“Cháu ơi, chiếc xe máy điện 3 bánh mới tinh vừa được người ta đưa đến tận nhà chú. Từ giờ, chú có phương tiện để chủ động đi lại thăm bà con, làng xóm rồi!”-từ đầu bên kia điện thoại, tiếng cười vui xen lẫn niềm xúc động khó kìm nén của CCB Trần Văn Mùi khiến tôi cũng vui lây. Vậy là lời hứa và nghĩa cử cao đẹp mà đồng đội dành tặng người thương binh nặng này đã trở thành hiện thực.

Câu chuyện bắt đầu từ một tình huống bất ngờ tại cuộc gặp mặt truyền thống của Tiểu đoàn Vận tải 25 diễn ra ngày 17-12-2023. Tôi là đại biểu được mời dự sự kiện ý nghĩa với sự tham gia của hơn 100 CCB đang sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ngồi bên cạnh tôi, CCB Hoàng Văn Ngoại, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, Tiểu đoàn Vận tải 25, hiện đang sinh sống tại xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên (Lào Cai), cho biết: “Từ ngày tôi chia tay đơn vị về với cuộc sống đời thường năm 1975, đây là lần đầu tiên tôi được đến Hà Nội gặp lại đồng đội cũ. Sau gần 50 năm mới gặp nhau, kể sao hết những kỷ niệm buồn vui. Đều đã ở tuổi ngoài 70 cả, còn gặp được nhau ngày nào quý ngày ấy. Mà cháu biết không, mọi công tác hậu cần cho sự kiện này đều do ban tổ chức bảo đảm hết. Thật quý hóa làm sao!”.

Tranh thủ trước khi chương trình buổi lễ chính thức bắt đầu, tôi gặp gỡ, trao đổi thông tin với một số đại biểu. Trong câu chuyện với họ, cái tên được nhắc đến nhiều nhất, với sự tin tưởng, quý trọng, là CCB, thương binh Lê Mạnh Hải, nguyên chiến sĩ của Tiểu đoàn Vận tải 25, hiện là Ủy viên Thường trực Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320, Trưởng ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 khu vực Nghệ An-Hà Tĩnh. Ông là hạt nhân kết nối, tích cực vận động, đóng góp nguồn lực tinh thần và vật chất để tổ chức các hoạt động ý nghĩa, kết nối đồng đội của Sư đoàn 320 về sinh hoạt dưới một mái nhà chung ấm áp, nghĩa tình.

Nghe các CCB kể, tôi tò mò, muốn tìm hiểu, trò chuyện với CCB Lê Mạnh Hải. Nhưng suốt hơn hai giờ đồng hồ mà vẫn không có khoảng trống nào để níu ông ngồi lại, bởi ông còn bận đi lại như con thoi, lúc thì hướng dẫn bộ phận lễ tân, khi thì mải lo lắng sắp xếp ở hậu trường sân khấu, chỉ đạo, theo dõi các bộ phận sao cho mọi việc diễn ra theo đúng kịch bản. Chỉ đến những phút cuối của chương trình, ông mới bước ra sân khấu cầm micro. Thế nhưng, không một lời nói về mình, ông cất tiếng gọi: “Mùi ơi! Mày đang ngồi ở đâu, lên đây với tao!”. Và trước ánh mắt ngạc nhiên không hiểu có chuyện gì của mọi người, CCB Trần Văn Mùi cùng chiếc nạng gỗ từ dưới hội trường từng bước chậm rãi tiến về phía sân khấu. Ôm chặt thương binh Trần Văn Mùi, CCB Lê Mạnh Hải xúc động: “44 năm qua, Mùi ơi, tao cứ tưởng...! Thôi, còn đi lại được thế này là mừng lắm rồi!”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh, thương binh Lê Mạnh Hải, Trần Văn Mùi (thứ nhất, thứ hai, từ trái sang) trong cuộc gặp mặt truyền thống Tiểu đoàn Vận tải 25 tại Hà Nội, tháng 12-2023. Ảnh: TUẤN TÚ 

