Mới 24 tuổi, đồng chí Vũ Oanh đã được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương. Đến tháng 5-1950, ông có quyết định cùng đồng chí Văn Tiến Dũng xây dựng Đại đoàn 320 chủ lực của Bộ mang mật danh Đoàn Đồng Bằng. Đại đoàn được thành lập ngày 16-1-1951 trên cơ sở tập trung 3 trung đoàn: 48, 64 và 52. “Trong chiến tranh, việc một đại đoàn chủ lực xâm nhập vào chiến đấu ở vùng địch hậu như Đại đoàn 320 là vô cùng hiếm hoi. Tôi rất vinh dự là một thành viên của Đại đoàn 320 trong giai đoạn lịch sử ấy”, đồng chí Vũ Oanh chia sẻ.

Tham gia cách mạng từ rất sớm, có kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch chiếm đóng nên Vũ Oanh sẵn sàng nhận trọng trách mới. Trong khi chờ tập trung lực lượng, Phó chính ủy Đại đoàn 320 Vũ Oanh xin xuống thực tập chiến đấu ở Trung đoàn 48, trực tiếp ở Tiểu đoàn 2 (Tiểu đoàn Thanh Lũng) do đồng chí Nguyễn Hòa làm Tiểu đoàn trưởng và Tiểu đoàn 1 do đồng chí Nguyễn Xuân làm Tiểu đoàn trưởng. Cùng ăn, cùng ở với cán bộ, chiến sĩ các tiểu đoàn đã giúp đồng chí Vũ Oanh có những kiến thức cụ thể về chuẩn bị tổ chức và chỉ huy chiến đấu, về công tác chính trị và hậu cần cơ sở... “Biết tôi là Khu ủy viên nhưng rất chân thành học tập nên khi ở cả hai tiểu đoàn, tôi cảm nhận rất rõ tình cảm, sự giúp đỡ chu đáo của cán bộ, chỉ huy và chiến sĩ. Anh em đều thương mến, sống thực sự bình đẳng với nhau. Chúng tôi cùng đi chuẩn bị chiến trường và ra trận khi chiến đấu”, đồng chí Vũ Oanh cho biết.

leftcenterrightdel

 Đảng ủy đầu tiên của Đại đoàn 320 (đồng chí Vũ Oanh đứng chính giữa). Ảnh tư liệu

Khi ta mở Chiến dịch Trung du, Đại đoàn 320 xuất quân với lực lượng của hai trung đoàn 48 và 64. Phó chính ủy Đại đoàn 320 Vũ Oanh được phân công trực tiếp làm Chính ủy Trung đoàn 64, chọn địa bàn phía Bắc tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội)-nơi địch hậu sâu, mở chiến dịch. Ngay đợt chiến đấu đầu tiên, quân ta đã hạ và bức rút một mảng lớn đồn bốt địch, tiêu diệt một lực lượng quân tinh nhuệ của chúng. Ta thu được khẩu đại bác 105mm và đưa ngay ra vùng tự do, không cho địch có cơ hội cướp lại, đồng thời bố trí lực lượng tiếp tục chiến đấu khuếch trương thắng lợi. Đồng chí Vũ Oanh nhớ lại: “Đêm 7-2-1951, Đại đoàn thu quân về khu căn cứ Nho Quan, Ninh Bình để làm lễ chính thức thành lập tại đình Mống Lá. Tôi cũng rời Trung đoàn 64, trở về Đại đoàn trên cương vị là Phó chính ủy, Phó bí thư Đảng ủy Đại đoàn 320, công tác bên cạnh đồng chí Văn Tiến Dũng, Tư lệnh kiêm Chính ủy. Đang lúc triển khai công việc xây dựng Đại đoàn về mọi mặt thì trên có chủ trương mở Chiến dịch Quang Trung. Lực lượng huy động là các đại đoàn: 308, 304 và 320. Đồng chí Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy, Tổng chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Văn Tiến Dũng tham gia Đảng ủy chiến dịch...”.

Trận đánh trong Chiến dịch Quang Trung tiêu diệt vị trí Hưng Công (thuộc tỉnh Hà Nam) nằm sâu trong vùng tạm chiếm, đồng chí Vũ Oanh đi cùng Tiểu đoàn 722, Trung đoàn 64. Vừa hành quân, đơn vị vừa tổ chức bộ phận trinh sát đi nhanh, đi trước. Sau hai đêm, họ đã nắm cụ thể lực lượng và cách bố trí phòng ngự chiến đấu của địch. Vì vậy, khi ta tiến công, địch hoàn toàn bất ngờ. Tiểu đoàn 722 nhanh chóng tiêu diệt gọn một đại đội địch, thu toàn bộ vũ khí, quân địch đến ứng phó cũng bị tiêu diệt. “Sau chiến thắng Hưng Công, Bác Hồ gửi điện khen ngợi, tặng Tiểu đoàn 722 danh hiệu Tiểu đoàn Hưng Công và Huân chương Quân công hạng Ba, phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước đối với Quân đội lúc bấy giờ”, đồng chí Vũ Oanh tự hào kể.

