Sau hồi kèn báo thức buổi sáng, tôi theo thói quen dậy và đi bộ, cũng là để tham quan đơn vị. Ngủ qua đêm ở Trại tạm giam T771 nơi rừng núi, biệt lập với khu dân cư, không khí thoáng đãng, nên dù đang mùa hè nơi “nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”, tôi vẫn cảm thấy dễ chịu. Qua một hai con dốc đã được cải tạo thành bậc lên xuống, tôi gặp Đại tá Phạm Văn Huấn, Giám thị Trại tạm giam T771. Nhìn anh trong bộ quân phục dã chiến gọn gàng, tôi hỏi: “Mới sáng sớm mà Giám thị mang mặc như đi diễn tập vậy?”. Anh Huấn trả lời: “Tôi vừa đi một vòng kiểm tra đơn vị, các vọng gác và khu giam giữ phạm nhân đó anh. Công việc của cán bộ, nhân viên quản giáo, nhất là cán bộ chủ chốt đâu có được ngủ trọn giấc. Hằng đêm cán bộ thay phiên đi kiểm tra hai đến ba lần”...

Bấy giờ tôi mới nhớ đến tính đặc thù của đơn vị. Trại tạm giam T771 thành lập ngày 19-2-1947, là một trong những đơn vị đầu tiên của ngành điều tra hình sự Quân đội, trước đây gọi là Công an quân pháp theo Sắc lệnh số 258/SL, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 19-11-1948. Hiện nay, Trại tạm giam T771 làm nhiệm vụ tiếp nhận, giam giữ can phạm phục vụ điều tra, truy tố, xét xử và tiếp nhận, quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân thi hành án tù. Tháng 12-2021, trước yêu cầu nhiệm vụ của ngành điều tra hình sự Quân đội trong tình hình mới, Trại tạm giam T75 được sáp nhập thành Phân trại của Trại tạm giam T771.

Nhiệm vụ và đối tượng quản lý của Trại từ đó mở rộng, phát triển đa dạng, đồng nghĩa với việc cán bộ, nhân viên quản giáo, chiến sĩ đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp, cần phải nỗ lực, phấn đấu cao hơn. “Phạm vi đóng quân rộng, đơn vị phân tán, nhiều điểm đóng quân ở xa, địa hình phức tạp, có cả trung du, miền núi và trung tâm thành phố Hà Nội, trong khi đời sống của cán bộ giám thị, quản giáo và nhân viên gặp nhiều khó khăn; đơn vị không có ngày nghỉ do phải làm nhiệm vụ liên tục, canh gác ngày đêm... Những yếu tố trên khiến Đảng ủy và Ban chỉ huy trại phải trăn trở, tìm các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, phù hợp, nhằm xây dựng bản lĩnh chính trị của bộ đội vững vàng, yên tâm công tác, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao”, Đại tá Phạm Văn Huấn cho biết.

leftcenterrightdel
 Đại tá Phạm Văn Huấn (bên trái) trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: THÁI OANH

- Cơ sở trại này rộng 73ha, đó là một trong những thế mạnh để tôi bàn với Đảng ủy, Ban chỉ huy tổ chức tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ - Đại tá Phạm Văn Huấn tiếp tục câu chuyện. Trước đây, trại đã chú trọng lao động, tăng gia sản xuất, cải tạo đất, cạp ao thả cá, chứa nước để phục vụ việc trồng lúa, tự túc lương thực, thực phẩm. Nhưng do điều kiện kinh phí đầu tư hạn hẹp nên quy hoạch còn manh mún, hệ thống chuồng trại phân tán, có chỗ tạm bợ. Tôi đề nghị trên cho quy hoạch tổng thể, đầu tư trọng điểm và cùng Đảng ủy thống nhất bàn bạc, ra nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo nhiệm vụ tăng gia sản xuất giỏi, quản lý tài chính tốt.

Trại tập trung phát triển tăng gia sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh và đa dạng sản phẩm; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, “khép kín” từ sản xuất giống đến phát triển đàn gia súc, gia cầm... Sau hơn một năm thực hiện nghị quyết, từ tháng 5-2022 đến nay, đơn vị đã có sự chuyển biến rõ rệt, các khu tăng gia sản xuất được quy hoạch hợp lý; đầu tư xây dựng cơ bản và cải tạo chuồng trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại; năng suất lao động và sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, không chỉ bảo đảm nâng cao đời sống bộ đội, trích một phần hỗ trợ bữa ăn của phạm nhân, mà còn cung cấp ra thị trường.

Lao động là một trong những phương thức tốt nhất để giáo dục, cải tạo phạm nhân, những người lầm lỗi. Đại tá Phạm Văn Huấn đã vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học khi được đào tạo ở các nhà trường và kinh nghiệm công tác ở đơn vị cơ sở trong ngành điều tra hình sự Quân đội để quản lý, giáo dục phạm nhân. Năm 2014, anh được điều động về Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, bổ nhiệm Phó giám thị Trại tạm giam T771. Đến năm 2016, anh chuyển sang làm Phó giám thị Trại giam Quân sự khu vực miền Bắc và năm 2020, anh được bổ nhiệm Giám thị Trại tạm giam T771.

Anh chia sẻ với tôi: “Đối với cán bộ giám thị, quản giáo, cần phải tìm hiểu, biết rõ về phạm nhân, từ hoàn cảnh gia đình, trình độ, công việc, những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội... Quá trình quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, đối với cán bộ giám thị, quản giáo trước hết phải rèn luyện bản thân, là gương sáng, hình mẫu để cảm hóa người lầm lỗi, đồng thời luôn thấu hiểu, chia sẻ, động viên họ.

