Chúng tôi may mắn được gặp các cựu chiến binh của Tiểu đoàn 59 về dự khánh thành Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn tại xã Ninh Sơn. Tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng khi được về thăm lại chiến trường xưa, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 đều rất phấn khởi.

Cựu chiến binh Trương Bình Trọng, 92 tuổi, nguyên là cán bộ Đại đội 6, Tiểu đoàn 59, người đã trực tiếp tham gia trận đánh Vườn Gòn, kể: “Tiểu đoàn 59 được thành lập ngày 10-6-1950, tại xã Tam Chánh, huyện Tam Kỳ (nay là TP Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam. Đầu năm 1953, Tiểu đoàn 59 tham gia Chiến dịch An Khê, sau đó, Bộ tư lệnh Liên khu 5 điều Trung đoàn 803 tiến lên Nam Tây Nguyên, riêng Tiểu đoàn 59 tiến vào Bắc Khánh Hòa để đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở vùng sau lưng địch. Vào đến Khánh Hòa, Tiểu đoàn 59 đứng chân tại chiến khu Đá Bàn-căn cứ địa kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa, đơn vị cùng với địa phương thành lập Ban chỉ huy chung, gồm: Đại diện Tỉnh ủy, Trung đoàn 803, Tỉnh đội Khánh Hòa và đại diện Tiểu đoàn 59, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Chỉ hơn một tháng hoạt động tại Khánh Hòa, Tiểu đoàn 59 đã tổ chức nhiều trận đánh nhỏ, lẻ, diệt 10 tháp canh của địch tại hai huyện Ninh Hòa và Diên Khánh, gây hoang mang cho địch và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng ở địa phương.

leftcenterrightdel

Đại biểu tham quan phòng truyền thống tại Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn. 

Trước tình hình đó, thực dân Pháp huy động một trung đoàn lính hỗn hợp Âu-Phi-ngụy hơn 4.000 quân với đầy đủ hỏa lực yểm trợ càn vào chiến khu Đá Bàn, nhằm phá căn cứ, tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Khánh Hòa đã mở cuộc họp với Tiểu đoàn 59 bàn cách phối hợp chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt địch để bảo vệ chiến khu Đá Bàn. Ban chỉ huy chống càn gồm: Đồng chí Hà Vi Tùng, Trung đoàn phó Trung đoàn 803; đồng chí Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59; đồng chí Phạm Đạo, Chính trị viên Tiểu đoàn 59. Lực lượng chiến đấu gồm hai Đại đội: 4, 6 và Đại đội 8 trợ chiến của Tiểu đoàn 59, cùng một số lực lượng bộ đội địa phương.

Do nắm được ý định của địch, ngày 18-4-1953, ta chủ động sử dụng một lực lượng nhỏ ngăn chặn địch tại căn cứ chiến khu, lực lượng chủ yếu của Tiểu đoàn 59 vòng ra ngoài phục kích tại khu vực Vườn Gòn làm điểm quyết chiến. Ngày 19-4-1953, địch hành quân càn quét vào Đá Bàn nhưng bị lực lượng của ta ngăn chặn. Chúng vấp phải hầm chông, mìn gài sẵn nên chịu nhiều tổn thất. Trưa 20-4-1953, địch bắt đầu rút quân, đến 13 giờ thì toàn bộ đội hình địch lọt vào khu vực phục kích của ta ở Vườn Gòn. Trận đánh kéo dài trong 3 giờ đồng hồ. Ta đã tiêu diệt hơn 400 tên địch, thu hàng trăm khẩu súng các loại... Sau trận đánh, đơn vị rút về căn cứ an toàn. Trong trận chống càn này, phía ta có một số đồng chí hy sinh.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Trương Bình Trọng, nguyên là cán bộ Đại đội 6, Tiểu đoàn 59. 

Đánh bại trận càn của một trung đoàn địch có hỏa lực mạnh hơn ta nhiều lần, bảo vệ thành công chiến khu Đá Bàn, Chiến thắng Vườn Gòn-Đá Bàn đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến của nhân dân ta, góp phần phát triển các cơ sở và uy hiếp mạnh mẽ tinh thần của binh lính địch, buộc chúng phải rút toàn bộ lực lượng cuộc hành quân vào Nha Trang, kể cả 4 đại đội cơ động tăng cường cho Ninh Hòa trước đó.

Sau chiến thắng, đồng chí Trương Bình Trọng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ông đã tặng lại tấm huân chương này cho khu lưu niệm để trưng bày, làm hiện vật giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: VŨ DUY HIỂN