Kể về chiến công đó không thể không nhắc đến Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp, quê ở xã Phương Độ (nay là xã Sen Phương), huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Tháng 3-1967, Đàm Vũ Hiệp lên đường nhập ngũ và sau đó được biên chế vào Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Cuối năm 1967, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 làm lễ xuất quân vào Mặt trận Đường 9 chiến đấu. Sau một thời gian ngắn, với thành tích xuất sắc, Trung đội trưởng Đàm Vũ Hiệp đã được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Đồng thời, anh được trên đề bạt quân hàm chuẩn úy.
Tháng 2-1971, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64 của Đàm Vũ Hiệp tham gia chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào. Đại đội 6 do anh làm đại đội trưởng đảm nhiệm đánh vây lấn và xây dựng trận địa lấn dũi vào căn cứ 31, sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3 ngụy. Ngày 25-2, Đại đội 6 đã cùng các đại đội bạn san bằng căn cứ 31, bắt sống Đại tá, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 Nguyễn Văn Thọ. Kết thúc Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Đại đội trưởng Đàm Vũ Hiệp được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp sư đoàn, được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba. Anh được đi dự hội nghị tổng kết báo cáo thành tích toàn mặt trận và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đầu tháng 12-1971, Đàm Vũ Hiệp cùng đơn vị hành quân vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu. Tuy tuổi đời còn rất trẻ (22 năm 6 tháng) nhưng anh đã mang cấp hàm thượng úy, chức vụ tiểu đoàn trưởng, dày dạn trận mạc và nhiều chiến công.
Tháng 4-1972, Mặt trận Tây Nguyên và Sư đoàn 320 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 64 tiến công tiêu diệt cao điểm 1015. Đây là vị trí tiếp giáp giữa huyện Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum. Cao điểm có vị trí chiến lược với tầm quan sát rộng, được Mỹ xây dựng thành cứ điểm quân sự quan trọng để kiểm soát cả một vùng rộng lớn ngã ba Đông Dương. Năm 1972, cao điểm 1015 là nơi đóng quân của Tiểu đoàn dù 11 ngụy.
7 giờ ngày 11-4-1972, Trung đoàn 64 do Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến chỉ huy phát lệnh cho các tiểu đoàn hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đàm Vũ Hiệp và Tiểu đoàn 8 đã nhiều lần hành quân tiếp cận trên nhiều chiến trường khác nhau, nhưng chưa bao giờ anh thấy vất vả và ác liệt như ở trận này. Đường đi toàn dốc cao, vực thẳm. Chưa đọ súng với quân thù mà đã liên tục đối mặt với đạn bom; chỉ tính từ 18 giờ đến 24 giờ ngày 11-4, Tiểu đoàn 8 và Trung đoàn 64 đã bị 8 trận bom B-52 cắt qua đội hình. Cứ mỗi lần bị bom pháo địch đánh phá như vậy, Đàm Vũ Hiệp lại lao đi kiểm tra, lúc thì ở Đại đội 7 đi đầu, lúc thì về Đại đội 5 khóa đuôi. Bộ đội Tiểu đoàn 8 luôn thấy bóng dáng người tiểu đoàn trưởng lên xuống như con thoi để chỉ huy và động viên các đại đội kịp thời xốc lại đội hình tiến lên phía trước.
5 giờ 30 phút ngày 12-4-1972, sau khi kiểm tra các mũi, hướng đã chiếm lĩnh vị trí chiến đấu theo quy định, Bộ tư lệnh chiến dịch và Bộ tư lệnh Sư đoàn 320 ra lệnh cho Trung đoàn 64 nổ súng vây ép địch, quán triệt tư tưởng chỉ đạo tác chiến: “Vây chặt, tiến công liên tục, đột phá có trọng điểm kết hợp với thọc sâu chia cắt”. Sau 30 phút pháo bắn vào các mục tiêu trong căn cứ vừa chuyển làn, Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp lập tức cho Đại đội 7 và Đại đội 6 áp sát căn cứ địch, đồng loạt nổ bộc phá phá rào mở cửa. Thấy tình thế bị uy hiếp bất ngờ rất nguy kịch, chỉ huy Tiểu đoàn 11 của địch vừa gọi phi pháo từ Pleiku, từ Đăk Tô-Tân Cảnh bắn phá vào đội hình quân ta, vừa cho các đại đội của chúng chốt giữ các mỏm đồi M12, M13 xông ra đánh chặn.
