Tôi gặp lại Đại tá Bùi Vinh Được khi anh dẫn đầu đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Hải Dương đến thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Gần 10 năm trước đây, anh là Chính trị viên Ban CHQS huyện Cẩm Giàng nên anh thông thuộc địa bàn và nhớ rõ những con đường đi về các ngõ xóm trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Lắng đọng trong hồi tưởng và gương mặt trầm lại khi anh kể về những ngày tham gia chỉ đạo công tác khảo sát, tìm kiếm, xác minh thông tin, tham mưu xây dựng kế hoạch, triển khai cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ tại xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng. Đại tá Bùi Vinh Được nhớ lại: “Năm 2019, trên cương vị Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo 515 (Ban chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ) tỉnh Hải Dương, tôi trực tiếp xuống cơ sở ở Cẩm Giàng để nắm thông tin về mộ liệt sĩ chưa được quy tập trên địa bàn. Chúng tôi phát hàng trăm phiếu điều tra thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn, tổ chức đối thoại với các gia đình và người dân; đồng thời thu thập tư liệu, nghiên cứu lịch sử, những trận chiến đấu trên địa bàn để làm rõ sự kiện, bổ sung thông tin liệt sĩ. Tôi có nhiều năm làm Trưởng ban Khoa học quân sự (Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh Hải Dương), cùng Ban biên soạn của tỉnh hoàn thành và xuất bản hai tập sách về những trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương, nên công việc xác minh khá thuận lợi...

Thực ra từ năm 2018, qua thông tin của Đại tá Nguyễn Văn Tân, cán bộ Quân đội nghỉ hưu ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) và một số người dân ở thôn Phúc Cầu, xã Cẩm Phúc, những người tham gia chiến đấu và chôn cất liệt sĩ, chúng tôi đã tổ chức đoàn công tác khảo sát thực địa, xác định thời điểm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đấy là vào khoảng cuối năm 1946, đầu năm 1947, Trung đoàn 44 của Chiến khu 3 (nay là Quân khu 3) được lệnh chặn đánh quân Pháp tiến từ Hải Phòng lên Hà Nội. Các trận đánh ác liệt giữa ta và địch diễn ra ở địa bàn xã Cẩm Phúc và phố Ghẽ trên Đường 5 (nay thuộc xã Tân Trường). Trong chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 44 và dân quân, du kích địa phương cũng bị nhiều tổn thất, hy sinh hàng chục người. Thi thể liệt sĩ được nhân dân chôn cất bên bờ sông Ghẽ, sau này do mở rộng canh tác, các ngôi mộ nằm trong ruộng vườn của người dân thôn Phúc Cầu. Trong số các ngôi mộ liệt sĩ, chỉ có một ngôi mộ có bia ghi tên Vũ Mạnh Lư, quê ở thôn Chương, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, còn lại đều không có thông tin.

Sau những nỗ lực làm rõ và hoàn thành các thủ tục quy định, ngày 10 và 11-11-2019, Ban chỉ đạo 515 tỉnh Hải Dương tổ chức lực lượng cất bốc, quy tập được 14 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cẩm Phúc. Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ được tổ chức theo đúng nghi thức, trang nghiêm”.

- Trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn có nhiều đợt tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương và bàn giao cho các đơn vị, địa phương bạn khi xác định đầy đủ thông tin. Anh có thể cho biết thêm những kỷ niệm của mình khi trực tiếp tham gia và chỉ đạo công tác này? - Tôi đề nghị Đại tá Bùi Vinh Được.

Anh Được trả lời:

- Đúng vậy, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh Hải Dương có 38.941 liệt sĩ, trong đó có 17.043 liệt sĩ quê ở Hải Dương an táng tại các chiến trường, nghĩa trang ngoài tỉnh, số còn lại đã được quy tập, an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Cũng qua thống kê, xác minh, có 5.840 liệt sĩ được an táng ban đầu trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trong đó có 1.029 liệt sĩ chưa rõ thông tin. Vì vậy, công tác cất bốc, quy tập, xác minh danh tính hài cốt liệt sĩ đã và đang được các ban chỉ đạo 515 và cơ quan chức năng triển khai tích cực. Tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Bình được Ban chỉ đạo quốc gia 1237 (Ban chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, sau này là Ban chỉ đạo 515) lựa chọn làm điểm triển khai, hoàn thành lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Đến nay, 100% huyện, thành phố, thị xã của tỉnh đã hoàn thành công tác lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Các địa phương tạo điều kiện tốt nhất để gia đình, thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ, hỗ trợ kinh phí hương khói, di chuyển hài cốt liệt sĩ, xây vỏ mộ và tổ chức lễ cầu siêu cho liệt sĩ... Chúng tôi luôn giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện tốt, làm bằng tâm trong sáng và trái tim nhiệt huyết, trách nhiệm cao đối với công tác tìm kiếm, xác minh thông tin và quy tập hài cốt liệt sĩ.

