Đại đội Thăng Bình

Cuối năm 1945, sau khi hoàn thành khóa đào tạo quân sự ngắn hạn tại địa phương, đồng chí Thăng Bình được phân công lên mặt trận Tây Bắc, biên chế về Đại đội 670, đại đội mà sau đó mang tên đồng chí: Đại đội Thăng Bình.

Bấy giờ, địch chiếm đóng toàn bộ Lào Cai, tăng cường xây dựng đồn bốt, tiến hành khủng bố kết hợp mị dân hòng chia rẽ cách mạng với nhân dân. Nhiều nơi dân bản thấy bộ đội đến thì bỏ chạy vào rừng, có nơi xua đuổi, không cho bộ đội vào nhà. Hoạt động trên vùng núi cao, rừng rậm, mùa đông giá lạnh thấu xương không có chăn đắp, cán bộ, chiến sĩ Đại đội phải lấy rơm, cỏ làm ổ thay chăn. Lương thực không có, nhiều ngày anh em phải ăn cháo bẹ, canh măng trừ bữa. Rừng thiêng nước độc, nhiều đồng chí sốt rét li bì. Thuốc men thiếu thốn, một viên ký ninh phải pha vào một ống nứa đầy nước rồi chia nhau từng ngụm nhỏ.

Gian khổ là vậy, nhưng thực hiện phương châm “Thà mất đất chứ không để mất dân”, Bí thư Chi bộ Thăng Bình kiên quyết chủ trương không rút ra vùng tự do củng cố mà chỉ huy Đại đội bám trụ, kiên trì vận động nhân dân. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của trên về tác chiến du kích và từ thực tế chiến đấu, Đại đội trưởng Thăng Bình đề ra phương pháp “Đánh ngay vào bụng giặc”. Đồng chí tổ chức cho Đại đội bám sát đồn giặc bắn súng quấy rối, tổ chức các trận phục kích nhỏ tiêu diệt từng toán quân địch, thu vũ khí, lương thực, đồ quân nhu, tiến dần lên những trận đánh lớn hơn, kết hợp tác chiến với binh, địch vận. Trận đánh đồn Mường Mu bằng công tác địch vận kết hợp nội ứng chiến đã khiến 53 tên địch ra hàng, ta thu toàn bộ vũ khí. Tin đồn Mường Mu được giải phóng bằng công tác địch vận đã gây tiếng vang lớn trên chiến trường Tây Bắc, tác động mạnh mẽ đến binh lính Pháp, khoét sâu mâu thuẫn giữa lính Pháp với lính ngụy. Trong trận phục kích Thôn Mạ-Phố Ràng sau đó, lần đầu tiên Đại đội Thăng Bình chạm trán với đại đội chính quy của Pháp nhưng đã giành thắng lợi, tiêu diệt 1 tên quan hai, 4 lính lê dương, 6 lính khố đỏ... Chỉ từ tháng 3 đến tháng 8-1948, Đại đội Thăng Bình đã đánh 40 trận phục kích, 40 trận bắn phá quấy rối địch.

Tên quan ba Campan, Đồn trưởng đồn Phố Ràng và quan hai Ferrucci, Đồn trưởng đồn Khe Pịa gọi Thăng Bình là “Captain Thăng Bình”-quan ba Thăng Bình, “Đại đội trưởng thép”. Đại đội Thăng Bình trở thành một trong những đại đội độc lập thuộc hàng “anh cả” của Chiến khu Tây Bắc, “Đại đội anh cả canh cửa của chiến trường Lao-Hà”. Trong hồi ký “Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng” (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1970), Thượng tướng Song Hào, nguyên Chính trị ủy viên Liên khu 10 nhận xét: “Nói tới những đại đội độc lập vinh quang ở trên các miền Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái phải nói tới Đại đội Thăng Bình”.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Thăng Bình (cầm ba toong ở giữa) đi thị sát trong Chiến dịch Nậm Bạc năm 1968.

Người chỉ huy trên nhiều chiến trường

Từ năm 1950 đến 1954, đồng chí Thăng Bình với chức danh Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 đã tham gia hầu hết các chiến dịch: Biên giới, Trung du, Đường 18, Lý Thường Kiệt, Hòa Bình, Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Trong đợt 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 209 có nhiệm vụ tiêu diệt điểm cao 507, đồng thời phối hợp với các đơn vị bạn tiêu diệt các cứ điểm còn lại trên dãy cao điểm phía đông là A1, C2. Cứ điểm 507 là một vị trí trong cụm phòng ngự của địch thuộc khu đề kháng trung tâm, được tổ chức phòng ngự theo hình vòng tròn. Cụm cứ điểm này nằm dưới chân đồi A1, sát với cầu Mường Thanh bên tả ngạn sông Nậm Rốm, bảo vệ sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trưa 5-5-1954, Trung đoàn 209 bắt đầu tiến công điểm cao 507. Ban ngày, ta dùng hỏa lực chế áp và đánh phá công sự, tiêu hao quân địch, khi trời tối thì tổ chức xung kích. Nhưng cho đến gần sáng 7-5, qua nhiều đợt tiến công, ta vẫn không mở được cửa mở. Hỏa lực yểm hộ đã bắn đỏ cả nòng. Bộc phá đã đánh hàng chục quả nhưng vẫn còn hàng rào chưa mở. Tình hình vô cùng căng thẳng, cán bộ Trung đoàn đều xuống trực tiếp trận địa xem xét và chỉ đạo. Đồng chí Thăng Bình, lúc này là Trung đoàn phó Trung đoàn 209, cho thu nhặt bao tải và ván đặt lên hàng rào bùng nhùng. Sau khi được hỏa lực yểm hộ, quân ta xung phong nhưng vẫn bị chặn lại.

