Đó là chuyến đò bí mật vượt Vĩ tuyến 17. Do không chịu nổi sự truy bức, đe dọa của chính quyền ngụy Sài Gòn lúc đó, người mẹ trẻ đã bí mật đưa 3 con nhỏ ra miền Bắc để chúng tìm cha. Người con út Võ Quang Minh trong lòng thuyền, khi đó chưa đầy 2 tuổi, là người đồng đội mà chúng tôi luôn tự hào mỗi khi nhắc đến.
Võ Quang Minh chào đời trên quê nội Quảng Nam, nhưng lớn lên giữa lòng Hà Nội. Những năm học phổ thông, vì được hưởng vinh dự là “học sinh miền Nam tập kết” nên 5 mùa trung thu liên tục, Võ Quang Minh đều được đi đón Bác Hồ tới Câu lạc bộ Thống Nhất thăm các cháu thiếu niên, nhi đồng. Hình ảnh Bác Hồ “trán cao, mắt sáng như sao” trong những năm 60 của thế kỷ trước đã trở thành kỷ niệm không thể quên trong tâm hồn chàng sĩ quan trinh sát Võ Quang Minh cho đến tận hôm nay.
Năm 1971, đang là sinh viên Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Võ Quang Minh viết đơn tình nguyện lên đường chiến đấu. Con đường vào miền Nam chiến đấu cũng là con đường anh trở về giải phóng quê hương. Dọc đường hành quân không may bị lật khớp cổ chân, không đi nổi, để khỏi làm chậm bước tiến quân của đơn vị, anh xin phép ở lại một vài ngày để chữa trị rồi sẽ đuổi theo đơn vị.
Anh được giao lại cho địa phương và ở trọ trong một gia đình liệt sĩ. Ông bà có 2 con trai là bộ đội, 1 người đã hy sinh, 1 người chưa có tin tức báo về. Khi chân đã tạm ổn, anh tiếp tục lên đường hành quân và may mắn đi nhờ được một đơn vị xe kéo pháo nên nhanh chóng tìm được đơn vị.
Một thời gian sau, bằng sự nỗ lực phấn đấu, anh được kết nạp Đảng. Nơi người đảng viên trẻ Võ Quang Minh nắm tay tuyên thệ trước cờ có lẽ cũng không xa bến đỗ con thuyền mà mẹ con anh vượt sông năm xưa.
|
|
Đồng chí Võ Quang Minh tại Quảng Trị, năm 1972. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Trong các cuộc chiến đấu chốt giữ Thành cổ Quảng Trị của Sư đoàn 325, Võ Quang Minh nổi tiếng là một lính trinh sát pháo binh dũng cảm, tài ba. Đồng đội ở Tiểu đoàn pháo mặt đất ca ngợi anh như một nhân vật huyền thoại về trí nhớ. Anh tính toán tọa độ bắn, định vị tầm hướng pháo cho pháo thủ chỉ sau 1/4 giây, vì theo lời mọi người truyền tụng, anh đã “thuộc lòng cả quyển logarit thập phân”. Tiểu đoàn trưởng có lần rất thật thà hỏi anh về việc đó, anh chỉ cười trả lời: “... Anh em pháo thủ quý em thì nói thế, chứ em có phải là robot đâu. Đánh nhiều nên em nhớ các phần tử bắn hay lặp lại, có cố cũng chỉ nhớ được dăm chục phần tử thôi thủ trưởng ạ”.
Làm trinh sát, đưa đài luồn sâu vào lòng địch, điều ấm ức với Võ Quang Minh là chỉ được phép trốn địch chứ không được nổ súng đánh địch. Tuy vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trên đường vào giải phóng Huế - Đà Nẵng, khi phụ trách đài luồn sâu, không ít lần anh đã tự quyết định hoãn bắn vì thấy quân địch khi đó chỉ là những người lính tay không vũ khí, đang định tháo chạy hoặc co cụm chờ đầu hàng Quân giải phóng.
Đất nước thống nhất, anh được hưởng niềm vui hội ngộ với họ hàng nội ngoại mất liên lạc đã lâu do chiến tranh loạn lạc. Chưa kịp viết đơn xin phục viên để về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội học tiếp thì anh nhận lệnh xuống tàu ra Côn Đảo xây dựng trung đoàn phòng thủ biển. Trên hòn đảo lịch sử, khô khan mỗi mùa gió chướng này, Trợ lý Trinh sát Võ Quang Minh đã góp phần xây dựng kế hoạch tác chiến, tính toán các phần tử bắn áp dụng cho pháo cao xạ và pháo mặt đất hạ tà âm, bắn mục tiêu di động trên biển. Anh cũng được tiếng là người có tài làm công tác “dân vận đặc biệt”.
Đó là sử dụng lao động trong các trại tù thường phạm. Lòng vị tha, nhân ái và đức tính khiêm tốn, giản dị của người lính Cụ Hồ đã giúp anh cảm hóa, giáo dục hàng chục người tù. Theo lời kể của anh, họ là “những người cao to, vạm vỡ gấp đôi mình, nhưng khi hung dữ, khi lầm lì, tính khí thất thường”. Sau một thời gian làm việc với anh, họ đã trở thành những người tốt bụng, biết yêu thương, cảm phục các anh Bộ đội Cụ Hồ.
