Chị Phạm Thị Thanh Hương là cháu nội của ông Phạm Phiến (tên khai sinh là Phạm Đình Phiến), người có công lớn trong trận đánh đồn Cẩm Phô ở thị xã Hội An. Chị Hương giới thiệu tôi đến trụ sở UBND phường Cẩm Nam, TP Hội An để tìm hiểu thực địa trận đánh, nơi có Bia ghi dấu chiến thắng đồn Cẩm Phô diễn ra ngày 17-7-1948 mà ông nội chị tham gia. Tôi đọc trên văn bia, thấy ghi về ông “Cai Phiên” nên muốn tìm hiểu. Chị Hương cho biết, ông nội chị là Đồn trưởng đồn Cẩm Phô (quân Pháp và binh lính, người dân ở đây gọi chệch là Cai Phiên), làm nội ứng cho trận đánh này nên khi ta tiến công đồn giành thắng lợi nhanh chóng và không có ai thương vong.

Ông Phạm Phiến sinh năm 1923, quê ở làng Thanh Nam (nay là khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Châu, TP Hội An). Năm 1941, chàng thanh niên Phạm Phiến bị bắt đăng lính khố xanh, phục dịch quân Pháp. Dù làm việc cho địch, song tâm trí anh lính Phạm Phiến luôn đồng cảm với nỗi khổ của nhân dân nên cố gắng không làm hại tới dân. Ở đồn Bảo An Hội An, anh lính Phạm Phiến được các đảng viên Nguyễn Chúc và Võ Cửu, cùng là lính khố xanh, giác ngộ cách mạng. Một mặt Phạm Phiến làm việc, lấy được sự tin cậy của quân Pháp, được giao làm Đồn trưởng đồn Bảo An Hội An, mặt khác, Cai Phiến bí mật cung cấp tình hình cho cơ sở cách mạng, giúp đỡ các tù nhân chính trị, vận động anh em binh lính đi theo cách mạng.

Tháng 8-1942, Chi bộ binh lính khố xanh Hội An thành lập, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Thị ủy Hội An kiêm Bí thư Chi bộ và các đảng viên Nguyễn Chúc, Võ Cửu. Nhờ sự giúp đỡ của Phạm Phiến, Chi bộ lính khố xanh thường xuyên liên lạc với Chi bộ Nhà lao Hội An và Thị ủy Hội An. Năm 1943, Thị ủy Hội An có kế hoạch phát triển Đảng, kết nạp 3 đảng viên mới, trong đó có Phạm Phiến. Song, cơ sở đảng ở thị xã Hội An và trong lính khố xanh bị lộ, một số đảng viên bị địch bắt. Cơ sở cách mạng trong lính khố xanh bị mất liên lạc với bên ngoài, nhưng vẫn tiếp tục liên lạc với Chi bộ Nhà lao Hội An.

Tháng 3-1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Phạm Phiến bị điều đi làm nhiệm vụ ở đồn Tam Kỳ (nay thuộc TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ở đây, Cai Phiến tiếp tục tìm cách bắt liên lạc với Việt Minh. Đến tháng 8-1945, Cai Phiến nhận nhiệm vụ từ Huyện bộ Việt Minh Tam Kỳ chuẩn bị sẵn sàng để khởi nghĩa giành chính quyền. Được tin ta khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở thị xã Hội An ngày 18-8-1945, Cai Phiến lúc ấy đang chỉ huy một trung đội lính khố xanh ở đồn Tam Kỳ, liền liên lạc với Việt Minh. Đêm hôm ấy, Cai Phiến đã mở kho lấy 10 khẩu súng trường, một số thùng lựu đạn giao cho lực lượng khởi nghĩa Tam Kỳ. Hoàn thành khởi nghĩa ở Tam Kỳ, Cai Phiến cho anh em trong đồn rã ngũ, còn bản thân trở về Hội An tham gia hoạt động với tổ chức cách mạng tại đây.

Chị Thanh Hương đưa tôi xem tài liệu của ông Phạm Phiến viết về những ngày này: “Tại Hội An, tôi được tổ chức cơ sở cách mạng do ông Võ Cửu và ông Huỳnh Hàng, Ủy viên Thị ủy Hội An giới thiệu vào lực lượng Giải phóng quân. Tôi được giao làm Trung đội trưởng, đóng quân ở huyện Quế Sơn và luyện tập quân sự. Đến năm 1947, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thị xã Hội An, xây dựng nhiều đồn bốt và tuyển lính làm việc cho Pháp. Do tôi từng làm “Cai” của lính khố xanh nên được Ban Địch vận thị xã Hội An đề nghị Thị đội Hội An cho tôi sung lính ngụy, làm cơ sở nội ứng cho ta. Lúc ấy, tôi đang là quần chúng chuẩn bị kết nạp Đảng nên sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Vào lính ngụy, chúng xem xét tiểu sử và phục chức Đồn trưởng cho tôi, đóng quân ở đồn Cẩm Phô. Đồn Cẩm Phô có khoảng một đại đội, thường xuyên có quan Pháp và lính Pháp đồn trú, có 2 lô cốt được xây dựng kiên cố, 1 lô cốt ở hướng Tây Bắc, 1 lô cốt ở hướng Đông Nam; xung quanh đồn có 3 lớp hàng rào dây thép gai và tường bao đắp bằng những bao cát. Là đồn án ngữ vành đai bảo vệ khu vực nội ô Hội An từ phía Nam và hành lang nối liền giữa hậu cứ của ta với vùng chiếm đóng của địch nên quân Pháp đốc thúc binh lính canh giữ ngày đêm rất cẩn mật. Chúng còn tổ chức đi càn quét, cướp bóc tài sản của dân và cưỡng ép thanh niên đi lính, phục dịch cho chúng.

