Tháng 12-2017, khi đến công tác tại Trại tạm giam T771 (Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng), Đại tá Lưu Văn Dụng trên cương vị Giám thị trại đưa tôi đi tham quan một vòng đơn vị. Ấn tượng với tôi không phải là đến một trại giam giữ phạm nhân và tạm giam các can phạm phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét hỏi mà đến với một “khu nghỉ dưỡng” có khuôn viên vườn hoa cây cảnh phong phú, hồ ao phối cảnh ruộng đồng “sơn thủy hữu tình” và vườn rau, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm được bố trí khoa học, liên hoàn. Câu chuyện biến một vùng đất hoang vu, cỏ lau, cỏ tranh rậm rạp thành khu tăng gia sản xuất, doanh trại đẹp như công viên ở Trại tạm giam T771 là rất dài, nhưng thú vị là mô hình “hoa sau song sắt” mà Giám thị Lưu Văn Dụng xây dựng nên đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân ở các trại giam, tạm giam của Quân đội.

- Các phạm nhân như những viên sỏi trắng trang trí cho bồn hoa này - Đại tá Lưu Văn Dụng giới thiệu về một chậu cây thế trước cửa nhà chỉ huy trại. Ban đầu, những viên sỏi nằm vùi sâu dưới lớp bùn đáy ao, lấm láp. Rồi chúng được lựa chọn, thau rửa lớp đất bùn, sáng trong để làm đẹp bồn hoa. Các phạm nhân cũng vậy, họ là những người lầm lỗi, phạm tội, khi vào trại cần được những tấm lòng bao dung giáo dục, sẻ chia, để họ nhận ra lỗi lầm, từ đó lao động, cải tạo tốt để sớm được khoan hồng, giảm án, tha tù trở về hòa nhập với cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội...

Với suy nghĩ ấy, trong suốt quá trình làm cán bộ điều tra, quản giáo và giám thị, Đại tá Lưu Văn Dụng luôn rèn luyện, mài giũa và nêu gương sáng trong lối sống cần kiệm, giản dị; tận tụy với công việc chuyên môn và luôn coi phạm nhân là con người, đối xử nhân văn với niềm tin họ sẽ “cải tà quy chính”. Nhiều phạm nhân khi mãn hạn tù trở về địa phương, về với gia đình, nỗ lực, tu chí làm ăn, là công dân tốt. Họ dành thời gian cùng gia đình đến thăm anh, như là sự tri ân người đã có công giúp họ sửa chữa, vượt qua lỗi lầm trở thành người có ích.

- Nghề quản giáo, giám thị trại giam đến với tôi rất tình cờ, như là duyên phận - Đại tá Lưu Văn Dụng cho biết. Tôi sinh năm 1963, ở xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 4-1981. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, tôi được biên chế về Đại đội 18, Tiểu đoàn 64 trực thuộc Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Phấn đấu tốt, tôi được cử đi đào tạo sĩ quan tại Trường Quân chính (nay là Trường Quân sự) Quân đoàn 3, được kết nạp Đảng khi là học viên. Năm 1984, tốt nghiệp ra trường về công tác tại Sư đoàn 320. Ít lâu sau, tôi trong đội hình của Sư đoàn cùng Quân đoàn 3 hành quân trở lại Tây Nguyên làm nhiệm vụ. Tôi tiếp tục được cử đi đào tạo và trở thành giáo viên của Trường Quân chính Quân đoàn 3. Năm 1990, tôi được điều động về công tác tại Phòng Điều tra hình sự Quân đoàn 3. Khi ấy, tôi rất ngỡ ngàng vì chưa được đào tạo chuyên ngành pháp luật, lại là sĩ quan trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm công tác. Hơn 3 năm nỗ lực làm nhiệm vụ, năm 1994, tôi được cử đi học Lớp bồi dưỡng điều tra xét hỏi do Bộ Quốc phòng tổ chức tại Đoàn 871. Sau 10 tháng học tập, tôi được điều động trở lại công tác và được bổ nhiệm Giám thị Trại tạm giam Quân đoàn 3”, Đại tá Lưu Văn Dụng tâm sự.

Chủ trì Trại tạm giam Quân đoàn 3 trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, doanh trại sơ sài, đồi hoang, đất trọc, nhất là thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Sau gần 10 năm làm Giám thị (từ năm 1995 đến 2004), anh cùng tập thể trại đào ao trữ nước, tổ chức trồng cây, tăng gia sản xuất, xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp, trở thành điển hình của Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” của Quân đoàn 3...

leftcenterrightdel
Đại tá Lưu Văn Dụng. 

“Tiếng lành đồn xa”, năm 2006, Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cử đoàn công tác vào kiểm tra nghiệp vụ ngành của Quân đoàn 3 và tham quan Trại tạm giam Quân đoàn 3. Đi dưới tán cây xanh mát và ao hồ điều hòa, đoàn công tác “thực mục sở thị” những đổi thay của trại. Trung tá Lưu Văn Dụng, Giám thị trại báo cáo kết quả, kinh nghiệm quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân, trong đó nêu lên hiệu quả mô hình lao động tăng gia sản xuất. Đoàn công tác trở về báo cáo với lãnh đạo, chỉ huy Cục. Năm 2007, Trung tá Lưu Văn Dụng có quyết định của Bộ Quốc phòng điều chuyển về Cục Điều tra hình sự và bổ nhiệm Phó giám thị Trại tạm giam T771.

