Đồng lòng chống giặc
Vấn đề được chúng tôi quan tâm trước hết là vũ khí. Chúng tôi tin rằng ý chí chống giặc của nhân dân ta không thể dập tắt được. Có vũ khí trong tay, dù phải mất 10 người để diệt được một tên địch chúng ta vẫn quyết tâm chiến đấu. Đi đôi với sản xuất vũ khí, theo hướng dẫn của cán bộ quân sự, từ giữa tháng 9-1946, các địa phương bắt đầu huy động tự vệ và nhân dân đào hào, đắp ụ tác chiến. Dọc bờ sông, suối đối diện với thành phố Huế-nơi đang có quân đội Pháp, ta đào những giao thông hào kéo dài hàng cây số. Trên ngã ba, ngã tư, các đường lớn, những ụ tác chiến (có lỗ châu mai cho súng trường, súng máy) lần lượt mọc lên.
Công tác chuẩn bị lương thực cho kháng chiến cũng được xúc tiến mạnh mẽ. Nhiều kho dự trữ được bố trí hai bên bờ sông, khi cần có thể dùng thuyền để chở đến nơi tiếp tế cho bộ đội đánh giặc. Khoảng tháng 10-1946, theo chỉ thị của Ủy ban Hành chính Trung Bộ, chúng tôi cử một số cán bộ nghiên cứu thực địa và xác định sử dụng vùng Khe Trái là căn cứ kháng chiến của tỉnh, vùng Hòa Mỹ làm căn cứ thứ hai.
Lúc này, tình hình giữa ta và quân đội Pháp đóng ở Huế cũng như nhiều nơi khác ngày càng căng thẳng. Những vụ va chạm xảy ra hằng ngày, có ngày hai, ba lần. Bên kia biên giới Việt-Lào, quân Pháp theo Đường 9 liên tiếp đánh lui các đơn vị bộ đội Việt-Lào, tiến sát biên giới, uy hiếp vị trí của bộ đội ta ở vùng Lao Bảo. Tình hình rất khẩn trương!
Đầu tháng 12-1946, Xứ ủy Trung Bộ và Quân khu 4 cử đồng chí Trần Quý Hai, một đảng viên đã ở tù với chúng tôi tại Buôn Ma Thuột đến tăng cường cho Tỉnh ủy Thừa Thiên và cử anh Hà Văn Lâu, người đã được học ở một trường sĩ quan của Pháp đến làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân. Được tăng cường thêm nhiều cán bộ, Thường vụ Tỉnh ủy cho thành lập Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thừa Thiên theo quyết định của Trung ương. Đồng chí Hà Văn Lâu làm Chủ tịch Ủy ban, tôi làm Phó chủ tịch, ủy viên là đồng chí Trần Quý Hai và một số cán bộ của Mặt trận Việt Minh. Bộ chỉ huy Mặt trận Huế do đồng chí Hà Văn Lâu làm Chỉ huy trưởng được thành lập ngày 18-12 thì nửa đêm 19-12-1946, bộ đội Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ Thừa Thiên Huế cùng với quân dân cả nước nổ súng kháng chiến chống thực dân Pháp.
|
|
Đồng chí Hoàng Anh (hàng đầu, thứ hai, từ trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo Liên khu 4, giai đoạn 1951-1953. Ảnh tư liệu |
Bấy giờ ở Thừa Thiên Huế có 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân, trong đó 3 tiểu đoàn của Trung đoàn Trần Cao Vân, 1 tiểu đoàn của tỉnh Nghệ An và tiểu đoàn tiếp phòng quân ở Huế. Vũ khí cá nhân phần lớn là các loại súng trường. Trong một tiểu đoàn có số ít tiểu liên, vài khẩu trung liên hoặc đại liên, súng cối. Mỗi đơn vị chỉ non nửa quân số có súng, số còn lại được trang bị lựu đạn, bom 3 càng. Đạn thì rất hiếm. Trung đoàn Trần Cao Vân còn có 1 đại bác dã chiến 75mm. Dân quân tự vệ thì được trang bị gươm, giáo, đại đao tự rèn, một ít lựu đạn do ta sản xuất và thu được của Nhật. Về phía địch, tổng quân số hơn 1.200 tên, vũ khí và trang bị rất đầy đủ, hiện đại. Trong đó có một số xe bọc thép, pháo tự hành, súng phun lửa... Dựa vào quân số đông hơn nhiều so với địch và quân địch đang trong thế bị cô lập, ít có khả năng được tăng viện trong nhiều ngày tới, chúng tôi chủ trương tập trung sức tiêu diệt quân địch ở Huế trước khi địch có quân tiếp viện từ ngoài đến.