leftcenterrightdel

Đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh Hải Dương do Đại tá Bùi Vinh Được (thứ ba, từ trái sang) đến thăm, tặng quà ông Lê Đại, cựu chiến sĩ Điện Biên, ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ảnh: ĐỨC HIẾU 

Kỷ niệm không quên đối với tôi vào đầu tháng 1-2018. Lúc ấy, tôi là Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hải Dương, được Ban chỉ đạo 1237 tỉnh Hải Dương giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách đội công tác cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh ngày 3-1-1954 tại thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ. Đó là những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trong đợt không khí lạnh nhất năm, nhiệt độ xuống 8 độ C, trời mưa nặng hạt, song đội công tác vẫn không quản khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Toàn đội dựng lều bạt ăn nghỉ tại hiện trường. Công việc cất bốc tiến hành từ ngày 7 đến 9-1-2018. Đội công tác đã cất bốc, quy tập 9 bộ hài cốt liệt sĩ, sau đó làm lễ truy điệu và an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Nguyên Giáp.

Quá trình cất bốc, tôi trực tiếp cùng làm với bộ đội, tranh thủ thời gian, đốt đèn thức đêm để đào đất, lau rửa hài cốt liệt sĩ. Chúng tôi không cầm được nước mắt trước những hài cốt còn cùm sắt ở chân, khóa còng ở tay... Đây là hài cốt của cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân, du kích, đảng viên bị địch bắt giam cầm. Ngày 3-1-1954, đoàn xe của Pháp chở 14 tù binh của ta từ Nhà tù Hải Dương xuống nhà tù ở Hải Phòng. Khi xe chở tù binh và xe hộ tống của địch đi đến địa bàn thôn An Thổ thì bị trúng mìn khiến nhiều lính Pháp và 14 tù binh của ta bị thương vong, trong đó 11 tù binh tử nạn. Sau khi sự việc xảy ra, binh lính Pháp trong đoàn áp giải và từ bốt An Thổ gần đó đã tới mang số lính Pháp bị chết và bị thương về trung tâm huyện Ninh Giang. Chúng bỏ lại số tù binh bị thương vong của ta bên đường. Khi quân Pháp rút đi, nhân dân thôn An Thổ đã chôn cất những tù binh này tại gò Bồ Súng. Năm 1957 và năm 1999, thương binh Phạm Văn Trường, người thoát chết trong trận phục kích mìn năm đó và cũng là người trực tiếp chôn cất các chiến sĩ hy sinh đã cùng với thân nhân liệt sĩ đến cất bốc được hai hài cốt đưa về quê Ninh Bình an táng. Năm 2017, Ban chỉ đạo 1237 tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, xác minh, tổ chức cất bốc, quy tập hài cốt 9 mộ còn lại vào đầu năm 2018. Các liệt sĩ được xác định quê ở các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa...

Từ năm 2018 đến 2022, Ban chỉ đạo 515 tỉnh Hải Dương thành lập 5 đội quy tập lâm thời tại các huyện: Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Bình Giang và TP Hải Dương, tổ chức tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 31 hài cốt liệt sĩ đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ. Toàn tỉnh huy động nguồn ngân sách của địa phương, xã hội hóa và kết hợp ngân sách Trung ương được 171,3 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, cải tạo, nâng cấp 57 công trình nghĩa trang, đài ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ...

Một trong những cách làm hiệu quả của Ban chỉ đạo 1237 (nay là Ban chỉ đạo 515) tỉnh Hải Dương là lựa chọn các thôn, xã để triển khai làm điểm, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Các địa phương còn phát hàng nghìn phiếu lấy ý kiến, thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ. “Tôi chỉ đạo và trực tiếp đối thoại, lắng nghe ý kiến, tiếp nhận thông tin của người dân, nhất là các cựu chiến binh, nhân chứng cung cấp, giao cơ quan xác minh, khảo sát, kết luận, tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thông tin về liệt sĩ để lưu trữ, cung cấp danh sách cho các đơn vị, địa phương, gia đình, thân nhân của liệt sĩ. Trong công tác chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công, cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ này phải có tâm sáng, nhiệt huyết, trách nhiệm cao. Có như vậy, công tác chính sách, hậu phương Quân đội mới thực chất, hiệu quả, đúng nghĩa truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc”, Đại tá Bùi Vinh Được khẳng định.

HƯƠNG HỒNG THU