leftcenterrightdel
 Đình Mống Lá (Nho Quan, Ninh Bình) - nơi diễn ra Lễ công bố thành lập Đại đoàn 320. Ảnh: TRUNG TUYẾN

Kết thúc nhiệm vụ ở Chiến dịch Quang Trung, Đại đoàn 320 tập trung về vùng Thạch Thành (Thanh Hóa) học tập chính trị, bổ sung lực lượng. Cuộc chỉnh quân gần đến ngày kết thúc thì địch nhảy dù âm mưu đánh chiếm Hòa Bình. Đại đoàn 320 lại được lệnh xuất quân, tập trung lực lượng về căn cứ Hà Nam-Ninh Bình, triển khai kế hoạch chiến đấu ở vùng địch hậu Liên khu 3. Quyết tâm của ta là đánh vào chỗ sơ hở khi địch tập trung quân ở Mặt trận Hòa Bình, mở rộng vùng tự do của ta, phá kế hoạch bình định đồng bằng của địch, phát động đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng địch hậu. Từ cuối năm 1951 đến đầu năm 1952, Đại đoàn 320 đã giành được những thắng lợi quan trọng trên các địa bàn tỉnh Ninh Bình, Nam Định; làm tan rã mảng lớn ngụy quyền, mở rộng vùng kiểm soát của ta, tạo ra cục diện mới, có thể đưa toàn bộ lực lượng của Đại đoàn 320 vào chiến đấu ở tả ngạn sông Hồng.

“Để đối phó với thắng lợi của Đại đoàn, địch đã mở trận càn Mercure (tức “Thủy ngân”, từ ngày 25-3 đến 26-4-1952) đánh vào vùng Tây Nam tỉnh Thái Bình. Phán đoán sở chỉ huy Bộ tư lệnh Đại đoàn đặt tại làng Lưu Phương (Kiến Xương, Thái Bình) nên địch điều gần 50 lượt máy bay thay nhau tới oanh tạc. Nhưng chúng đã phải thất vọng, toàn bộ lực lượng và Bộ tư lệnh Đại đoàn đã vượt khỏi vòng vây dày đặc này. Với sự giúp đỡ tận tình của nhân dân, Bộ tư lệnh Đại đoàn cùng cơ quan trực thuộc đã vượt sông Hồng ở cửa Ba Lạt sang vùng tự do Giao Thủy, Nam Định và lại trở về ngay Thái Bình chỉ huy bộ đội đánh địch ngoài vòng vây và khi địch rút quân. Cuộc chiến đấu của Đại đoàn và quân, dân Thái Bình chống bao vây, càn quét lớn của địch diễn ra vô cùng ác liệt. Ban ngày, ta kiên cường dựa vào công sự, lũy tre, bờ đê, dũng cảm chiến đấu diệt địch, bảo vệ mình. Ban đêm, quân và dân ta luồn ra ngoài vòng vây tìm cơ hội phục kích diệt địch. Khi chúng hành quân, các đơn vị ở ngoài vòng vây cũng tìm mọi cách đánh cho địch những trận tiêu diệt thật đau, thật bất ngờ. Chúng đã không thể kéo dài cuộc bao vây tìm diệt quân ta, trận càn “Thủy ngân” thất bại”, đồng chí Vũ Oanh kể.

Theo lịch sử Đại đoàn 320 (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 12), ta đã đánh hơn 300 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 2.500 quân cơ động tinh nhuệ, bắt 300 tên, thu hàng nghìn súng các loại. Các khu căn cứ du kích và khu mới được giải phóng vẫn giữ vững. Các LLVT địa phương qua thử thách đã trưởng thành nhanh chóng. Đây cũng là giai đoạn mở đầu cho cao trào chiến tranh du kích của đồng bằng địch hậu ở Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Đại đoàn 320 đã phối hợp cùng bộ đội địa phương tiêu diệt gọn nhiều vị trí trọng yếu của địch, bức hàng, làm tan rã hàng loạt vị trí lớn, nhỏ của địch, mở rộng nhanh chóng nhiều vùng tự do rộng lớn. Bộ đội đi đến đâu cũng được đón tiếp nồng nhiệt, giúp đỡ hết mình. Từ giữa tháng 9-1953, khi Đại đoàn 320 tạo được thế đứng vững chắc ở vùng địch hậu cũng là lúc đồng chí Vũ Oanh được điều động lên phụ trách Cục Địch vận thuộc Tổng cục Chính trị, sau đó là nhiều trọng trách khác. Nhưng dấu ấn của ông trong lịch sử Đại đoàn 320 từ những ngày đầu thành lập vẫn được các thế hệ nhắc nhớ.

BẢO LÊ