Đầu năm 1988, do yêu cầu phát triển của Bộ đội Không quân, cấp trên đã lựa chọn một số cán bộ, phi công, nhân viên kỹ thuật ở Trung đoàn 923, thuộc Sư đoàn Không quân 372 đi học tập, chuyển loại sử dụng máy bay Su-22M4 ở Liên Xô. Sau một thời gian học tập bên nước bạn và làm công tác chuẩn bị ở trong nước, đơn vị đã sẵn sàng đón nhận máy bay, cũng như hệ thống trang thiết bị mới. Giữa tháng 11-1988, những tốp cán bộ, phi công, chỉ huy tham mưu, kỹ sư và nhân viên các chuyên ngành kỹ thuật hàng không, các thành phần bảo đảm khác... lần lượt đến sân bay Thành Sơn để khôi phục lại phiên hiệu Trung đoàn Không quân 937.

Đúng ngày 25-11-1988, Trung đoàn trưởng Âu Văn Hùng trịnh trọng đọc quyết định của Bộ Quốc phòng và diễn văn khôi phục lại phiên hiệu đơn vị. Thế là sau một thời gian giải thể do yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn 937 lại tiếp tục nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ bầu trời và vùng biển, đảo miền Trung của Tổ quốc.

Những ngày đầu đến với sân bay Thành Sơn, bao nhiêu khó khăn, vất vả chất chồng lên vai người chiến sĩ. Doanh trại hầu hết đã xuống cấp. Nước sạch thiếu trầm trọng, cả đơn vị phải ăn uống, sinh hoạt bằng nguồn nước gần như chưa được xử lý từ làng Chăm Đắc Nhơn (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) chảy qua vành đai sân bay. Đời sống của bộ đội luôn phải đối mặt với những thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Đã thế, khí hậu ở Phan Rang-Tháp Chàm rất khắc nghiệt. Khắc nghiệt đến nỗi nó được mệnh danh là nơi “thừa nắng, vắng mưa”; “nắng như rang, gió như phang”. Có lẽ ít ai hiểu cái nắng, cái gió của Phan Rang bằng các chiến sĩ của Trung đoàn 937.

Huấn luyện bay, phục vụ bay trong cái nóng đường băng hầm hập, cao hơn cả chục độ C so với nhiệt độ thực tế trong vùng, người lính như bơi trong “lò bát quái”. Chính vì thế, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không quân từng làm việc ở sân bay Thành Sơn mới truyền miệng nhau rằng: “Phan Rang, Phù Cát đã từng/ Thọ Xuân, Yên Bái xin đừng dọa nhau”. Có nghĩa là, ai đã sống và làm việc ở sân bay Thành Sơn hay Phù Cát (Bình Định) thì có về sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) hay sân bay Yên Bái cũng chẳng vấn đề gì.

leftcenterrightdel

 Phi đội Quyết thắng (từ trái qua: Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Trần Văn On, Hán Văn Quảng) trở lại

sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), năm 2005. Ảnh: PHÚ HƯNG

Còn nhớ chuyến bay biên đội ra quần đảo Trường Sa của hai phi công những ngày cuối năm Kỷ Tỵ 1989. Hôm ấy, phi công Võ Văn Tuấn (sau này là Thượng tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) và phi công Hồ Kim Tuấn được lệnh thực hiện chuyến bay nhiệm vụ ra đảo xa trong điều kiện khí tượng không thuận lợi. Đường bay phải xuyên qua những đám mây dày nhưng Võ Văn Tuấn bay số 1 vẫn tự nhủ: “Phải bay bằng được đến đảo xa để hoàn thành nhiệm vụ và gửi lời chúc Tết đồng đội”. Phía sau, Hồ Kim Tuấn bay số 2 vẫn kiên trì bám theo.

Võ Văn Tuấn nói qua đối không: “Nếu số 2 thấy khí tượng phức tạp quá, cứ quay trở về căn cứ để mình tôi làm nhiệm vụ”. Kim Tuấn trả lời chắc nịch: “Tôi vẫn bám tốt”. Khi nhìn thấy dải đất nổi hình tam giác dưới cánh bay, hai phi công nhận ra đó là đảo Trường Sa Lớn, đã lượn một vòng tròn quanh đảo rồi hạ thấp độ cao. Liên lạc được với đảo qua đối không, phi công Võ Văn Tuấn xúc động: “Chúng tôi, những chiến sĩ không quân xin gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa lời chúc mừng năm mới sức khỏe, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Dưới mặt đảo, sĩ quan dẫn đường bay và anh em hải quân cũng cảm xúc không kém: “Xin cảm ơn các anh, những cánh bay quyết thắng. Các anh cho chúng tôi gửi lời chúc mừng năm mới đến đất liền nhé”. Thay cho câu trả lời, hai chiếc máy bay hạ thấp thêm độ cao, nghiêng cánh chào đồng đội...