Từ đây, kỷ niệm xưa ùa về theo lời kể của các CCB. Ngày 4-3-1979, đồng chí Lê Mạnh Hải cùng một số cán bộ thuộc Ban Xe của Tiểu đoàn Vận tải 25 được lệnh đi kiểm tra, tiếp nhận 2 chiếc xe chiến lợi phẩm thu được của địch ở khu vực Takeo (Campuchia). Ra đến nơi, trong lúc kiểm tra phương tiện thì họ thấy đoàn xe 3 chiếc của Tiểu đoàn đi tới. Lê Mạnh Hải vội hô lớn: “Có bãi mìn!”, nhưng xe đi đầu do lái xe Trần Văn Mùi điều khiển phát hiện chậm nên không kịp tránh. Vướng mìn, xe bị hất văng ra, lái xe ngất lịm. 2 xe sau kịp thời chuyển hướng nên người và xe an toàn. CCB Trần Văn Mùi bồi hồi nhớ lại: “Tôi nhập ngũ tháng 8-1973, về đơn vị bộ binh một thời gian thì được cho đi học lái xe và biên chế về Tiểu đoàn Vận tải 25. Lúc đó, chúng tôi có nhiệm vụ đưa các đồng chí trinh sát của Sư đoàn 320 đi dọn địa hình, điều nghiên trước khi đơn vị chuyển địa bàn, chuẩn bị chiến dịch mới. Trên đường trở về, xe vướng mìn của địch gài lại khiến tôi bị thương nặng, hôn mê sâu. Khi tỉnh lại đã là ngày thứ ba, sau đó, tôi được chuyển dần qua các trạm xá ở Châu Đốc, Cần Thơ, rồi Mỹ Tho. Một năm sau, tôi về đoàn an dưỡng điều trị tiếp, rồi xuất ngũ và được công nhận là thương binh hạng 2/4”.

Còn CCB Lê Mạnh Hải tâm sự: “Tôi không nhớ cụ thể hôm xảy ra sự việc là ngày nào và ở đâu. Bấy giờ, khi sự cố xảy ra, chúng tôi tiến hành sơ cấp cứu thật nhanh, đưa thương binh về tuyến sau rồi lại mải miết với những nhiệm vụ của người lính trên chiến trường, lòng dặn lòng sau này hòa bình sẽ phải đi tìm đồng đội. Mới đây, có thông tin Mùi và gia đình sinh sống ở thôn Đồng Trạng, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái mà chưa thể lên thăm ngay được. Nay gặp nhau, biết đồng đội mong muốn có một chiếc xe điện 3 bánh để tiện đi lại, tôi xin tặng anh toàn bộ kinh phí để mua chiếc xe”.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh, thương binh Trần Văn Mùi trên chiếc xe mới tại nhà riêng. Ảnh: TUẤN TÚ

Là người biết sự việc năm đó, hôm ấy cũng có mặt tại hội trường, CCB Giang Văn Phú, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 24 quân y, Sư đoàn 320-đơn vị phối hợp công tác với Tiểu đoàn Vận tải 25, nhớ lại: “Bấy giờ, đơn vị tôi liên tục đón nhận thương binh. Chúng tôi cố gắng cấp cứu tích cực rồi nhanh chóng chuyển tuyến cao hơn, hy vọng các anh qua khỏi chứ chẳng rõ mặt hay biết tên ai. Cùng là lực lượng phục vụ chiến đấu với quân y chúng tôi, Tiểu đoàn Vận tải 25 đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt để làm tốt công tác bảo đảm cho từng trận đánh, từng chiến dịch thắng lợi. Trước mọi nhiệm vụ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn tin tưởng, hỗ trợ và sẵn sàng giúp đỡ đồng đội. Bao nhiêu năm gặp lại, tình cảm ấy vẫn trước sau như một, trân quý vô cùng!”.

Lời hứa với đồng đội trong ngày hội ngộ ấy đã được CCB Lê Mạnh Hải thực hiện ngay. Chưa đầy một tuần lễ, chiếc xe máy điện đã đến tay thương binh Trần Văn Mùi. Hoàn cảnh gia đình ông vất vả, sinh được 4 người con thì 3 người đã mất vì bệnh ung thư, mà nguyên nhân có thể là do ảnh hưởng chất độc da cam từ cha. Biết vậy, một lần nữa, CCB Lê Mạnh Hải và Ban liên lạc truyền thống đơn vị lại chung tay giúp đỡ, san sẻ khó khăn với đồng đội. “Lính cựu chúng mình bình dị vậy đó. Hội ngộ là để tri ân và sẻ chia thôi ấy mà!”-CCB Lê Mạnh Hải tâm sự.

NGỌC MAI