Đầu tháng 1-1973, tôi đang ở nơi sơ tán thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) thì được cấp trên triệu tập đi miền Nam tham gia thi hành Hiệp định Paris. Khi đó, tôi mới làm việc ở Phòng Phiên dịch của Bộ Ngoại giao được khoảng 4 tháng, đang chập chững làm quen với nghiệp vụ và ngôn ngữ ngoại giao. Đó là một ngã rẽ gấp, bất ngờ, đầy thử thách đối với tôi. Bởi ngã rẽ này hướng ra chiến trường, phía trước là những khó khăn, thậm chí cả hy sinh.

Ngay sau đó, chúng tôi tập trung học lớp chính trị cấp tốc trong khoảng hai tuần ở Hà Đông. Các bài giảng đều về nội dung của Hiệp định Paris và việc thi hành hiệp định sắp tới, nói chung gần giống những gì chúng tôi đã biết qua công việc hằng ngày ở Bộ Ngoại giao. Xong lớp học cấp tốc, tôi được phong quân hàm Chuẩn úy, rồi bắt đầu cuộc hành quân “thần tốc” bằng ô tô quân sự theo Đường Hồ Chí Minh vào chiến trường miền Nam.

Dọc đường hành quân, một số đồng đội của tôi rẽ vào Tây Nguyên nhận nhiệm vụ. Cuối tháng 3-1973, tôi cùng một số người khác vào đến Lộc Ninh-thủ phủ kháng chiến của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau đó, tôi được điều động công tác ở đơn vị hậu cứ của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để tham gia thực hiện Hiệp định Paris, đóng quân gần Lộc Ninh (nay thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

leftcenterrightdel
 Tác giả (thứ hai, từ phải sang) phiên dịch cho Đại tá Nguyễn Văn Sĩ, Phó trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương tiếp các đồng chí Hungary và Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát thi hành Hiệp định Paris, tháng 8-1974. Ảnh do tác giả cung cấp

Trong năm 1973, tôi tham gia tiếp nhận hàng nghìn người của ta bị địch bắt và được trao trả tại sân bay Lộc Ninh. Đồng thời, tôi có nhiệm vụ tổng hợp tin tức trên đài tiếng Anh của các nước phương Tây để phục vụ tác chiến và cùng đồng đội đi tìm hài cốt lính Mỹ chết trận ở các địa phương gần khu căn cứ. Ngoài thời gian làm chuyên môn, tôi cùng đồng đội làm rẫy, nuôi heo, gà, lội suối bắt cá, xây dựng lán trại... Tôi bắt đầu được nếm trải những đợt mưa dầm dề hàng tuần liền giữa rừng già miền Đông Nam Bộ, kèm theo là những đàn vắt, đàn muỗi bám chặt quanh người và thưởng thức cả “món đặc sản” sốt rét rừng làm toàn thân run lên bần bật...

Rồi cuộc đời tôi lại đột ngột rẽ sang một hướng khác. Tôi được cấp trên phân công vào làm việc cho đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương (đoàn B) tại Trại Davis (Sài Gòn). Một ngày giữa tháng 4-1974, tôi có mặt ở Trại Davis trên chiếc trực thăng UH-1A do một tổ lái của quân ngụy Sài Gòn điều khiển từ sân bay dã chiến Lộc Ninh vào căn cứ không quân chiến lược Tân Sơn Nhất. Ở đó, hằng ngày, chúng tôi được cấp trên thường xuyên thông báo diễn biến trên chiến trường, tiếp đó là những bước hành quân thần tốc “một ngày bằng hai mươi năm” của quân ta...

Cuối tháng 3-1975, chúng tôi được lệnh xây dựng một hệ thống trận địa chiến đấu hoàn chỉnh dưới lòng đất. Chúng tôi đã đập dẹt những chiếc cọc màn bằng sắt để làm xẻng, dùng dao găm, “bát sắt B-52” của bộ đội, xô tưới rau, đĩa sắt moi từng ít, từng ít một loại đất được nén chặt như đá ong ở Trại Davis. Chúng tôi đào cả ban đêm và phải giữ bí mật tuyệt đối với quân địch bên kia hàng rào kẽm gai. Mặc kệ địch, chúng tôi vẫn mải miết đào, đào nối từ nhà này sang nhà kia, đào chạy vòng quanh Trại Davis thành một trận địa liên hoàn vững chắc để luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đó là một trận chiến thực sự dưới lòng đất, âm thầm và quyết liệt. Chúng tôi vừa đào hầm, vừa động viên nhau nâng cao sức mạnh tinh thần để chiến đấu mọi lúc, mọi nơi.

leftcenterrightdel
Thượng sĩ Phạm Văn Lãi (đứng cạnh lá cờ) và Nguyễn Văn Cẩn cắm cờ trên đỉnh tháp nước Trại Davis, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu 

Đến chiều 28-4-1975, khoảng mươi phút sau khi Dương Văn Minh nhậm chức Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, một tốp máy bay A-37 xuất hiện trên vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng bất ngờ bổ nhào, thả mấy loạt bom xuống sân bay ngay sát bên kia hàng rào Trại Davis, làm khói bụi, gạch đá, mảnh vỡ bay tung tóe sang khu doanh trại của chúng tôi. Tối hôm đó, chúng tôi được thông báo tốp máy bay A-37 hồi chiều là do phi công ta điều khiển, tấn công Tân Sơn Nhất nhằm phá hỏng một phần sân bay chiến lược của Sài Gòn và gây hoang mang cho phía địch.

