“Có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”
Tiểu đoàn Vận tải 232, Cục Hậu cần (Quân khu 5) thành lập ngày 8-3-1968, do đồng chí Phạm Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng, gồm hơn 600 cô gái tuổi khoảng hai mươi, làm nhiệm vụ vận tải trên tuyến đường Trường Sơn. Mỗi lần gặp nhau ôn lại ký ức “thời hoa lửa”, các cựu nữ quân nhân lại nhắc mãi câu nói mặc định trong lòng: “Có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”. Đó cũng là mệnh lệnh, là tình cảm xuất phát từ chính trái tim người chiến sĩ hậu cần Khu 5. “Ngày ấy, chúng tôi vừa chuyên chở vũ khí, đạn dược, thuốc men ra chiến trường, vừa gùi cõng thương binh về tuyến sau. Mọi người luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ người và vũ khí, trang bị. Cùng với đó, chúng tôi còn đảm nhiệm xuống đồng bằng chuyển gạo, tiền, thuốc chữa bệnh, muối, mở đường, dựng nhà, làm kho chứa hàng, sản xuất chăn nuôi tại chỗ. Vượt lên bom đạn, hiểm nguy, chúng tôi luôn đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, nguyên Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao nhớ lại.
Trong ký ức của Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao, dấu chân đơn vị đã in khắp vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đường 9-Nam Lào, từ dốc Lò Xo đến Hòn Kẽm, Đá Dừng, đèo Le, đèo Phượng Tổng... Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thị Thao kể: “Hằng ngày, chúng tôi luồn rừng, băng đèo, lội suối, dưới những cơn mưa tầm tã hay cái nắng cháy da, cái rét cắt thịt đã tôi luyện cho các nữ quân nhân nghị lực kiên cường. Thời kỳ đầu, chỉ tiêu trên giao mỗi người 40kg/chuyến, chị em thi đua tăng lên 60-70kg, những chuyến hàng cao điểm phục vụ các chiến dịch, phấn đấu mỗi người đạt 100kg/chuyến. Cán bộ tiểu đoàn, đại đội luôn gương mẫu đi đầu trong công tác. Ngoài việc động viên nhau, các chị đã lập thêm cung trạm tăng chuyến, tăng bo hàng, tăng thời gian, hỗ trợ nhau khi vượt đèo cao, suối sâu...”.
    |
 |
Thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 5 tặng hoa Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Huấn. |
Khi nhắc tới những năm tháng ở rừng Trường Sơn, chị Phạm Thị Sen, nguyên Đại đội phó Đại đội 1 xúc động: “Chúng mình đều con nhà lao động, đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, đi cắt tranh, gùi hàng, bạt ta-luy mở đường... việc gì cũng phăm phăm. Hiềm một nỗi, phải xa nhà, xa quê, nỗi nhớ người thân luôn cồn cào, quặn thắt, đôi khi đêm về lại lén khóc thầm. Khơi dậy niềm lạc quan, yêu đời, Ban chỉ huy tiểu đoàn và các đại đội dành tâm huyết sưu tầm những ca khúc cách mạng: “Cô gái mở đường”, “Nổi lửa lên em”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Tiếng đàn ta lư”... Lúc đầu phân công người hát, sau rồi cả đơn vị đều thuộc lòng, hát theo. Đi đâu chúng tôi cũng hát, hát trên đường hành quân, những đêm sinh hoạt đơn vị, hát cả sau những cơn sốt rừng tê tái hay hát cho thương binh nghe... Chính nhờ đó mà hàng được vận chuyển liên tục, năng suất cứ tăng lên”.
Rồi chị Phạm Thị Sen đọc: “Bom thù, mưa giội, đường trơn/ Hàng em vẫn xẻ Trường Sơn đi về”... Hình ảnh những cô gái trẻ măng cùng chiếc gùi cao hơn đầu, người lúc nào cũng phải khom xuống vì hàng nặng sau lưng còn đọng lại mãi trong ký ức của đồng đội và nhân dân thuở ấy. Với các khẩu ngữ “Đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên 1 tạ” hay “Không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”... đơn vị đã dệt nên bao huyền thoại, mãi bất tử cùng những chiến công trên các cung đường Trường Sơn máu lửa. Kẻ thù đã cướp đi thanh xuân của các chị, 58 người con gái tuổi đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại. Nhiều chị là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, một số chị đã mất sau ngày hòa bình vì di chứng chiến tranh... Các chị đã để lại tiếng thơm cho Tiểu đoàn “Vai trăm cân, chân vạn dặm”. Tháng 10-1972, Tiểu đoàn 232 giải thể. Trong 4 năm công tác (1968-1972), tiểu đoàn đã vận chuyển hơn 5.000 tấn hàng ra chiến trường...”.