Sau khi rời Trung đoàn 937 về công tác tại Phòng Chính trị Sư đoàn Không quân 370 và chuyển sang làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tôi nhiều lần được trở lại thăm đơn vị cũ. Mỗi lần trở lại Thành Sơn là một lần trở về trong trào dâng tình đồng đội. Người ta thường nói, nơi nào gian nan, vất vả thì nơi ấy luôn đầy ắp nghĩa tình. Quả đúng như vậy, ở sân bay Thành Sơn, dẫu cái nắng, cái gió có gắt gao, khắc nghiệt bao nhiêu, đời sống có khó khăn, vất vả đến cỡ nào thì vẫn luôn tràn ngập tình đồng chí, đồng đội.

Ấn tượng sâu đậm là cuối tháng 4-2005, tôi được về sân bay Thành Sơn đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Phi đội Quyết thắng xuất kích đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất. Thật may mắn khi dịp ấy tôi được gặp lại hầu hết phi công của phi đội. Đó là các phi công: Nguyễn Văn Lục (Phi đội trưởng), Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Trần Văn On, chỉ thiếu vắng phi công Hoàng Mai Vượng đã hy sinh trong một lần thực hiện nhiệm vụ. Các ông như những người đi xa nay trở lại căn nhà xưa của mình.

Đi trên sân đậu và đường băng rực rỡ nắng vàng, các phi công nhớ như in thời khắc cất cánh vào đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất và trở về hạ cánh an toàn trong niềm vui mừng của đồng chí, đồng đội. Đại tá Nguyễn Văn Lục tâm đắc: “Chỉ sau 5 ngày vừa học lý thuyết và thực hành bay, chúng tôi đã điều khiển được máy bay A-37 để đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất. Trong lịch sử của ngành hàng không, chắc khó có những trường hợp tương tự. 10 giờ ngày 28-4-1975, chúng tôi cơ động từ sân bay Phù Cát vào sân bay Thành Sơn. 16 giờ 17 phút, anh em cất cánh từ sân bay Thành Sơn đi đánh sân bay Tân Sơn Nhất, đến 18 giờ 15 phút thì trở về căn cứ.

Đó là những dấu mốc chúng tôi không bao giờ quên”. Đại tá Hán Văn Quảng đi cùng, chỉ tay ra phía trước sân đậu: “Kia là nơi tập kết A-37. Sau khi cất cánh, chúng tôi bay dưới mây (độ cao gần 500m) trong điều kiện thời tiết xấu. Bay thế tốn dầu hơn nhưng bí mật, bất ngờ, không bị địch phát hiện”. Đi lại khoan thai, nói năng điềm tĩnh là phi công Từ Đễ. Sau khi nghe đồng đội cũ kể chuyện, ông gật gù với mọi người: “Điều tôi tâm đắc nhất trong trận đánh này là ý đồ tác chiến của trên khi chỉ thị chỉ đánh vào khu vực máy bay địch, không đánh hỏng đường cất, hạ cánh. Như thế ta sẽ tiêu hao được vũ khí, khí tài chiến đấu của địch, đồng thời cũng chừa đường lui cho chúng”.

Ít nói nhất có lẽ là phi công Trần Văn On và phi công Nguyễn Thành Trung. Các ông hầu như chỉ nhìn cảnh quan để nhớ lại ký ức năm xưa và chụp hình lưu niệm. Khi được hỏi điều khiến các ông còn nhớ nhất đến bây giờ, phi công Nguyễn Thành Trung mới nói chậm rãi: “Trận đánh phải rất bí mật. Khi bay, chúng tôi không có dẫn đường, không được liên lạc bằng vô tuyến. Chiến công khiến mọi người vô cùng hạnh phúc”. Còn phi công Trần Văn On thì nhỏ nhẹ: “Mọi tính toán cho trận đánh đều rất chuẩn xác. Khi về hạ cánh hầu như các máy bay đã sắp cạn dầu...”. Kể từ đó đến nay, cứ vào dịp tháng 4 hằng năm, Phi đội Quyết thắng lại trở về Thành Sơn để ôn lại những ngày tháng lịch sử và truyền cảm hứng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ở Trung đoàn 937 anh hùng.

Cuối tháng 11, đường băng sân bay Thành Sơn như dài rộng hơn, bầu trời cũng như thênh thang, trong xanh hơn. Kể từ ngày được khôi phục lại phiên hiệu, rất nhiều thế hệ cán bộ, chỉ huy của đơn vị như các đồng chí: Âu Văn Hùng, Vũ Kim Điến, Nguyễn Hùng Sơn, Võ Văn Tuấn, Nguyễn Kim Cách, Lê Văn Phương, Lâm Quang Đại... cho đến các đồng chí Kiều Việt Anh, Lê Đình Sơn bây giờ đã cùng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ xây dựng nên vóc dáng Trung đoàn 937 oai hùng như hôm nay.

35 năm qua, nhiều cán bộ của đơn vị đã phấn đấu trở thành những tướng lĩnh, giữ nhiều trọng trách trong Quân đội như: Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Trung tướng Nguyễn Kim Cách, Trung tướng Lâm Quang Đại, Thiếu tướng Lê Văn Phương, Thiếu tướng Bùi Đức Thành, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn... Hôm nay và mai sau, Trung đoàn Không quân 937 anh hùng sẽ mãi xứng đáng là những cánh bay “Quyết thắng” bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo miền Trung thương yêu của Tổ quốc.

LÊ PHI HÙNG