- Tôi vừa phụ trách đoàn công tác của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đến kiểm tra công tác chuẩn bị và bảo đảm mọi mặt cho năm huấn luyện mới 2022 ở một số đồn được phân công. Những ngày qua, thời tiết khắc nghiệt, mưa rét, nhiệt độ giảm sâu. Ở các đồn Chi Ma, Ba Sơn, nhiệt độ chạm mức 0 độ C, đường lên các trạm, chốt trơn trượt nhưng bộ đội trên đó tổ chức tốt đời sống cho anh em, bảo đảm chống rét và khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt để ngày ra quân huấn luyện, tổ chức các hoạt động đúng kế hoạch.
Việc đi cơ sở, bám và nắm chắc tình hình địa bàn cũng như tư tưởng, đời sống bộ đội đối với Đại tá Lương Mạnh Vông là hoạt động thường xuyên. Anh đến tận các chốt, trạm biên phòng vừa để động viên bộ đội, vừa kiểm tra mọi mặt đời sống của anh em; khi có những việc còn khiếm khuyết, anh nhắc nhở và hướng dẫn cán bộ cấp dưới khắc phục, thực hiện ngay. Qua chuyện kể tôi được biết, dịp 2-9-2021, anh chỉ đạo đoàn công tác của Phòng Chính trị đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Lăng; yêu cầu cán bộ phải đến tận chốt Pò Có để kiểm tra công tác chuẩn bị và dự lễ kết nạp Đảng cho quần chúng ưu tú Hứa Xuân Úy, chiến sĩ của đồn. Binh nhất Hứa Xuân Úy tham gia trực tại tổ chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt Pò Có hơn nửa năm, và đang thực hiện nhiệm vụ nên không về đồn được. Đại tá Lương Mạnh Vông, trên cương vị Chủ nhiệm Chính trị, đã chỉ đạo cơ quan và đơn vị tổ chức kết nạp Đảng cho chiến sĩ Úy tại điểm chốt. Một trường hợp khác ở chốt Pò Có là việc trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng tặng Trung tá QNCN Trần Văn Khôi, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Chi Lăng, đang làm nhiệm vụ tại chốt. “Việc tham mưu với Đảng ủy, thủ trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, chỉ đạo cơ quan tổ chức trao huy hiệu cho đảng viên và kết nạp Đảng đối với quần chúng tại chốt không chỉ bảo đảm bộ đội thường xuyên làm nhiệm vụ mà còn có ý nghĩa động viên kịp thời, tạo sự phấn khởi và ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ của anh em”, Đại tá Lương Mạnh Vông cho biết.
Tham mưu và sáng tạo các hình thức, giải pháp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị luôn là sự quan tâm, trăn trở của Đại tá Lương Mạnh Vông. “Trong điều kiện kinh tế thị trường và những tác động của xã hội, đời sống của BĐBP còn gặp nhiều khó khăn nên người cán bộ chính trị phải luôn bám sát, gần gũi, nắm chắc hoàn cảnh gia đình, bản thân cán bộ, chiến sĩ, nhất là những người trực chốt, trạm để động viên, chia sẻ kịp thời với anh em. Với cán bộ cấp dưới, tôi thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, truyền thụ kinh nghiệm, thậm chí cầm tay chỉ việc cho anh em”, anh Vông tâm sự. Rồi anh kể về những trường hợp như Thượng tá Nguyễn Bá Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chi Ma, có bố và vợ con thường xuyên ốm đau; Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến, Chốt trưởng Chốt 1226, làm nhiệm vụ trực chốt đã gần một năm chưa về thăm nhà. Anh em được động viên bám đồn, bám chốt, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Thiếu tá Đào Công Ngọc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Thanh, người có nhiều năm được làm việc với anh Vông, đã dành tình cảm khi nói về thủ trưởng của mình: “Làm công tác quản lý và điều hành phòng, bận rộn, vất vả, song anh Vông không chỉ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà còn xung phong nhận phụ trách tuyến biên phòng Bắc Xa là tuyến khó khăn nhất. Tôi học được nhiều ở anh về tính cụ thể, tỉ mỉ, sâu sát. Anh thường xuyên đi kiểm tra trực tiếp cơ sở, ân cần thăm hỏi, nắm hoàn cảnh cán bộ, chiến sĩ. Khi công việc gặp khó khăn, vướng mắc, anh tận tình hướng dẫn và chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Khi lập các chốt phòng, chống dịch Covid-19, anh tham mưu với trên và chỉ đạo cơ quan, ngành chính trị ưu tiên cấp vật tư, thiết bị bảo đảm đời sống tinh thần cho bộ đội ở chốt trước. Nhờ đó, bộ đội ở các chốt có đài, ti vi và sách, báo để đọc khá đầy đủ”.
