Khi chúng tôi đến Trung tâm tìm gặp Đại úy Phan Văn Khấn thì được biết, anh vừa trở về từ chuyến đi học tập và chuyển giao công nghệ kéo dài hơn một tháng tại thành phố công nghệ Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ. “Chuyến đi có được nhiều kết quả và trải nghiệm chứ?”-tôi hỏi Phan Văn Khấn. Chàng kỹ sư trẻ sinh năm 1992, quê ở Đô Lương, Nghệ An, bộc bạch: “Xác định rõ nhiệm vụ đi học để về có thể chế tạo sản phẩm nên anh em trong đoàn đều cố gắng học hỏi hết sức có thể. Nhưng phía bạn chỉ chuyển giao theo nội dung đã được lên kế hoạch sẵn chứ không hề để lộ thêm chút nào về công nghệ, kỹ thuật dù mình cố gắng tìm hiểu. Giáo viên chỉ cần đi lệch bài giảng chút thôi là có người nhắc nhở ngay rồi. Dẫu vậy, vừa học tập vừa xác định mình phải tự học, từng bước làm chủ trang thiết bị đã là tôn chỉ, mục đích mà các thế hệ đi trước ở Trung tâm truyền dạy cho chúng tôi”.

Bài học đầu tiên

Năm 2016, tốt nghiệp loại giỏi Học viện Kỹ thuật Quân sự, Phan Văn Khấn được điều về Trung tâm làm việc. Với niềm say mê và bản lĩnh của một học viên giỏi, cùng những giải thưởng nghiên cứu khoa học trong quá trình đào tạo, Khấn khá tự tin. Nhưng rồi, khi bắt tay vào làm việc, anh mới ngỡ ngàng bởi thực tế công việc đòi hỏi, yêu cầu cao hơn nhiều so với những gì mình đã được học. “Ban đầu, tôi làm việc ở Phòng Bảo đảm kỹ thuật chuyển mạch-Truyền số liệu (nay là Phòng Kỹ thuật chuyển mạch-Truyền số liệu). Tôi đã phải bắt đầu học từ phương pháp làm việc đến cách tiếp cận đối với mỗi nhiệm vụ được giao”-Phan Văn Khấn trải lòng.

Anh cho biết nhiệm vụ của mình khi ấy là trực tiếp tham gia bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống radio trunking và nghiên cứu, chế thử các cụm, khối module cho hệ thống chuyển mạch-truyền số liệu quân sự cũng như các nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, thời điểm đó, hệ thống radio trunking đã hoạt động lâu năm, nhiều thiết bị xuống cấp nên công tác bảo đảm gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, tài liệu chuyên sâu về thiết kế phần cứng, phần mềm của các trang bị trên hệ thống hầu như không có mà chủ yếu là tài liệu vận hành, khai thác, sử dụng và sửa chữa ở mức độ đơn giản, bởi đều là các trang bị nhập khẩu nước ngoài. Với nguồn vật tư khan hiếm, những hỏng hóc lớn thường phải gửi ra nước ngoài sửa chữa mất rất nhiều thời gian, thậm chí một số cụm, khối module không thể mua được do hãng đã ngừng sản xuất.

leftcenterrightdel

Đại úy Phan Văn Khấn tại Lễ Tuyên dương "Gương mặt trẻ tiêu biểu, Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2022". 

Trước thực tế ấy, Đảng ủy, Ban giám đốc Trung tâm cũng như chỉ huy Phòng có chủ trương phải chủ động nghiên cứu, chế thử các cụm, khối module thay thế để tránh phụ thuộc vào thiết bị của các hãng nước ngoài. Khấn và đồng đội đã phải tự mày mò, vận dụng kinh nghiệm, kiến thức, nghiên cứu các thiết bị để sửa chữa thay thế. Với riêng Phan Văn Khấn, được giao nhiệm vụ tham gia thiết kế khối làm mát của trạm gốc BS-400 Plus là một thử thách không hề dễ dàng.

Trước vô vàn khó khăn, chưa biết bắt đầu từ đâu thì anh Đinh Bá Bình, Trưởng ban Kỹ thuật chuyển mạch gọi Khấn lên trao đổi. Anh nói, với người kỹ sư trẻ, khi nhận nhiệm vụ, không phải cứ hăm hở áp dụng kiến thức và kinh nghiệm để xử lý vấn đề mà phải trả lời được những câu hỏi: Làm cho ai, cơ quan, tổ chức nào? Làm để làm gì, rồi mới tính đến làm như thế nào? “Đó là bài học mang tính định hướng đầu tiên trên con đường nghiên cứu mà tôi không bao giờ quên cũng như đã áp dụng vào nhiều công trình nghiên cứu thành công sau này”-Phan Văn Khấn cho biết.

