Cuối năm 1968, tôi được điều về Cục Tham mưu vận chuyển (từ năm 1969 là Cục Vận chuyển), Bộ tư lệnh 559. Là cán bộ trẻ, chưa qua cương vị chỉ huy nên ban đầu tôi còn bỡ ngỡ. Công việc đầu tiên của tôi là cùng anh Phạm Ngọc Trân thống kê tổng hợp, hằng ngày lên phòng đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ tư lệnh 559 bổ sung kết quả vận chuyển trên tấm bảng bằng mica khổ rộng. Trong một buổi làm việc với Cục Vận chuyển, tôi nhớ Tư lệnh nói đại ý: Cục Vận chuyển ngoài chỉ huy điều độ hằng ngày, nhiệm vụ quan trọng là xây dựng các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn và đề xuất chủ trương cho Bộ tư lệnh, vì thế mới gọi là Cục Vận chuyển. Lực lượng bảo đảm từ công binh, pháo binh, phòng không, tác chiến... đều quan trọng, song phải lấy kết quả vận chuyển làm thước đo thành tích của mình.

Tư tưởng đó được thể hiện rõ trong công tác của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên mà tôi nhận thức được.

Theo yêu cầu, nhiệm vụ mà cơ quan Bộ tư lệnh 559 luôn phải di chuyển. Đến đâu tôi cũng thấy công tác xây dựng được tiến hành trước và luôn là công trình vừa bảo đảm tính thẩm mỹ vừa có chất lượng cao. Khi thì xây dựng trong lòng núi, khi thì lộ thiên, song công trình hội trường lớn và nhà giao ban tại sở chỉ huy bao giờ cũng được ưu tiên và làm rất khang trang.

leftcenterrightdel

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm, động viên chiến sĩ lái xe trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh tư liệu

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nổi tiếng về tác phong làm việc nghiêm túc và năng động, sáng tạo trong công việc. Tôi thấy ở lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn sâu đậm. Số máy điện thoại 601 của ông cũng trở nên nổi tiếng, cả đoàn bộ không ai là không biết. Ông không chỉ nắm tình hình qua đội ngũ cán bộ cấp cục mà còn nắm qua các trợ lý trực ban. Nhiều đêm trực, khi người trực tổng đài nhắc: “Trả lời máy 601” là chúng tôi hầu như không ngủ để báo cáo những nội dung theo yêu cầu của Tư lệnh. Nhân những buổi làm việc như thế, chúng tôi tranh thủ xin ý kiến Tư lệnh và viết thành điện ký tên ông. Cũng có những lần ông trực tiếp đưa cho chúng tôi bức điện do ông soạn thảo, chữ to, viết tháu nhưng dễ đọc...

Tôi nhớ khi địch dùng máy bay AC-130 bắn pháo 30mm dọc tuyến đường suốt đêm, tình hình vận chuyển bế tắc, Tư lệnh lập tức giao nhiệm vụ cho các nhóm xung kích thực hiện xe chạy ban ngày trên một số cung đường cụ thể. Nhờ những thành tích tăng cung vượt chuyến này mà rất nhiều anh hùng xuất hiện như: Cao Duy Thuần, Hà Văn Tơ, Kim Ngọc Quản và Phan Văn Quý... Sau khi có kết quả tốt, ông giao nhiệm vụ cho lực lượng công binh nghiên cứu, tận dụng các suối cạn mở hẳn tuyến đường K (kín) hàng trăm ki-lô-mét. Vận chuyển trên đường kín ban ngày đạt được kết quả cao trong một thời gian dài. Khi địch dùng tia hồng ngoại phát hiện xe, ông cho đốt lửa cả tuyến đường hoặc tranh thủ mùa trăng để mở chiến dịch vận chuyển.

Rất may mắn cho tôi là được dự các buổi điều hành trong giao ban tại sở chỉ huy mà Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chủ trì. Trong giao ban, thủ trưởng các cục và đơn vị báo cáo tình hình. Cục Vận chuyển thường báo cáo cuối cùng. Mỗi khi kết quả vận chuyển của các ngành tốt, khối lượng hàng đến đích nhiều, người và xe thiệt hại ít... Tư lệnh rất vui, giọng ông sang sảng, làm cho không khí buổi giao ban sôi động. Những lúc như thế, Cục Chính trị thường đề xuất hoặc công bố bổ nhiệm cán bộ, khen thưởng cá nhân và đơn vị đạt thành tích xuất sắc. Trái lại, những hôm bị địch ngăn chặn quyết liệt, hàng hóa và người tổn thất, Tư lệnh không ngồi, ông đi lại, bụi cuốn dưới chân làm cho không khí buổi giao ban lắng xuống, một loạt câu hỏi của Tư lệnh đặt ra, nhiều câu thật không dễ trả lời...

Năm 2004, tôi gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tại đám tang của nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn Lê Xy. Thấy ông, tôi ra chào. Ông hỏi: “Anh em đến đủ chứ?”. Tôi vội trả lời: “Dạ, đủ!”. Lúc đó, ông đã ngoài 80 tuổi, dáng người cao lớn, bước đi vẫn nhanh nhẹn. Vậy mà nay đã tưởng niệm 5 năm ngày ông đi xa!

NGUYỄN VĂN MÂY