“Đặc sản” của BĐBP là bám dân, giúp dân, nhất là các địa phương, đồng bào ở những vùng biên giới khó khăn. Chủ nhiệm Chính trị Lương Mạnh Vông có nhiều sáng tạo, giải pháp, hình thức hoạt động để nâng cao chất lượng các chương trình, phong trào như: “Mái ấm biên phòng”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”; “Thắp sáng đường biên”, “Con nuôi đồn biên phòng”, xây dựng cơ quan, đơn vị “5 an toàn”, mẫu hình quân nhân “5 nhanh, 5 tốt”, “BĐBP hợp sức toàn dân, tấn công tội phạm”, “Công trình dân sinh, thắm tình đồn xã”... Theo anh Vông, để các chương trình, phong trào có hiệu quả thì cơ quan, đơn vị phải vào cuộc đồng bộ, có kế hoạch cụ thể, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, tránh “phát” nhưng không “động”. Trung tá Phùng Đắc Lợi, cán bộ vận động quần chúng Phòng Chính trị BĐBP tỉnh Lạng Sơn đã viết về Đại tá Lương Mạnh Vông, một trong những điển hình tiên tiến của BĐBP tỉnh Lạng Sơn trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như sau: Anh Vông là tấm gương sáng nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, có phong cách làm việc khoa học, hiệu quả, linh hoạt, có nhiều sáng kiến đổi mới. Anh là người công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn. Chủ trì cơ quan chính trị, anh luôn quan tâm và xây dựng phòng vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ phòng vững về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, kỷ cương và trách nhiệm. Đại tá Lương Mạnh Vông chủ trì tham mưu với Đảng ủy, thủ trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh các giải pháp đồng bộ, triển khai quyết liệt các nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Nổi bật là anh chỉ đạo cơ quan, xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt các nội dung đột phá “2 mẫu mực, 1 điểm sáng”. Đó là xây dựng BĐBP tỉnh Lạng Sơn trở thành đơn vị mẫu mực về quản lý, bảo vệ biên giới; mẫu mực về công tác cửa khẩu và điểm sáng về công tác đối ngoại biên phòng. Anh chỉ đạo cơ quan chính trị phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các hoạt động, hình ảnh BĐBP; nâng cao chất lượng chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” trên báo, truyền hình tỉnh Lạng Sơn. Anh quan tâm đến việc xây dựng, nhân rộng, tuyên truyền gương người tốt-việc tốt trong BĐBP tỉnh, làm sáng đẹp thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ... Từ sự tham mưu, triển khai hiệu quả của đồng chí Chủ nhiệm Chính trị đã góp phần xây dựng BĐBP tỉnh Lạng Sơn trở thành đơn vị điển hình mẫu mực của lực lượng BĐBP cả nước.
Đại tá Lương Mạnh Vông sinh năm 1970, ở xã Vân Mộng (nay là xã Liên Hội), huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Tuổi thơ sống ở quê miền núi nghèo nên chí hướng học tập để sau này công tác, góp phần xây dựng quê hương luôn thôi thúc chàng trai, người hợp huyết giữa hai dân tộc Tày và Nùng. Học xong trung học phổ thông, anh hăng hái tham gia phong trào thanh niên ở quê. Để tạo nguồn cán bộ sau này về xây dựng quê hương, hội đồng nghĩa vụ quân sự xã động viên anh nhập ngũ vào lực lượng BĐBP. Từ tháng 3-1990, Lương Mạnh Vông trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn huấn luyện BĐBP tỉnh Lạng Sơn. Sau thời gian huấn luyện, anh được điều động đi các đồn công tác. Ở vị trí nào, Lương Mạnh Vông cũng nỗ lực phấn đấu, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và dân vận. Năm 1993, sau hơn 3 năm công tác, do có nhiều thành tích và nhận thấy hướng phát triển lâu dài, chiến sĩ biên phòng Lương Mạnh Vông được trên cử đi đào tạo tại Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Tốt nghiệp sĩ quan, theo nguyện vọng, Thiếu úy Lương Mạnh Vông được phân công về công tác tại Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn, rồi anh được biên chế và bổ nhiệm Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ba Sơn. Sau đó, anh thuyên chuyển sang công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Nhận thấy năng lực công tác quần chúng và tuyên truyền, năm 2000, Lương Mạnh Vông được cử đi đào tạo chuyển loại sĩ quan chính trị tại Trường Đại học Biên phòng. Ra trường, trở thành cán bộ chính trị, anh lần lượt được điều động đến công tác tại các đồn biên phòng thuộc tỉnh Lạng Sơn như Chi Lăng, Thanh Lòa...
- Tôi đã quen, gắn bó với cơ sở nên khi về công tác ở cơ quan chính trị, tôi hiểu rõ những khó khăn, vất vả ở cơ sở. Còn nhớ, khi tôi là cán bộ vận động quần chúng ở Đồn Biên phòng Ba Sơn, đồn phụ trách địa bàn biên giới 3 xã Cao Lâu, Xuất Lễ, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc), là những địa phương miền núi, đi lại rất khó khăn. Tháng 2-1996, tôi cùng tổ công tác xuống các bản ở xã Mẫu Sơn, hơn một tháng cùng ăn, ở, làm nương, tuyên truyền cho đồng bào trồng rừng và bảo vệ rừng theo Dự án 327 (nay là Dự án 661). Ban đầu bà con vừa trồng vừa bỏ vì chưa nhìn thấy hiệu quả kinh tế. Bà con khó khăn, chúng tôi nhường khẩu phần ăn đồ hộp, mỡ bơ, mắm kem, mì tôm cho bà con, còn mình ăn khoai, sắn. Với sự kiên trì vận động, hướng dẫn của BĐBP, bà con nghe theo, trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Sau 10 năm rừng cho khai thác, đến nay, mỗi hộ thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm từ rừng. Bà con giờ tin tưởng ở bộ đội lắm, Đại tá Lương Mạnh Vông chia sẻ.
Bám dân, bám bản, bám cơ sở, giúp đỡ chính quyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, bình yên biên giới luôn là phương châm hành động của Đại tá Lương Mạnh Vông. Những kinh nghiệm từ thực tiễn, sự vận dụng sáng tạo giúp anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 6 năm liền (2016-2021), Đại tá Lương Mạnh Vông được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
HƯƠNG HỒNG THU