Không ngừng đam mê, nỗ lực sáng tạo

Kể từ công trình đầu tiên cho đến nay, với cương vị là nghiên cứu viên Phòng Nghiên cứu Công nghệ viễn thông, Phan Văn Khấn đã trực tiếp chủ trì và tham gia nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, chế thử, thực hiện tốt chức năng tham mưu về khoa học-công nghệ, phát triển mạng lưới và ứng dụng trang bị sau nghiên cứu, chế thử vào hệ thống TTLL quân sự. Lăn lộn với các đề tài nghiên cứu, anh nhiều lần thức thâu đêm bên các linh kiện, bảng mạch. Anh bảo mình may mắn khi có hậu phương vững chắc vừa là đồng đội, đồng nghiệp và có thể hiểu công việc của mình. Vợ anh, Đại úy Đỗ Thanh Huyền, hiện công tác ở Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 205, Binh chủng TTLL, cũng là cô bạn học cùng lớp với anh ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, từng chung tay cùng anh trong những lần tham gia nghiên cứu khoa học và giờ đây lại là chỗ dựa để anh hết mình với những đam mê.

Rồi anh say mê kể về hàng loạt đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ chế thử, sản xuất mà anh và đồng đội trực tiếp đảm nhận trong những năm qua, như: Tham gia nghiên cứu, thiết kế, chế thử thiết bị truyền dẫn quang 2.5G TQ-1825 và hệ điều hành EMS cho thiết bị; chủ trì nghiên cứu, thiết kế, chế thử bảng mạch ATA 24 cổng dùng cho các thiết bị truy nhập đa dịch vụ; cải tiến, nâng cấp phần cứng, phần mềm và hệ điều hành quản lý cho các dòng thiết bị router tích hợp đa dịch vụ (ISR)... Nhiều sản phẩm từ những công trình này đã được đưa vào thử nghiệm trên hệ thống TTLL quân sự, hoàn thiện thiết kế dấu “A” và chuẩn bị cho sản xuất loạt “0”.

Trong các nhiệm vụ nghiên cứu, chế thử, có thể kể đến đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị đa truy nhập cấp chiến thuật HTC-ISR2017” của anh và đồng đội. Phan Văn Khấn cho biết, quá trình thực hiện đề tài, anh và đồng đội đã trải qua rất nhiều khó khăn do phần cứng và phần mềm của thiết bị cần nhiều kỹ thuật xử lý phức tạp. Phần cứng có nhiều giao diện tốc độ rất cao như: PCIe, GE, DDRAM3... đòi hỏi kỹ thuật thiết kế tiên tiến, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, có rất nhiều gói phần mềm cần thực hiện với số lượng lên đến hàng nghìn câu lệnh cùng thuật toán khó, nhiều tình huống đặt ra yêu cầu tối ưu rất lớn. Quá trình nghiên cứu lại đòi hỏi phải đào sâu, tìm hiểu rất nhiều tài liệu tiếng nước ngoài. Không ít lần anh tưởng như công việc quá sức mình. Nhưng trước sự tin tưởng và quan tâm của chỉ huy, anh và đồng đội không cho phép mình dừng lại.

leftcenterrightdel
Đại úy Phan Văn Khấn hướng dẫn đoàn viên, thanh niên ở đơn vị tham gia cuộc thi trực tuyến do cấp trên tổ chức. 

Và kết quả đến thật ngọt ngào với nhóm nghiên cứu của anh. Công trình đã đoạt giải Nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 20, được trao Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc năm 2020. Đến nay, công trình đã được cấp phép sản xuất loạt “0”, hoàn thiện thiết kế tài liệu dấu “B” và sản xuất xí nghiệp để cấp cho các đơn vị. Thiết bị mang đến hiệu quả rất lớn trong công tác bảo đảm TTLL, bởi chỉ cần một thiết bị duy nhất có thể cung cấp đồng thời nhiều dịch vụ cho một đơn vị cấp chiến thuật, giảm sự lệ thuộc vào nước ngoài. Giờ đây, sản phẩm của công trình đã được áp dụng trên mạng lưới TTLL quân sự. Hơn 50 bộ thiết bị được sản xuất và triển khai lắp đặt góp phần bảo đảm TTLL tại nhiều đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là tại các đơn vị vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương Tổ quốc. Tới đây, khi được sản xuất với số lượng lớn, thiết bị có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ đồng.

Những nỗ lực của Đại úy Phan Văn Khấn đã được ghi nhận khi anh vinh dự được Bộ Quốc phòng tuyên dương là một trong những Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2022 và đón nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2023. Trước khi chia tay chúng tôi, Phan Văn Khấn cho biết về công việc sắp tới của anh và đồng đội. Anh được lãnh đạo Trung tâm giao phụ trách một trong hai nhóm nghiên cứu chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phát triển các ứng dụng lập trình nhúng-điều khiển và chức năng tham mưu, tư vấn, xây dựng tiềm lực khoa học-công nghệ trong lĩnh vực đảm nhiệm. Anh sẽ chủ trì 1 sản phẩm, tham gia hoàn thiện công nghệ, chế thử, sản xuất 7 sản phẩm mục tiêu của dự án đầu tư làm chủ công nghệ sửa chữa, sản xuất thiết bị TTLL không dây và truyền dẫn nền tảng IP, băng rộng-một nhiệm vụ rất quan trọng của Binh chủng TTLL và Bộ Quốc phòng trong giai đoạn 2021-2025...

PHẠM THU THỦY