Ở lâu trên đảo, nỗi khao khát được học tập trong anh trỗi dậy. Anh nhờ đất liền gửi ra đảo một số giáo trình đại học để tự học. Chỉ sau mấy tháng, thật không ngờ, việc tự học của anh đã “châm lửa” cho phong trào lính đảo tự học. Không có điện, sau mỗi ca trực chiến, tiểu đoàn pháo của anh lại xuất hiện những lớp học bổ túc dưới ánh đèn dầu. Chàng sĩ quan trinh sát Võ Quang Minh rất vui vẻ trở thành giáo viên dạy hai môn Toán, Lý.
Phát hiện ra “tài sản quý”, Bộ tư lệnh Hải quân đề nghị Trung đoàn Phòng thủ Côn Đảo cử anh ra Hải Phòng học ngành đóng tàu. Chia tay Trung đoàn, anh tặng lại cuốn “Cẩm nang pháo binh”, là cuốn sổ anh ghi chép, tích lũy kinh nghiệm chiến đấu và kỹ thuật, chiến thuật pháo mặt đất. Nhớ ngày lên đường vào miền Nam, chàng lính trẻ Võ Quang Minh chỉ nặng 45kg. Sau giải phóng, anh dần dần tăng được chục cân. Ra đảo mấy năm, anh lại gầy gò, trở về trọng lượng ngày nhập ngũ.
Rất may mắn, khi về đất liền chuẩn bị đi học đóng tàu, anh lại được cử đi du học tại Bulgaria. 5 năm học tập ở nước bạn, anh không để mai một danh tiếng của một sinh viên Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Không chỉ liên tục đứng trong tốp sinh viên xuất sắc nhất trường đại học xây dựng quân sự mang tên Blagoi Ivanov, anh còn đoạt giải Toán học trong các cuộc thi sinh viên toàn quốc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng.
|
|
Trung tá, cựu chiến binh Võ Quang Minh (ngoài cùng, bên trái) trong một lần gặp mặt các sinh viên - chiến sĩ năm xưa. Ảnh: MẠC YÊN |
Về nước với tấm bằng loại giỏi, kỹ sư Võ Quang Minh không về Quân chủng Hải quân mà được trưng dụng vào công tác tại Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần). Sau 10 năm quân ngũ, đây là lúc anh bắt đầu được hưởng hạnh phúc của người lính không phải ngủ hầm, được sống trong doanh trại và hơn nữa là được thiết kế xây dựng những đại bản doanh cho đồng đội. Sau khi chuyển về Cục Doanh trại công tác ít năm, anh được thăng quân hàm Trung tá. Con đường binh nghiệp của chàng sĩ quan trinh sát pháo binh năm xưa ngày một thênh thang, rộng mở.
Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ nền kinh tế đất nước bước vào giai đoạn phát triển bứt phá, trong đó có ngành kinh tế hàng không. Biết năng lực của Trung tá, kỹ sư xây dựng Võ Quang Minh, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã gửi công văn tới Bộ Quốc phòng. Võ Quang Minh cảm thấy mình đột nhiên đứng trước một bài toán khó. Đó là một bài toán cuộc đời, không cần tới bảng logarit pháo binh nhưng vô cùng nan giải. Đang đắn đo lựa chọn, anh được một thủ trưởng cấp trên khuyên nhủ: “Cần quyết đoán như khi lâm trận. Đây là lúc cần sự cống hiến của anh để góp phần phát triển ngành xây dựng hàng không...”.
Năm 1995, anh chính thức chuyển ngành, sang công tác tại Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. 20 năm trước, trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn, đã nhiều lần anh gọi pháo bắn vào các sân bay Nước Mặn, Chu Lai, Phú Bài. 20 năm sau, anh lại cặm cụi thiết kế, nâng cấp các nhà ga và sân bay dân dụng. Các sân bay (dự án sân bay): Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn, Kon Tum, An Giang đều mang dấu ấn trí tuệ và mồ hôi của chàng sĩ quan trinh sát. Trọng trách cao nhất của anh suốt 5 năm trước khi nghỉ hưu là Trưởng ban Quản lý các dự án nhà nước của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
Cho tới những ngày này, chúng tôi-những người đồng ngũ, đồng môn với anh - vẫn gặp nhau mỗi dịp kỷ niệm ngày nhập ngũ hoặc Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Võ Quang Minh được xếp vào số những sinh viên nhập ngũ có tuổi quân nhiều nhất. Anh cũng được coi là chàng trai Hà Nội thành đạt trên cả hai mặt trận quân sự và dân sự, cả thời chiến tranh và xây dựng hòa bình.
Tuổi đã ngoài 70 nhưng khuôn mặt Trung tá Võ Quang Minh mỗi ngày như càng thêm thanh thản, trẻ trung hơn. Giải thích về sự hồi xuân đó, có người nói nửa đùa mà như thật: Võ Quang Minh trẻ khỏe là vì tuổi thiếu niên đã có 5 lần được ăn kẹo của Bác Hồ.
PHẠM THÀNH HƯNG