Lòng quyết tâm cao hơn núi
Làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa chiến lược, phục vụ theo yêu cầu các chiến dịch, vì vậy, nơi ở của tiểu đoàn rất dã chiến, thường xuyên thay đổi. Lán trại do chị em dựng lấy, mái che bằng lá, trụ là những thân cây chặt ngọn, nền rải lớp lá mây, trên trải tấm nilon bạc màu, mùa hè nhớp nháp mồ hôi, mùa đông ẩm ướt nước mưa. Những lúc nghỉ chân qua đêm trên đường di chuyển đến địa điểm mới, mỗi người tự chuẩn bị chỗ ngủ cho mình. Chỗ ngả lưng là chiếc võng mắc qua hai thân cây, bên trên phủ tấm nilon mỏng không đủ sức che chắn sương đêm.
Chị Nguyễn Thị Huấn, Chính trị viên phó Đại đội 2, người từng là nữ kiện tướng gùi hàng “chân đồng vai sắt” của tiểu đoàn, bộc bạch: “Những năm tháng ấy, dù người nào cũng thường trực chất trên vai các loại vũ khí, những bao gạo nặng trĩu để vận chuyển ra tiền tuyến nhưng không ai nề hà. Đời sống vất vả, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, chị em thường phải ăn sắn, củ nưa, củ mài, môn thục, rau dớn, cây móc... Chị em còn tăng gia sản xuất, phát nương làm rẫy, trồng ra khoai, sắn, ngô, lúa để tiếp tục chiến đấu. Bước vào đợt vận chuyển cao điểm, cấp trên bồi dưỡng cho mỗi người nửa lon gạo một ngày, mà chỉ được tối đa 10 ngày. Nhưng số gạo này chị em thống nhất giữ lại để nấu cháo cho những người bị ốm đau và các thương binh từ chiến trường chuyển ra”.
    |
 |
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Huấn (ngoài cùng, bên phải) kể chuyện truyền thống cho các nữ quân nhân Cục Chính trị Quân khu 5. |
Tiếp lời chị Nguyễn Thị Huấn, chị Lê Thị Cúc, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2 kể: “Muối là mặt hàng chiến lược rất khan hiếm, mỗi người một tháng chỉ được cấp nửa lon. Có lúc 6 tháng liền, tiểu đoàn không có muối ăn, phải thay bằng tro tranh, nhưng cũng phải hết sức tiết kiệm, dè sẻn. Về mặc lại càng khó khăn: Mỗi người một năm tiêu chuẩn chỉ được hai bộ quần áo vải tám. Mùa mưa đi gùi hàng, tấm nilon che người dành ưu tiên che hàng nên quần áo luôn ướt sũng, đêm đến phải tranh thủ giặt bằng nước tro chứ không có xà phòng, rồi đốt củi sấy, hong để kịp khô cho chuyến hàng hôm sau. Trên đường hành quân, có chị bị cơn sốt rét hành hạ, cháo, cơm không ăn được; có chị bị bệnh phụ nữ kéo dài, da dẻ tím tái nhưng nhất quyết không để đồng đội gùi giùm hàng, vẫn bám theo đơn vị, cõng đủ số hàng đảm nhận. Khi vận chuyển thương binh, có anh cao lớn, nặng hơn nhiều so với vóc dáng nhỏ nhắn của các chị, thậm chí có người do vết thương không thể khiêng đi được, nhưng các chị đã vượt qua cả nỗi khó khăn và sự e lệ, thẹn thùng, thay nhau dìu, cõng, đưa thương binh vượt đèo, lội suối về tuyến sau an toàn. Nhớ lại ngày ấy, chúng tôi càng thấm thía câu hát: “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi”.
Giữa đạn bom ác liệt, các nữ quân nhân luôn đồng cam cộng khổ, san sẻ từng viên thuốc, cọng rau, thìa cháo. Giỏi giang, tháo vát như vậy nên nơi nào có đơn vị khó hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển thì trên lại đưa Tiểu đoàn Vận tải 232 đến, bố trí vận chuyển xen kẽ. Bất chấp mọi điều kiện địa hình, thời tiết, cung đường, thời gian, bất kể vận chuyển thường xuyên hay đột xuất, cao điểm, khi được cấp trên giao, cả tiểu đoàn đều nêu cao quyết tâm thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu suất cao. Sự gương mẫu của chị em đã tiếp thêm sức mạnh, thổi bùng ý chí chiến đấu, giúp các đơn vị bạn chiến thắng trở ngại, vững bước tiến lên.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, Tiểu đoàn Vận tải 232 đã được Cục Hậu cần tặng danh hiệu “Kiện tướng hành lang, gương mẫu, đảm đang, chân đồng vai sắt”. Năm 2010, tập thể đơn vị và Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao, Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Thị Huấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Bài và ảnh: NGỌC DIỆP