Vừa giới thiệu về những bức ảnh của luật sư Phan Anh treo ở phòng khách, trong đó có ảnh chụp với Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc, ông Phan Tân Hội vừa kể: “Cha tôi sinh năm 1911, ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong gia đình nhà Nho nghèo, ngay từ nhỏ, ông rất chăm chỉ học tập và đạt được kết quả xuất sắc. Năm 1933, ông thi đỗ 3 bằng tú tài (tú tài bản xứ, tú tài Tây ban Toán và tú tài Tây ban Triết). Năm 1937, ông tốt nghiệp ngành luật, Trường Đại học Đông Dương và được chính quyền cấp học bổng sang Pháp du học. Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông về nước mà không kịp bảo vệ luận án tiến sĩ. Trở về Việt Nam, ông làm việc ở Văn phòng luật sư Bùi Tường Chiểu...”.

Tháng 3-1945, luật sư Phan Anh cùng một số trí thức khác tham gia chính phủ của Trần Trọng Kim. “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cha tôi có may mắn được gặp Bác Hồ lần đầu tiên tại Hà Nội. Đó là ngày 27-8-1945, tuy bận chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng nhưng qua sự giới thiệu của Giáo sư Hoàng Minh Giám và đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ đã dành thời gian tiếp cha tôi.

leftcenterrightdel
 Luật sư Phan Anh (ngoài cùng, bên trái) gặp Bác Hồ, năm 1950. Ảnh tư liệu

Đúng giờ hẹn, người cận vệ đón và đưa cha tôi đến nơi Bác Hồ làm việc. Bác Hồ khi đó nói với cha tôi: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành được độc lập; nay đã tranh được độc lập rồi, chúng ta phải kiến thiết đất nước để dân ta có cơm ăn, áo mặc, có chỗ ở, được học hành. Chú là người tài cao, học rộng, tôi đề nghị chú nhận trách nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia, để lo những chuyện đó... Và thế là, từ Bộ trưởng Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim, cha tôi trở thành Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Kiến thiết quốc gia”, ông Phan Tân Hội nói về con đường trở thành người chiến sĩ cách mạng của cha mình.

Lấy cuốn sách “Luật sư Phan Anh”  (Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2011) từ trên giá sách, ông Hội chậm rãi đọc cho chúng tôi nghe bài viết của luật sư Phan Anh khi nhận được sự tin tưởng của Bác Hồ: “Tôi rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng bao dung của Bác. Vì Bác đã không lấy việc tôi tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật làm điều, mà vẫn cho tôi là một trí thức yêu nước và trọng dụng... Nhận trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi không phải nghĩ đến những công việc về chuyên môn quân sự, vì việc đó đã có anh Võ Nguyên Giáp. Nhiệm vụ của tôi là tập trung vào vấn đề chính trị nhằm đoàn kết trong, ngoài...”.

Luật sư Phan Anh giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 3 đến tháng 11-1946). Đây là thời kỳ khó khăn khi Quân đội cách mạng chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, luật sư Phan Anh còn được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao giữ chức Bộ trưởng của nhiều bộ như: Bộ Kinh tế, Bộ Công Thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương; đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như: Phó chủ tịch Quốc hội; đại biểu Quốc hội (từ khóa II đến khóa VIII); Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế...

Luật sư Phan Anh từng tham gia đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva năm 1954 cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trên các diễn đàn quốc tế, luật sư Phan Anh đã dùng lý luận sắc bén, chính nghĩa bảo vệ lợi ích quốc gia, qua đó đóng góp xứng đáng vào phong trào hòa bình của nhân loại tiến bộ. Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, luật sư Phan Anh đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Luật sư Phan Anh là người có lối sống cần kiệm, không chú trọng hình thức. Theo lời kể của ông Phan Tân Hội, khi đi làm, luật sư Phan Anh luôn ăn mặc giản dị, chi tiêu tiết kiệm. Luật sư thường xuyên đi công tác nước ngoài nhưng về nhà ít khi mua quà. Ông Hội kể cho chúng tôi nghe hai câu chuyện về đức tính liêm khiết của cha mình mà đến giờ ông vẫn còn nhớ: “Một ngày đầu tháng 2-1980, gia đình tôi được phân phối căn nhà cấp 4 rộng 16m2 ở Khu tập thể thảm len Đống Đa (nay thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Đó là căn nhà lợp ngói, không có công trình phụ, không có nước... do vậy, tôi mới đi mua một loại gạch phế phẩm (gạch phồng rẻ tiền) về để xây công trình phụ. Cha tôi sợ tôi đi “phe phẩy” hay là “móc ngoặc” với ai nên căn dặn phải mua bán đúng quy định của Nhà nước, không được làm điều gì sai trái. Lần khác, vào tháng 6-1983, cha tôi cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự một hội nghị quốc tế tại Praha (Tiệp Khắc). Biết thông tin trên, bạn tôi là Nguyễn Hữu Hà đã đi tàu hỏa từ Bruno lên Praha để nhờ ông mang một món quà về cho tôi. Khi gặp, cha tôi nói với anh Hà: “Cảm ơn cháu, cháu giúp thế này rất quý. Nhưng bác có nguyên tắc là chỉ mang tài liệu, sách vở thôi, không mang hàng hóa. Cháu thông cảm!”. Và cha tôi đã từ chối không mang món quà mà anh Hà gửi cho tôi...”.

Kết lại câu chuyện, ông Phan Tân Hội nói: “Tính cách cha tôi là vậy, suốt đời học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy là phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cha tôi đã dành trọn vẹn cuộc đời mình cho đất nước. Ông luôn răn dạy các con cháu phải đoàn kết, nhân ái, giữ “đạo đức là cái gốc”.

THÁI KIÊN - PHƯƠNG LINH