Ở Trại tạm giam T771, tôi cùng với Đảng ủy, Ban chỉ huy trại quan tâm, chỉ đạo, phát huy trí tuệ tập thể trong xây dựng đơn vị và thực hiện nhiệm vụ. Ngay trong tổ chức lao động, tăng gia sản xuất, xây dựng khuôn viên vườn hoa, cây cảnh, tôi cũng lấy ý kiến cán bộ, quản giáo, nhân viên và cả phạm nhân, từ đó tìm biện pháp tốt nhất để thực hiện phù hợp với điều kiện đơn vị. Tôi cho thành lập các đội tự quản, tổ lao động, khai thác điểm mạnh của từng phạm nhân, dựa trên trình độ, nhận thức của họ để sắp xếp công việc lao động, biện pháp giáo dục, cải tạo phù hợp. Các phạm nhân tích cực hay chậm tiến bộ được phân loại, bố trí ở từng buồng giam phù hợp để có sự hỗ trợ, giúp nhau cải tạo tốt. Những phạm nhân tích cực, cải tạo tốt được bố trí làm tổ trưởng lao động, đội trưởng đội tự quản.

Bên cạnh đó, tôi phát động trong phạm nhân tinh thần “lá lành đùm lá rách”, như trường hợp phạm nhân Thào Chừ Dơ, người dân tộc Mông, phạm tội về ma túy, án tù giam hơn 10 năm. Vào trại, Thào Chừ Dơ không có người thân đến thăm nom, các phạm nhân đã tự nguyện góp quà của gia đình khi đến thăm nom để tặng Thào Chừ Dơ. Ngày lễ, tết, trại cũng trích một phần quà để động viên những trường hợp như Thào Chừ Dơ... Qua đó, các phạm nhân thấy được trách nhiệm của mình, tự giác cải tạo để sớm được giảm án, tha tù, trở về hòa nhập cộng đồng.

Những biện pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân cương quyết, song hợp tình, hợp lý và rất nhân văn mà Giám thị Phạm Văn Huấn cùng tập thể Trại tạm giam T771 thực hiện khiến phạm nhân sớm nhận thức lỗi lầm, chấp hành nghiêm án phạt tù. Hơn 5 năm qua, Trại tạm giam T771 không có vụ việc vi phạm kỷ luật, phạm nhân trốn trại. Việc xét giảm án, tha tù cho phạm nhân khách quan, chính xác, dân chủ, công khai, nên cũng đã giúp phạm nhân yên tâm cải tạo, chấp hành án phạt.

leftcenterrightdel
Đại tá Phạm Văn Huấn.

- Đặc thù của Trại tạm giam T771 và cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với cán bộ giám thị, quản giáo của trại, đó là việc tiếp nhận, quản lý bị can, đối tượng tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho điều tra, truy tố, xét hỏi... - Đại tá Phạm Văn Huấn tiếp tục câu chuyện.

Nhưng khó khăn nhất với chúng tôi là công tác quản lý cán bộ, nhân viên quản giáo, bởi vì phải làm việc trong điều kiện vất vả, liên tục, không hề có ngày nghỉ, lại dễ bị cám dỗ, trong khi yêu cầu bảo đảm an toàn rất cao cho các cơ quan tố tụng, điều tra, xét hỏi, truy tố đúng người, đúng tội. Tôi cùng với các đồng chí trong Ban chỉ huy trại và đội trưởng các đội quản giáo thường xuyên đi kiểm tra, đến từng vọng gác, phòng giam động viên nhân viên, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ở trại, có nhiều nhân viên quản giáo giữ chìa khóa của hàng chục buồng giam. Riêng việc các quản giáo phải ngày đêm đi kiểm tra, kịp thời phát hiện để tránh các sự cố đáng tiếc đã là sự vất vả, chưa nói đến những hành vi cám dỗ của người nhà bị can hay những kẻ lợi dụng để hối lộ, thông cung...

Tôi khẳng định, cán bộ, nhân viên quản giáo của Trại tạm giam T771 có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm cao, hết lòng vì công việc. Cụ thể như thời gian gần đây, Trại tiếp nhận, giam giữ các đối tượng, phục vụ các cơ quan điều tra, truy tố những vụ án nghiêm trọng. Các vụ án trên đều được bảo đảm an toàn khi can phạm được giam giữ ở Trại tạm giam T771. Cán bộ giám thị, quản giáo của Trại còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thụ lý vụ án trong thực hiện nghiệp vụ. Đặc biệt, tôi và cán bộ quản giáo của trại đã cảm hóa, động viên can phạm Hồ Hữu Hòa thành khẩn khai báo tội lỗi của mình trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Môi giới hối lộ” mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý. Điều đáng chú ý là khi tiếp nhận về trại, can phạm Hồ Hữu Hòa ban đầu chống đối kịch liệt, chấp hành không nghiêm các quy định của trại...

Sự nỗ lực và những đóng góp của Đại tá Phạm Văn Huấn, Giám thị Trại tạm giam T771 đã được ghi nhận bởi nhiều năm Trại được công nhận danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, cùng hàng chục bằng khen, giấy khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Giám đốc Công an thành phố Hà Nội... Riêng Đại tá Phạm Văn Huấn hằng năm đều được khen thưởng ở các cấp, được bầu là Chiến sĩ thi đua năm 2022 và liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến...

HƯƠNG HỒNG THU