leftcenterrightdel
 Di ảnh ông Phạm Phiến

Làm cai đồn của quân Pháp, nhưng tôi bí mật liên lạc với Ban Địch vận thị xã, cung cấp các thông tin tình báo cho ta. Công việc hiểm nguy, nếu sơ suất bị lộ, địch sẽ xử bắn ngay. Do đó, tôi phải hoạt động khôn khéo, đồng thời tranh thủ vận động thêm một số lính ngụy bỏ hàng ngũ địch theo ta. Tháng 7-1948, tôi nhận được lệnh làm nội ứng, phối hợp với bộ đội địa phương, biệt động, du kích thị xã Hội An tập kích đồn Cẩm Phô. Nhiệm vụ của tôi là bí mật mở các cửa đồn, vô hiệu hóa các ổ hỏa lực ở các lô cốt, dẫn đường nhanh chóng cho lực lượng của ta chiếm các nhà kho cất chứa vũ khí, đạn dược... Ám hiệu và thời gian tập kích là vào giờ G ngày giữa tháng 7-1948. Có một tình huống đáng chú ý là cùng thời điểm vạch kế hoạch tiến công đồn Cẩm Phô, tôi còn nhận được thư của đồng chí Đàm Quang Trung, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108, Mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng (sau này thuộc chủ lực Liên khu 5). Tôi phải báo cáo ngay với Thị ủy và Thị đội. Để bảo đảm chắc thắng, tôi được giao làm nội ứng phối hợp cả với Trung đoàn 108 và LLVT thị xã Hội An tiến công đồn. Đúng như kế hoạch, 1 giờ ngày 17-7-1948, ta tiến công đồn Cẩm Phô, tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trận đánh diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ, ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ binh lính và thu vũ khí, đạn dược trong đồn, rút lui an toàn, không có ai bị thương vong.

Sáng hôm sau, tin đồn Cẩm Phô thất thủ loan ra khắp thị xã Hội An và các vùng lân cận, khiến cho binh lính các đồn của Pháp trong khu vực hoang mang, lo sợ. Trận tiêu diệt đồn Cẩm Phô là trận đầu tiên phối hợp với nhân mối của ta trong lòng địch ở tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ. Sau trận đánh này, tôi không hoạt động trong lòng địch nữa mà được bố trí ra vùng tự do. Vợ con tôi cũng được cơ sở cách mạng đưa ra khỏi thị xã, đến nơi an toàn, còn được lo chỗ ăn ở chu đáo để tránh sự khủng bố của địch.

Ở vùng tự do ít lâu, tôi được biên chế vào Ban Địch vận của Trung đoàn 108. Thời gian này, tôi còn dẫn một số binh lính ngụy trở về với cách mạng đi đến các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm làm công tác địch vận, sử dụng nội ứng trong đánh đồn bốt địch trên địa bàn”...

leftcenterrightdel

Bia ghi chiến thắng đồn Cẩm Phô tại trụ sở UBND phường Cẩm Nam, TP Hội An. Ảnh: LÊ DŨNG 

Năm 1954, sau khi ký kết Hiệp định Geneva, Phạm Phiến tập kết ra miền Bắc. Ông được học tập chính trị, văn hóa, rồi được phân công làm công tác hành chính sự nghiệp tại UBND thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang), tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1983, ông Phạm Phiến nghỉ hưu khi giữ chức Chánh văn phòng UBND thị xã Bắc Giang. Ông mất năm 2008 tại TP Bắc Giang.

“Cả cuộc đời ông nội tôi phấn đấu và làm tròn nhiệm vụ của mình với cách mạng. Ông đã lập được nhiều chiến công, tiêu biểu nhất là giữ vai trò nội ứng trong trận tiến công đồn Cẩm Phô thắng lợi. Bia ghi dấu chiến công đã ghi công ông. Các ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Bí thư Thị ủy Hội An; Võ Cửu, đảng viên, lão thành cách mạng; Đặng Tiên, Huỳnh Hàng, nguyên Ủy viên Thị ủy Hội An; Nguyễn Hoàn, nguyên Chỉ huy trưởng Thị đội Hội An và các ông Nguyễn Ngọc Chung, Trần Châu, nguyên cán bộ Ban Địch vận thị xã Hội An... là những người hoạt động cùng thời đã viết trong hồi ký và xác nhận quá trình hoạt động cách mạng của ông tôi. Tháng 7-2000, Thị ủy Hội An có giấy xác nhận quá trình hoạt động cách mạng của ông tại Hội An. Qua đó làm rõ hình ảnh cao đẹp, sẵn sàng hy sinh và cống hiến trọn đời cho cách mạng của ông nội tôi, khiến chúng tôi rất tự hào, noi gương phấn đấu để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong công tác”, chị Thanh Hương chia sẻ.

HOÀNG MINH