Chúng ta rồi sẽ chiến thắng
Nhằm thực hiện chủ trương nói trên, bộ đội và tự vệ của ta đã được bố trí thành thế bao vây địch ở vòng ngoài. Một số đơn vị đã đóng xen kẽ trong khu kiểm soát của chúng. Sau những đợt xung phong, ta đã đánh chiếm nhiều vị trí tiền tiêu của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Bị đánh mạnh, quân địch rút về những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, có nhiều tầng để cố thủ. Sáng 20-12-1946, dựa vào sự yểm hộ của pháo tự hành và xe bọc thép, địch phản kích chiếm lại hầu hết nơi đã mất. Những ngày tiếp theo, cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra theo hướng giằng co. Ta dựa vào quân số đông và tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh của bộ đội, tự vệ. Ban đêm, ta tiến công ào ạt đánh chiếm một số vị trí. Ban ngày, quân địch dựa vào binh khí, kỹ thuật để phản kích lấy lại những nơi đã mất, gây cho ta một số thương vong.
Đêm 24-12, bộ đội và tự vệ của ta được khẩu đại bác 75mm, súng cối và súng phóng bom (dùng súng thần công cổ phóng bom 10kg) yểm hộ đánh chiếm toàn bộ tầng dưới của tòa nhà Morin, dãy nhà Sở Thông tin, Sở Thủy lâm, Sở Công chính và bố trí lực lượng đánh địch phản kích, quyết giữ những nơi đã chiếm được, nhất là dãy nhà sát bờ sông Hương. Lúc 7 giờ ngày 25-12, quân địch được xe thiết giáp và pháo tự hành yểm hộ phản kích dữ dội. Bộ đội và tự vệ của ta lấy những bao gạo từ trong một kho gạo của địch che chắn đã dũng cảm đánh lui nhiều đợt xung phong của địch. Nhưng khoảng 12 giờ trưa, địch dùng súng phun lửa đốt cháy ngôi nhà Sở Công chính là nơi bộ đội ta đánh trả mãnh liệt nhất. Ngôi nhà bốc cháy, quân ta phần lớn hy sinh, một số ít nhảy xuống sông Hương để thoát.
Ở nhiều nơi khác, nhất là khu nhà ga, khu cầu Kho Rèn, Trường kỹ nghệ, chợ An Cựu, ta đã chặn đánh, đẩy lùi nhiều đợt phản kích, phá hỏng một số xe thiết giáp và xe chở lính gây cho địch nhiều thiệt hại. Trong ngày 29-12, bộ đội và tự vệ ở Trường kỹ nghệ đã giành đi giật lại ngôi trường này 3 lần. Cuối cùng, do địch có hỏa lực mạnh, bên ta bom, mìn, lựu đạn đều hết nên đành phải rút lui. Nhiều ngôi nhà trước đây ta làm chủ cũng lần lượt bị địch đánh chiếm.
Cuối tháng 12-1946, một số cán bộ trước kia làm nghề khai thác đá đã tìm gặp chỉ huy Mặt trận Huế, đề nghị dùng thuốc phá đá (dynamit) để đánh sập tường, dù địch ở tầng dưới hay tầng trên cũng không thể chịu được. Theo kinh nghiệm của nghề phá đá, để phát huy tác dụng của thuốc phá đá phải khoan những lỗ sâu vào tường, đặt thuốc vào rồi cho nổ thì tường mới sập. Các tổ công binh chuyên trách khoan tường được tổ chức, lợi dụng đêm tối chia nhau đi khoan tường những ngôi nhà của địch. Nhưng quân ta vừa đụng khoan vào tường, quân địch bên trong nghe tiếng động liền ném lựu đạn và xả súng bắn ra gây cho ta một số thương vong. Kế hoạch đánh địch bằng dynamit đành xếp lại.
