên chất lượng quả bưởi của nhà tôi rất ngon. Ban đầu chỉ bán trong xã, huyện, sau nghe tiếng bưởi ngon, các khách hàng về đặt mua ngay tại vườn, rồi vận chuyển vào tiêu thụ ở thị trường phía Nam. Thấy tôi đưa giống bưởi Diễn về trồng hiệu quả, bà con trong làng đến học hỏi, tôi sẵn lòng hướng dẫn, giúp đỡ họ về giống, cách trồng và chăm sóc. Nhờ đó, nhiều gia đình kinh tế đã khá giả lên nhờ trồng bưởi”, ông Sáu cho biết.

Tiếng lành đồn xa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cử đoàn cán bộ về tổ chức kiểm nghiệm, xét nghiệm giống cây và chất lượng quả bưởi. Rồi Sở chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng Bắc Giang đến khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp, hỗ trợ kỹ thuật. “Trung tâm Giống cây trồng Bắc Giang hỗ trợ làm giống và đặt mua lại cây giống của tôi với giá 50.000 đồng/cây. Sau đó, Trung tâm cung cấp cây bưởi giống cho các hộ dân trong xã, trong huyện và ra một số huyện khác trong tỉnh. Cây bưởi giống của tôi từ đó được gọi là “cây xóa đói, giảm nghèo”, ông Sáu kể.

Như để chứng minh, ông Sáu dẫn tôi ra thăm vườn. Ông giới thiệu về cây bưởi đầu dòng và cây bưởi làm giống đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận cho ông từ năm 2008. Ông Sáu cho biết: “Để duy trì chất lượng cây giống, hằng năm, tôi phải đầu tư, rồi theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của giống. Sở và Trung tâm Giống cây trồng Bắc Giang yêu cầu tôi phải chụp ảnh, quay clip để họ theo dõi, kiểm nghiệm, đánh giá trước khi nhận bàn giao cây giống, phân phối cho các địa phương, đến với gia đình hưởng thụ”.

“Ngoài việc tạo giống và chăm sóc cây giống, ông còn làm thêm việc gì khác nữa không?”, tôi hỏi ông Sáu. Ông cười và bảo: “Tự thân vận động thôi. Bà vợ tôi từ hàng chục năm trước vào miền Nam hỗ trợ con trông cháu, một mình tôi ở nhà làm vườn. Tôi còn có ruộng. Mà tôi cũng là người có sáng kiến gieo mạ khay, trồng ngô trên đất vụ đông, bắt đất quay vòng, nên cũng có thu nhập thêm. Từ mấy năm nay, tôi còn đặt cơ sở nhựa làm khuôn để tạo hình cho quả bưởi với những hình dáng hồ lô, nén vàng, nén bạc... Những sản phẩm này được người tiêu dùng rất ưa chuộng, nhất là ở phía Nam”. Có nguồn thu từ làm kinh tế vườn, ông Sáu có điều kiện hỗ trợ con cái xây dựng cuộc sống và tham gia các hoạt động xã hội; giúp đỡ các hộ cựu chiến binh nghèo. Mới đây, các đồng đội cùng Đại đội Ngô Gia Tự 2 đến gặp mặt tại gia đình ông, ai cũng rất vui. Ông mời các đồng đội dự buổi liên hoan thân mật, ra về còn có bưởi làm quà...

Dường như hiểu tôi muốn hỏi thêm, ông Sáu nói trước: “Tôi là đảng viên, được kết nạp tại mặt trận Quảng Trị năm 1973, nên tự xác định phải không ngừng phấn đấu theo tinh thần của người chiến sĩ cách mạng. Đại đội Ngô Gia Tự 2 chúng tôi khi nhập ngũ có 175 người, khi đất nước thống nhất, quân số còn chưa đến một nửa. Hầu hết những người trở về đều bị thương tật hoặc nhiễm chất độc hóa học. Song chúng tôi rất tự hào có những năm tháng ở chiến trường chiến đấu, góp phần cho cuộc kháng chiến thắng lợi. Mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và nhà giáo, tôi luôn tự rèn luyện, cố gắng làm những việc có ích, giúp đỡ các đồng đội còn khó khăn, các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, đó là điều tôi thấy hạnh phúc nhất”.

Nghe ông Nguyễn Đức Sáu chia sẻ, tôi rưng rưng xúc động. Nhìn lên tường nhà ông có nhiều tấm giấy khen, bằng chứng nhận của các ngành, các cấp tỉnh Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa tặng thưởng cho ông.

DƯƠNG NAM HÒA