- Đang ở nơi quen thuộc, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, nay về Trại tạm giam T771 cỏ lau, cỏ tranh mọc lút đầu, đồi đất hoang vu hơn cả ở Tây Nguyên nên ban đầu tôi cũng thấy ngao ngán - Đại tá Lưu Văn Dụng nhớ lại. Tôi dần làm quen với nơi công tác mới, đề nghị đồng chí Giám thị và cùng với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cán bộ, chiến sĩ cải tạo môi trường, tăng gia sản xuất. Những kinh nghiệm, cách làm của tôi tại đơn vị cơ sở áp dụng ở Trại tạm giam T771 cần phải cải tiến, đổi mới cho phù hợp hơn, song trên hết là có sự bàn bạc, thống nhất trong Ban chỉ huy. Năm 2009, tôi được bổ nhiệm Giám thị Trại tạm giam T771. Từ đây, tôi quyết tâm thực hiện cho bằng được những dự định và mục tiêu xây dựng đơn vị xanh, sạch, đẹp, doanh trại khang trang, có môi trường văn hóa trong lành...

Từ nghị quyết lãnh đạo của Chi bộ (nay là Đảng ủy) Trại tạm giam T771 đến triển khai các giải pháp tổ chức thực hiện là quá trình mà Giám thị Lưu Văn Dụng trăn trở. Sau khi đề nghị với trên và được thủ trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chấp thuận, anh huy động cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và khai thác sức lao động của phạm nhân tiến hành đào bóc lớp cỏ tranh, lau lách, có nơi phải đào sâu tới 80cm đất sỏi, rồi vận chuyển đất màu về san lấp, tạo mặt bằng khu tăng gia sản xuất trồng rau, hoa màu; đào đất, đắp đập giữ nước, cạp ao, cải tạo 23 ao hồ chứa nước và nuôi thả cá. Tận dụng những ao hồ có mặt nước cao hơn mặt ruộng, anh cho làm hệ thống dẫn nước, chiều dài tới 4.000m để dẫn nước tới các thửa ruộng, tưới tiêu cho khu tăng gia sản xuất.

Đồng thời, anh tổ chức đơn vị tự sản xuất chậu hoa, đắp tiểu cảnh, xây dựng khuôn viên vườn hoa, cây cảnh, tạo nên cảnh quan đơn vị xanh, sạch, đẹp. Sau gần hai năm (2009-2010), môi trường đơn vị thay đổi rõ rệt; đời sống cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cải thiện; bữa ăn của phạm nhân cũng được bổ sung tốt hơn. Những năm sau, trại tự túc được 100% lương thực, thực phẩm. Trại còn trích một phần giá trị thu được và lợi nhuận từ tăng gia sản xuất để hỗ trợ các hoạt động văn hóa, thể thao; đền ơn đáp nghĩa và tham gia các hoạt động với địa phương nơi đóng quân. Trại được Đảng ủy, thủ trưởng Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng chọn làm đơn vị xây dựng điểm thực hiện Phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; “Xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”...

Hơn 10 năm (2009-2020) ở cương vị chủ trì, Giám thị Lưu Văn Dụng cùng cấp ủy, tập thể Ban chỉ huy xây dựng Trại tạm giam T771 trở thành điểm sáng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó liên tục 3 năm (2011-2013) và 2 năm (2016-2017) đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” cùng hàng chục bằng khen, giấy khen của Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao; Công an thành phố Hà Nội...

leftcenterrightdel
 Đại tá Lưu Văn Dụng kiểm tra vườn hoa cây cảnh (tháng 12-2017)

Khi đời sống được cải thiện, cán bộ, nhân viên quản giáo và chiến sĩ yên tâm công tác, nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ. Phạm nhân qua giáo dục, lao động cải tạo thấy được thành quả của mình đóng góp, được lãnh đạo, chỉ huy trại ghi nhận trong xem xét, đánh giá sự tiến bộ, đề nghị khoan hồng, giảm thời gian án phạt nên tích cực hơn. Ở nhiều buồng giam của phạm nhân nữ còn cắm những bông hoa tươi khiến tâm hồn của họ thêm phong phú, yêu cuộc sống, tạo động lực phấn đấu cải tạo tốt để sớm ra tù, tái hòa nhập cộng đồng...

Với tinh thần trách nhiệm và thành tích trong xây dựng đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, Đại tá Lưu Văn Dụng hơn 20 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng 9 Bằng khen, cùng nhiều phần thưởng của các cấp bộ, ngành, cơ quan chức năng. Năm 2021, Đại tá Lưu Văn Dụng nghỉ hưu. Từ đó đến nay, anh tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức đoàn thể; luôn chấp hành tốt nghị quyết của chi bộ, quy định của địa phương nơi cư trú: Phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Bài và ảnh: XUÂN GIANG