Trận đánh trên hướng Tiểu đoàn 8 càng về trưa càng diễn ra quyết liệt, nhưng với sự chỉ huy quyết đoán, xông xáo, bất chấp hiểm nguy của Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp, Đại đội 6 rồi Đại đội 7 lần lượt đẩy lùi quân địch đang tràn ra phản kích, đánh chiếm các công sự tiền tiêu, rồi phát triển sang trận địa pháo nằm giữa mỏm 52 và mỏm 53. Tuy nhiên, khi tiến sát vào mục tiêu M11-sở chỉ huy của địch thì các mũi đi đầu của Đại đội 7 bị địch đánh chặn lại. Chúng ở địa thế cao, có thể quan sát và khống chế hành động của bộ đội ta. Trước tình thế bất lợi đó, Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp rời hầm chỉ huy, cơ động lên sát đội hình Đại đội 7, chỉ thị cho cán bộ, chiến sĩ lợi dụng địa hình, địa vật đào khoét hầm hố, bám trụ quyết đánh địch.
Đến 14 giờ, địch tiếp tục cho nhiều tốp máy bay lên đánh phá rất ác liệt vào đội hình Tiểu đoàn 8. Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp điện cho tiểu đoàn phó đi cùng Đại đội 7, động viên bộ đội bí mật ẩn mình chờ địch đến thật gần mới nổ súng, đã nổ súng là phải diệt được địch. Trong khi các mũi chủ công của tiểu đoàn khắc phục mọi khó khăn ác liệt để tiếp tục đột phá vào mục tiêu M11 thì hầm chỉ huy Tiểu đoàn 8 trúng bom địch, Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp và Chính trị viên Tiểu đoàn anh dũng hy sinh. Nhận được tin đau đớn này, Ban chỉ huy Trung đoàn 64 giao cho Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Phạm Như Thoán chỉ huy Tiểu đoàn 8 tiếp tục chiến đấu. Với sự quyết liệt tạo thế trên một hướng quan trọng của trận vây lấn tiến công, Tiểu đoàn 8 đã cùng các tiểu đoàn trong Trung đoàn 64 đánh chiếm được sở chỉ huy địch ở M11, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn dù 11 ngụy, trong đó có tên Trung tá, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Bảo, ngày 15-4-1972.
Với Trung đoàn 64 nói chung và Tiểu đoàn 8 nói riêng, nhắc đến trận đánh nổi tiếng trên cao điểm 1015 là nhắc đến Đàm Vũ Hiệp. Hình ảnh người chỉ huy bình tĩnh, gan dạ, không nao núng trong bất kỳ tình huống phức tạp nào là biểu tượng của chiến thắng 1015. Đó là khí phách đạp lên đạn bom tiến công liên tục, đột phá mãnh liệt trong đánh công kiên trận địa liên hoàn. 5 năm quân ngũ, Đàm Vũ Hiệp đã có 4 năm 8 tháng tuổi Đảng. Trưởng thành từ chiến sĩ, qua các cấp chỉ huy từ tiểu đội đến tiểu đoàn, chiến đấu ngót trăm trận đánh lớn nhỏ, trận nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên và đồng đội tin tưởng.
Ngày nay, trên cao điểm 1015 uy linh có một nhà bia di tích lịch sử do những cựu chiến binh Sư đoàn 320 xây dựng. Nơi đây đã được Nhà nước bổ sung vào cụm Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh. Kể từ khi khánh thành ngày 12-5-2018 đến nay, mỗi năm có hàng nghìn người, trong đó có nhiều cựu chiến binh Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 đến đây thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh trong trận đánh năm xưa. Ở đó có hình bóng Đàm Vũ Hiệp, người tiểu đoàn trưởng quây quần bên những đồng đội của mình. Thật thiêng liêng, trang trọng!
NGUYỄN TRỌNG LUÂN