Một số cán bộ trước kia đã có chân trong các đội cứu hỏa thì đề nghị dùng bơm chữa cháy bơm xăng vào nhà của địch để đốt. Theo kế hoạch ấy, một bơm cứu hỏa được đặt sát hàng rào Trung Bộ phủ, đang đêm bơm xăng rưới lên nhà Morin. Nhưng nghe tiếng động, quân địch bắn xả vào nơi đặt bơm, xăng bốc cháy. Bộ đội và tự vệ đành phải bỏ bơm xăng đang cháy để rút lui.
Đầu tháng 1-1947, Bộ chỉ huy mặt trận sắp xếp kế hoạch đánh chiếm tầng dưới của nhà Morin và định đưa vào đó một quả bom lớn để cho nổ. Khi quả bom nổ, quân địch cố thủ ở tầng trên và các vị trí gần đó chắc chắn sẽ bị thương và choáng váng. Khi ấy, bộ đội và tự vệ của ta sẽ nhanh chóng xung phong diệt địch, đánh tràn vào các khu nhà khác. Theo đúng kế hoạch, đêm 4-1, ta đánh chiếm tầng dưới tòa nhà Morin và một quả bom 500kg được đưa đến trước thềm nhà. Nhưng do quả bom quá lớn và nặng, lại bị địch bắn rất rát, bộ đội cố gắng hết sức cũng chỉ đưa lên được 3 bậc thềm rồi phải rút lui. Hơn một tuần sau, 2 công binh đã khôn khéo, dũng cảm lắp ngòi nổ và cho nổ quả bom, làm sạt một góc mái nhà. Tuy nhiên, do chuẩn bị chưa kỹ nên kế hoạch xung phong diệt địch nhân lúc chúng bị choáng váng không thực hiện được...
Sau những lần chưa thành công nói trên, kế hoạch tiến công và tiêu diệt địch bị vây trong thành phố Huế rơi dần vào bế tắc. Trong khi đó, quân địch dựa vào binh khí kỹ thuật và hỏa lực mạnh đã chiếm dần những nơi đóng quân của bộ đội ta từ bờ sông Hương đến bờ sông An Cựu. Nhận thấy khả năng tiêu diệt địch trong thành phố Huế không thể thực hiện được, căn cứ vào tương quan lực lượng và hoàn cảnh cụ thể, từ đêm 5-2-1947, ta quyết định rút toàn bộ lực lượng ra ngoài để tiến hành kháng chiến lâu dài.
Anh Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy rút vào vùng trảng cát thuộc địa phận huyện Phong Điền và Quảng Điền. Trên địa bàn này, các anh phân công nhau đi tập hợp, động viên mọi người trở về địa phương bám dân, bám đất để chống giặc. Đoàn của Ủy ban Kháng chiến tỉnh trong đó có tôi, anh Trần Quý Hai, Lê Tự Đồng theo đường rừng lên vùng Khe Trái an toàn. Nhưng để nắm tình hình nơi chúng tôi vừa ra đi, vì là người sinh sống trong vùng, biết rõ địa hình, địa vật và quen biết nhiều người ở đây nên tôi chủ động đề nghị được về lại đồng bằng để tiếp tục xây dựng địa bàn. Các anh tiễn tôi như tiễn một người thân đi xa. Anh Lê Tự Đồng lấy khẩu súng carbin của mình đưa cho tôi để hộ thân. Trên đường đi, chứng kiến cảnh quân địch có máy bay, đại bác yểm trợ, hùng hổ chiếm hết chỗ này đến chỗ khác, nhân dân thì tứ tán lánh nạn, tôi rất lo cho nhiệm vụ trước mắt. Nhưng khi tiếp xúc với bà con, với cán bộ địa phương, tôi thấy rằng cái lo của mình là thừa. Mặc dù địch hung dữ, tàn bạo như thế nhưng lòng tin của nhân dân vào cách mạng vẫn kiên cường, trung trinh, không dễ gì quân thù có thể uy hiếp được. Nhờ thế, chúng ta đã dần dần củng cố được thế trận và đi đến chiến thắng cuối cùng.
Đại tá NGUYỄN BỘI GIONG
(Ghi theo lời kể của đồng chí Hoàng Anh (1912-2016), nguyên Phó thủ tướng Chính phủ)