Khát vọng cống hiến 

 Cuối năm 1970, thầy giáo Nguyễn Lân Dũng, khi đó đang giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được phân công vào Quân y viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bộ Quốc phòng), để thực hiện công trình nghiên cứu tìm vi sinh vật có khả năng chống được vi khuẩn mủ xanh. Quá trình công tác tại đây, ông quen bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu. Hai người tìm hiểu nhau và đi đến hôn nhân. Lễ cưới được cô dâu, chú rể dự định tổ chức ở hội trường với đông đảo khách mời, nhưng trận lũ lịch sử năm 1971 đã làm thay đổi kế hoạch. Ngày cưới của hai người ấn định vào tối 28-9-1971 thì chiều hôm ấy, chú rể mới đi chống lụt trở về. Lễ cưới giản dị mà đầm ấm tại nhà cô dâu có sự chúc phúc của đại diện hai bên gia đình. Sáng hôm sau, chú rể lại lên đường đi làm nhiệm vụ luôn. Hơn một tuần sau đó, hai người mới tổ chức một buổi tiệc ngọt báo hỷ với bạn bè và đồng nghiệp.

Đầu năm 1972, bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu tình nguyện vào công tác ở chiến trường miền Nam. Trong trang nhật ký của mình, thầy giáo Nguyễn Lân Dũng viết: “Ngày 3-2-1972, kỷ niệm thành lập Đảng lần thứ 42 bằng một sự kiện hết sức đặc biệt đối với tôi: Hiếu lên đường đi phục vụ chiến đấu. Suốt mấy tuần nay, trong lòng tôi dồn dập biết bao nhiêu cảm xúc, biết bao nhiêu suy nghĩ, biết bao hồi hộp, lo lắng”... Ông lo lắng là vì vợ có thể trạng yếu, vào chiến trường liệu có vượt qua được những gian khổ, chiến tranh ác liệt, trong khi lại đang mang thai.

Nhưng trước sự nhiệt tình của vợ, ông chia sẻ: “Sự thật từ lâu Hiếu vẫn mong muốn có dịp được trải qua những thử thách lớn, mong muốn được góp sức nhỏ bé của mình một cách trực tiếp hơn nữa vào thắng lợi chung của quân đội... Từ lâu Hiếu đã ao ước được đặt bàn chân lên dãy Trường Sơn hùng vĩ mà trong cuộc kháng chiến thần thánh này đã trở nên biết mấy thân thương với tấm lòng mỗi người dân yêu nước”.

leftcenterrightdel
Trang nhật ký của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. 

Cưới nhau được 4 tháng thì hơn một tháng ông phải đi làm nhiệm vụ chống lụt không được về nhà. Mới 3 tháng chung sống bên nhau, với “biết bao tình cảm âu yếm, nồng thắm đang dâng lên trong lòng mỗi đứa” thì lại phải chia xa. Nhưng ông cho rằng, mong ước được cống hiến của bà “là hoàn toàn đẹp đẽ và dễ hiểu”. Khi Nữ Hiếu đã vào chiến trường, mọi nỗi nhớ niềm thương người vợ trẻ, ông gửi trọn vào trang viết: “Anh nhớ Hiếu quá, thương Hiếu quá... Anh sẽ viết về em, vì em là một trong những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc chiến đấu thần thánh này của chúng ta. Em thương yêu, hãy mãi mãi sống tốt như những hình ảnh mẫu mực nhất. Hãy mãi mãi thương yêu nhau thắm thiết như những mối tình lý tưởng nhất. Anh sẽ sống một cách xứng đáng với tình yêu và tâm hồn đẹp đẽ của em!”...

Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã có những tháng ngày đáng nhớ khi làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh ở chiến trường Quảng Trị. Mang thai đến tháng thứ bảy, bác sĩ Nữ Hiếu mới nhận quyết định ra Bắc.

Tấm gương cho con cháu   

Bà Nữ Hiếu kể rằng, tiếng là con bộ trưởng (cha của bà là cố GS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhưng cuộc sống của mấy chị em bà cũng khó khăn giống như đại bộ phận người dân khi đó. Gia đình riêng của 4 chị em cùng ở chung trong ngôi nhà của cha mẹ, có thời điểm lên tới... 16 người cùng sinh sống. Cứ sáng sáng, mấy chị em dậy chuẩn bị đồ ăn để các “đức lang quân” cho vào cặp lồng mang đi ăn trưa. Tuy bận rộn, vất vả mà trong nhà lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười.

Đầu thập niên 1990, mang quân hàm trung tá, là Phó giám đốc Viện Quân y 108, bà vẫn rang lạc đem bỏ mối ở các quán nước dọc đường Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... để có thêm thu nhập. “Có một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi. Hôm ấy, tiện đường đi làm về, vẫn mặc quân phục, tôi đón con gái xong thì đạp xe qua hàng nước quen để giao nốt chỗ lạc rang buổi sáng. Lúc này, bà bán nước mới biết tôi là bộ đội. Từ đấy, bà không nợ tiền lạc hằng tháng nữa mà trả rất đúng hẹn”, bà Nữ Hiếu nhớ lại.

leftcenterrightdel
 

Vợ chồng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tại nhà riêng.

Ảnh: KHÁNH MINH

Trong những năm tháng ấy, dù có khó khăn, vất vả thế nào thì ông bà vẫn luôn động viên nhau phấn đấu trong công tác và dành thời gian để tự học. Bà tự học ngoại ngữ để thuận tiện trong công tác chuyên môn và vượt qua các kỳ thi để đi thực tập ở nước ngoài. Ông thì cứ có điều kiện là xin đi thực tập ở các viện hàn lâm khoa học tại các nước: Nga, Trung Quốc, Đức... để tích lũy kiến thức, phát triển ngành vi sinh vật học ở Việt Nam. Nhờ tự học, ông có thể sử dụng thông thạo 4 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung).

Đến nay, ông đã có hơn 200 đầu sách khoa học và công trình nghiên cứu được công bố chính thức. Dù đã nghỉ công tác nhiều năm nhưng hai ông bà vẫn say sưa với những nghiên cứu khoa học của mình. Hiện nay, GS Nguyễn Lân Dũng đang cố gắng để hoàn thành cuốn từ điển “Công nghệ sinh học Anh-Việt”, dự kiến hơn 2.000 trang. Các con của họ, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu và TS Nguyễn Kim Nữ Thảo đều là những nhà khoa học đầu ngành, có tên tuổi. “Cha tôi, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, khi 95 tuổi mới hoàn thành cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” dày 2.112 trang. Đây là cuốn từ điển thứ 9 cụ tham gia biên soạn. Giờ chúng tôi mới ở tuổi 80 chứ mấy!”, ông cười cho biết.

PHẠM THU THỦY