Đêm hôm đó, chúng tôi được lệnh ngủ dưới địa đạo và sẵn sàng chiến đấu. Trong mỗi người đều có cảm giác vừa khẩn trương, vừa háo hức, thấp thỏm, thao thức đến tận khuya. Đêm hôm đó, tôi vừa chợp mắt được một lúc thì tiếng đạn pháo xé toạc không gian, rồi nổ đinh tai trong sân bay, rất gần chỗ chúng tôi. Đèn điện trong Trại Davis phụt tắt. Qua ánh đèn pin, tôi nhìn thấy đồng hồ chỉ gần 4 giờ sáng 29-4. Mọi người bật dậy, khẩn trương di chuyển về vị trí chiến đấu đã được phân công. Thông tin từ Ban chỉ huy đơn vị truyền tới: “Pháo binh của ta bắt đầu tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Tất cả đơn vị sẵn sàng chiến đấu!”. Như vậy, trận ném bom Tân Sơn Nhất của tốp A-37 chiều qua là hiệu lệnh mở màn cho cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn.

Tôi được phân công trực ở ụ chiến đấu phía đường Lê Văn Lộc, đối diện với một trong khoảng hai chục bốt gác của địch bố trí quanh Trại Davis. Suốt ngày 29-4, pháo của ta vẫn bắn liên tục, lúc cấp tập, lúc cầm chừng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cả đơn vị chúng tôi kiên trì bám trụ. 

Trong lúc các quan chức, sĩ quan của chế độ ngụy quyền Sài Gòn và người Mỹ tìm đường tháo chạy trong hoảng loạn thì quân ta tiếp tục nã pháo vào sân bay Tân Sơn Nhất và siết chặt vòng vây quanh thành phố. Đạn pháo vẫn rít trên đầu và nổ rất đanh xung quanh chúng tôi. Chúng tôi không ngủ, không nghỉ suốt từ rạng sáng 29-4, nhưng mọi người đều tỉnh táo, minh mẫn đến kỳ lạ. Chúng tôi háo hức đợi chờ giờ phút quyết tử. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhô đầu lên khỏi ụ chiến đấu để quan sát động thái của các bốt gác địch bên kia hàng rào kẽm gai. Tuyệt nhiên không thấy động tĩnh gì. Thậm chí không thấy bóng dáng những tên lính dù hằng ngày vẫn đứng “oai vệ” bên cạnh những khẩu đại liên 12,7mm, bồng súng tiểu liên AR15 và chĩa họng súng đen ngòm về phía chúng tôi như hù dọa.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Phan Đức Thắng. Ảnh do tác giả cung cấp

Suốt đêm 29-4, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đoàn B cùng các đồng chí của ông trong Ban chỉ huy đơn vị không hề chợp mắt. Từng phút, từng giây ông giữ liên lạc với Bộ chỉ huy mặt trận để nắm tình hình tấn công của quân ta vào Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như báo cáo tình hình của đơn vị chúng tôi. Đến lúc này, đơn vị chúng tôi đã có 2 đồng chí hy sinh và 5 đồng chí khác bị thương.

Sáng 30-4, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn hết sức phấn chấn. Ông nắm chắc diễn biến của toàn mặt trận, nhất là tình hình của ta và địch xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Binh lính địch ở bên kia hàng rào Trại Davis đã có dấu hiệu tan rã từ sáng sớm. Lúc này, con đường phía trước Trại Davis không một bóng lính nhưng tràn ngập quần áo, ba lô, mũ sắt, giày dép của chúng.

9 giờ 30 phút ngày 30-4, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn ra lệnh cho Thượng sĩ Phạm Văn Lãi treo lá cờ có ngôi sao vàng trên nền nửa đỏ, nửa xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh tháp nước Trại Davis. Với giọng nói đầy khí thế và dứt khoát, ông ra lệnh: “Đồng chí hãy treo lá cờ của Mặt trận lên đỉnh tháp nước để quân ta biết hướng tấn công và quân địch đóng quanh sân bay nhìn thấy lá cờ của Mặt trận mà hoang mang, mất sức chiến đấu...”. Khoảng 15 phút sau, các chiến sĩ của tiểu đoàn mũi nhọn thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đã đến tiếp quản Trại Davis. Chúng tôi vui mừng ôm chầm lấy các đồng đội của mình, không kìm được nước mắt. Và khoảng hai giờ đồng hồ sau, xe tăng của ta đã chiếm được dinh Độc Lập-cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn. Chúng ta đã giành toàn thắng.

PHAN ĐỨC THẮNG, Nguyên sĩ quan phiên dịch của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương tại Trại Davis, hiện là Phó trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis tại Hà Nội.