Với tâm niệm được góp công sức cho cách mạng, năm 1964, thiếu nữ Phùng Ngọc Anh về Sài Gòn sau 4 năm học tập ở Hồng Công (Trung Quốc). Bà gia nhập đơn vị biệt động Hoa vận T4, hoạt động ở nội đô Sài Gòn với nhiệm vụ chủ yếu là vạch kế hoạch ám sát lính Mỹ và những tên tay sai ác ôn. Có biệt tài bắn súng bằng cả hai tay nên mỗi khi thiếu nữ họ Phùng siết cò là kẻ địch bỏ mạng. 

Cuối năm 1967, Phùng Ngọc Anh được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ ám sát tên Đại tá Chung Tao, Đặc vụ trưởng Đài Loan. Trong vai một học sinh, Phùng Ngọc Anh theo dõi trước cửa nhà riêng của tên đại tá và khi thời cơ đến đã rút súng nhắm bắn. Tưởng Chung Tao đã chết, Phùng Ngọc Anh với lấy chiếc cặp tài liệu văng ra. Không ngờ hắn vùng dậy, tung một cước trúng tay cô. Súng cướp cò, viên đạn ghim vào đùi Chung Tao nhưng cũng đủ thời gian cho hai tên vệ sĩ xông tới quật ngã và bắt được cô.

leftcenterrightdel

Bà Phùng Ngọc Anh (thứ hai, từ trái sang) cùng các cựu tù Côn Đảo năm xưa. Ảnh: ĐẶNG NGUYỄN

Không khuất phục được nữ chiến sĩ biệt động Phùng Ngọc Anh bằng những đòn tra tấn, Tết Mậu Thân 1968, địch đưa cô cùng các đồng chí: Trần Văn Kiểu (cán bộ công đoàn Sài Gòn-Gia Định), Lê Thị Riêng (Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn-Gia Định)... đi thủ tiêu. Đêm tối, khi đồng hồ trên xe điểm 9 tiếng, tài xế cho xe dừng lại, bỏ ra ngoài châm thuốc cũng là lúc tràng đạn từ xe chạy phía sau nhằm vào thùng xe trước. Đồng chí Kiểu hy sinh ngay từ loạt đạn đầu tiên. Đồng chí Riêng dù trúng đạn vẫn ráng lấy thân mình che cho Phùng Ngọc Anh, đồng thời hô lớn 3 lần: “Hồ Chí Minh muôn năm!”...

Tiếng súng lại vang lên. Lần này chỉ còn tiếng rên của Phùng Ngọc Anh khi đùi bị trúng đạn. Một tên lính thò mặt vào thùng xe, chửi thề rồi nhằm chị Lê Thị Riêng bắn hai phát.

“Mình phải sống!”, đó là suy nghĩ của Phùng Ngọc Anh khi ôm đầu chị Riêng, gỡ cây trâm giữ làm kỷ niệm. Tay anh Kiểu lạnh ngắt. Máu tràn lênh láng thùng xe, Ngọc Anh lịm đi. Khi cô tỉnh lại, lúc này đồng hồ trên xe điểm 11 tiếng. “Phải giả vờ chết để qua mắt bọn địch”, Phùng Ngọc Anh thầm tính toán. Ba ánh đèn pin rọi vào trong thùng xe. Một tên la lớn: “Chết hết rồi”, sau đó bỏ đi hút thuốc. “Chúng mày kêu bác sĩ lại lấy xác. Giờ này còn chưa được ngủ. Dông cả năm!”, tên chỉ huy gằn giọng.

Bác sĩ bước xuống từ xe hồng thập tự, nôn thốc nôn tháo khi kéo bạt xe hít phải đầy mùi máu tanh. Nghĩ là sẽ được cứu, Phùng Ngọc Anh yếu ớt cố cất tiếng: “Tôi còn sống”... Những tưởng sẽ được lực lượng hồng thập tự đối xử nhân đạo, không ngờ ngay sau đó, hai tên lính ngụy vội nhảy lên xe. Xe hú còi, nhằm hướng Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, TP Hồ Chí Minh). “Đù má, con này sống dai thiệt”, tên lính đập thẳng báng súng vào trán Phùng Ngọc Anh, chửi thề. Sau mỗi tiếng chửi thề là một lần báng súng đập xuống, lúc thì vào gần mắt, lúc thì giữa ngực cô. Cổng bệnh viện mở ra, hai tên lính nhảy xuống, tính mang cơ thể thoi thóp của Ngọc Anh đi vứt bỏ, nhưng các bác sĩ đã ngăn lại và tiến hành cấp cứu. Khi ấy, Phùng Ngọc Anh lờ mờ nghe chuông đồng hồ điểm 12 tiếng. Một ngày mới bắt đầu...

Sau đó, tòa án quân sự ngụy xử Phùng Ngọc Anh án chung thân khổ sai rồi đày ra Côn Đảo cuối năm 1969. Năm 1974, Phùng Ngọc Anh được trả tự do nhưng mắt bị mờ, thân thể mang nhiều di chứng là hậu quả của đòn roi cùng những thủ đoạn tra tấn của địch trong nhà tù. Kể lại chuyện xưa với chúng tôi, bà bảo, thời gian hoạt động cách mạng sôi nổi và đấu tranh trong ngục tù ở Côn Đảo là những năm tháng ý nghĩa khi được cống hiến cho cách mạng.

HÙNG KIÊN