Trước tình hình trên, Đảng ủy Trung đoàn tổ chức họp bàn biện pháp. Trung đoàn phó Thăng Bình từ chiến hào trở về sở chỉ huy, mắt trũng sâu, bùn lấm đầy người, báo cáo nguyên nhân thất bại là do địch đã tăng cường rải hàng chục cuộn dây thép gai bùng nhùng trước giờ nổ súng nên bộc phá của ta không phá đứt được... Qua thảo luận, Đảng ủy đi tới nhất trí cần tiếp tục tiến công 507 ngay ban ngày. Đồng chí Thăng Bình cùng Phó chính ủy Trung đoàn 209 Kim Mỹ được Đảng ủy cử xuống trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 130 phối hợp với đơn vị bạn tiêu diệt bằng được 507.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Thăng Bình. Ảnh tư liệu gia đình

14 giờ ngày 7-5-1954, sau khi tổ chức lại lực lượng, Tiểu đoàn 130 tiếp tục tiến công và đã giành thắng lợi. Phát hiện nhiều cờ trắng ở điểm cao 508, 509, Ban chỉ huy Trung đoàn hội ý thống nhất đề nghị Đại đoàn cho toàn Trung đoàn xuất kích. Vượt qua 3 cứ điểm địch, Đại đội 360, Tiểu đoàn 130 do Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy tiến thẳng tới đầu cầu Mường Thanh, phát triển chiến đấu đánh chiếm các giao thông hào dẫn vào khu trung tâm. Tướng De Castries cùng Bộ Tham mưu và toàn bộ lực lượng còn lại của địch ở Điện Biên Phủ đã đầu hàng. Ngay sau đó, Đại đội 360 bàn giao De Castries cho Trung đoàn phó Thăng Bình là người chỉ huy trực tiếp trận đánh. Đồng chí Thăng Bình nhanh chóng dùng xe chiến lợi phẩm và bắt một tù binh da đen lái xe chở De Castries về Sở chỉ huy Đại đoàn 312...

Tháng 7-1954, khi Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam giúp nước bạn Lào (Đoàn 100), đồng chí Thăng Bình tham gia Đoàn 100 với vai trò Tổ trưởng Tổ cố vấn cho Phòng Tham mưu Bộ Quốc phòng Lào. Tháng 9-1955, đồng chí trở về nước làm Tham mưu phó Sư đoàn 335. Tháng 5-1959, đồng chí làm Tham mưu phó Quân khu Tây Bắc. Sau thời gian đi học từ năm 1961 đến 1964, đồng chí trở về tiếp tục làm Tham mưu phó Quân khu Tây Bắc rồi Tham mưu trưởng Quân khu.

Từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến lúc hy sinh, đồng chí có sự gắn bó đặc biệt với chiến trường Lào. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo công tác tham mưu chiến dịch và nhiều đợt hoạt động tác chiến ở chiến trường Lào. Tháng 9-1969, liên quân chiến đấu Lào-Việt quyết định mở chiến dịch phản công mang mật danh 139, có nhiệm vụ tiêu diệt địch lấn chiếm Cánh Đồng Chum và khôi phục, mở rộng vùng giải phóng. Trong bối cảnh gấp rút chuẩn bị chiến dịch, tháng 8-1969, đồng chí Thăng Bình đang làm Tư lệnh Sư đoàn 325D được cử sang làm Tham mưu trưởng Mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Ngày 25-10-1969, chiến dịch phản công Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng bắt đầu. Với vai trò Tham mưu trưởng mặt trận, đồng chí tham mưu cho Bộ tư lệnh mặt trận chỉ đạo lực lượng vũ trang liên quân Lào-Việt dũng cảm chiến đấu, thực hiện đúng ý định tác chiến đặt ra, buộc địch phải co về phòng ngự bị động. Sáng 2-2-1970, vào lúc chuẩn bị kết thúc đợt 1 chiến dịch, Tham mưu trưởng mặt trận-Thượng tá Nguyễn Thăng Bình hy sinh do bom đạn địch đánh trúng vào hầm chỉ huy.

LÊ TUẤN ĐẠT