Một trong số đó là chương trình phát thanh nội bộ vào lúc 16 giờ 30 phút. Lực lượng chủ công của tổ phát thanh gồm: Thượng úy QNCN Trần Huyền Anh (phóng viên Báo Quân đội nhân dân), Thượng tá Phạm Quang Tiến (phóng viên Báo Hải quân Việt Nam), Thượng tá Vũ Quý Ninh (Phó trưởng phòng Tuyên huấn, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội-Tổ trưởng) và Thiếu tá Đỗ Thị Mai Hoa (nay là Trung tá), Trợ lý Phòng Chính trị, Học viện Quân y... Họ là những biên tập viên kiêm phát thanh viên dẫn chương trình trực tiếp ngay trên cabin chỉ huy tàu KN-290. Anh chị em văn nghệ sĩ đứng xung quanh chiếc máy điện thoại sẵn sàng nhập cuộc và vỗ tay cổ vũ. Hàng trăm thính giả ở các khoang tàu, buồng máy, nhà bếp, y tế... luôn mong mỏi chờ đợi để được nghe bản tin nội bộ.

Nhận mệnh lệnh làm chủ công cho cuộc vận động sáng tác thơ văn trên hành trình chuyến đi, ngay buổi phát thanh đầu tiên, tôi đã hoàn thiện xong tác phẩm mở màn “Đêm Trường Sa nhớ Bác”. Viết về biển, đảo, về Bác Hồ là hết sức thiêng liêng. Trên boong tàu, giữa ngọn sóng lênh đênh khi đêm xuống mịt mùng, những vần thơ cứ nối nhau xuất hiện: Tổ quốc rộng dài muôn ngàn dặm biển/ Dòng máu Lạc Hồng thắm thiết Trường Sa/ Những Nam Yết-Sinh Tồn-Đá Tây-Song Tử.../ Hạt gạo đồng làng ôm ấp khúc dân ca/ Đêm Trường Sa chúng con nhớ Bác/ Tổ quốc nơi đầu sóng nghìn trùng/ Mà vững chãi hơn tường đồng, vách sắt/ Như trái tim Người thăm thẳm, mênh mông... Bài thơ được mọi người mời đọc trên sóng phát thanh tàu KN-290 buổi chiều, đến buổi tối ăn cơm đã thúc giục nhiều anh em tới chúc mừng nhà thơ như một nguồn động viên lớn để tôi “xung trận”.

leftcenterrightdel

Cán bộ, phóng viên trên tàu KN-290 trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: PHƯƠNG DUNG 

Xúc động nhất là khi lên đảo Song Tử Tây. Khi thấy các chiến sĩ, tôi liền đến hỏi chuyện. Thật quá đỗi bất ngờ khi tôi hỏi 8 chiến sĩ đều mỗi người một quê khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam. Những vần thơ ùa đến bên tôi như nắng biển, từ tên đất, tên người. Tôi hoàn thiện bài thơ rất nhanh và được đọc trước rất đông cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây. Đã có những tấm hình ghi được giọt nước mắt người lính trẻ khi nghe tên mình trong lời thơ bốn bề biển hát. Đó là những giây phút rất xúc động không chỉ của riêng tôi.

Những cảm xúc ấy khi lên tàu đã ùa vào chương trình phát thanh nội bộ đủ các cung bậc ngân rung sắc biển, sắc trời Tổ quốc. Tôi như hòa mình cùng với các em đọc từng câu, sửa từng chữ, thêm ý này, đảo đoạn văn kia để chương trình bám sát lịch trình đoàn công tác, thể hiện đầy đủ nhất, trọn vẹn mà không rườm rà đặc tính của các đảo nổi, đảo chìm; từ lịch sử hình thành tới thổ nhưỡng, khí hậu và con người trên đảo. Nhìn các bạn phóng viên luyện giọng, nhả chữ, khớp nối chương trình... tôi bỗng như trở về thuở hai mươi năm về trước đi khắp biên giới, hải đảo làm truyền hình, phát thanh, phim ảnh, báo chí không biết mệt. Tuổi năm mươi bỗng tìm thấy lại mình ngày cầm bút, cầm máy đầu tiên...

Tâm sự với các bạn nhóm phát thanh trên tàu KN-290, càng hiểu hơn và yêu hơn nghề văn bút, báo chí. Phóng viên Quang Tiến, thường trú Báo Hải quân ở phía Nam là một tay cự phách về quay phim, chụp ảnh. Những tấm ảnh thể hiện tâm tính và trình độ của người cầm máy. Những hình ảnh của phóng viên Quang Tiến chụp được luôn rạng rỡ, đầy đặn con người và chiến sĩ Trường Sa. Tư duy báo chí nhạy bén và cách sắp đặt kết nối chương trình mềm mại đã góp phần cùng các bạn để những buổi phát sóng trên tàu KN-290 luôn mới mẻ, lắng sâu...

Một chương trình phát thanh “lâm thời” mà quá đỗi thân thương. Một chương trình chỉ có vào những buổi chiều trên chuyến tàu KN-290 đã là niềm mong đợi, bình luận, thi đua của anh chị em đoàn công tác. Đã có những hân hoan “thơ tớ chiều nay được lên sóng phát thanh trên tàu đấy”; “giọng đọc Quang Tiến-Mai Hoa truyền cảm quá”; “sao hôm nay không thấy sóng phát thanh, đã muộn mấy phút rồi?”... Đây chính là những lời khen tặng ý nghĩa trong suốt hành trình đến 11 điểm đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn DK1 của đoàn công tác.

Tổ phát thanh trên tàu KN-290 thực sự là một “đặc sản” của chuyến đi. Trở lại đất liền, ai nấy đều quá đỗi bâng khuâng. Và trong vô vàn tình cảm vấn vương với người chiến sĩ đảo nổi, đảo chìm, đã có những tình cảm thắm thiết, kết đoàn từ những chương trình phát thanh trên tàu KN-290.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI