Khi “gạo đem vào giã”

Qua điện thoại, tôi đặt vấn đề muốn gặp để nghe ông kể về những kỷ niệm thời quân ngũ, nhất là khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại tá Lê Quyên vui vẻ nhận lời và còn dặn: “Đến ngay nhé! Đôi tiếng nữa ông còn đi đạp xe và trà chiều, đàm đạo với mấy ông bạn già”.

Ở tuổi 92, tuy thính lực không được như xưa, song Đại tá Lê Quyên còn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Ông kể chuyện rõ ràng, mạch lạc. Ông sinh ra trong gia đình có 11 người con, ở xã Trần Quốc Toản (nay là xã Quảng Hòa), huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình ông thuộc hàng khá giả ở địa phương nên cũng giống như các anh chị em trong nhà, cậu con trai thứ ba Lê Quyên được học đến hết năm nhất chuyên khoa 1 ở Trường Nguyễn Thượng Hiền do thầy Phó Đức Tố ở Khu 3 tản cư vào phụ trách. Ông giải thích rằng, theo chương trình giáo dục ngày đó, khi học xong chuyên khoa 1 thì mới lên chuyên khoa 2 (tú tài bán phần), sau đó là chuyên khoa 3 (tú tài toàn phần). Thế nhưng, ông đã quyết định “rẽ ngang” sau lần được nghe Thiếu tướng Nguyễn Sơn-bấy giờ là Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4-về trường nói chuyện. “Hôm đó, Thiếu tướng Nguyễn Sơn nói về đề tài “trai thời loạn”, nhắc đến nhiều tấm gương anh dũng của tiền nhân, qua đó thôi thúc ý chí nam nhi của thanh niên, khiến ai cũng muốn được đi bộ đội, chiến đấu chống giặc, đòi lại giang sơn. Sau cuộc nói chuyện, học sinh trường tôi nô nức xin đi bộ đội, những người thiếu tiêu chuẩn, không được đi thì rất buồn. Cá nhân tôi giấu bố mẹ để đăng ký, khi có thông báo được chọn đi học quân sự, tôi mừng quá, chạy về nhà nói với bố-bấy giờ đang là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã. Sau một lúc bất ngờ, dù không vui nhưng ông cụ đành đồng ý để tôi lên đường với lời dặn: Xong nhiệm vụ nhớ về xây dựng quê hương”, Đại tá Lê Quyên bồi hồi nhớ lại.

leftcenterrightdel

Toàn cảnh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ. Ảnh tư liệu

Sau khi đón Tết Nguyên đán năm 1950, Lê Quyên đến vị trí đóng quân ở Đại Từ, Thái Nguyên. 6 tháng rèn luyện cường độ cao ở đây thực sự là quá trình “gạo đem vào giã”. Cậu học sinh mới rời ghế nhà trường Lê Quyên dần trưởng thành, có sức chịu đựng bền bỉ, giữ nghiêm kỷ luật, để rồi đi qua hành trình gần 40 năm quân ngũ với biết bao thử thách. Ông kể: “Khoảng tháng 7-1950, mưa ngâu rả rích, chúng tôi có lệnh lên đường hành quân sang Côn Minh, Trung Quốc, chính thức trở thành học viên khóa 6 Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm Hiệu trưởng, Thiếu tướng Trần Tử Bình là Chính ủy. Tôi được biên chế trong Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, đóng quân ở thung lũng Đào Viên. Chúng tôi luyện tập ngày đêm, mong sớm được về nước chiến đấu”. Trong hồi ức của mình, Đại tá Lê Quyên nhớ mãi cái Tết xa nhà đầu tiên, lại là cái Tết ở một nơi ngoài Tổ quốc. Bữa tiệc đón năm mới được tổ chức dưới vườn đào nở rộ, được bộ phận hậu cần của bạn bảo đảm khá đầy đủ mà vẫn nhớ nhà da diết. Nhưng tất cả học viên đều chung ước nguyện đầu năm mới là hoàn thành tốt khóa học để được trở về giải phóng quê hương.

Hai ngày nghỉ Tết trôi qua thật nhanh, họ lại gấp rút hoàn tất các khoa mục huấn luyện. Cuộc diễn tập cuối khóa thành công hơn mong đợi. Mùa thu năm 1951, Lê Quyên cùng đồng đội lên tàu trở về Việt Nam. Ông được phân công là Trung đội phó Trung đội 1, Đại đội 924, Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Từ đây, cùng đồng đội đi qua bao mùa chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ rồi đến các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, ông luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

Trong đội hình Đại đội 924, đơn vị chủ công của Tiểu đoàn 255, biết mình mới chỉ có kiến thức về kỹ, chiến thuật do nhà trường huấn luyện nên vừa cùng đồng đội cơ động chiến đấu trong các trận đánh vừa và nhỏ, Lê Quyên vừa tích cực luyện tập các khoa mục trong đánh công kiên trên những trận địa đồi sim gần nơi đơn vị đóng quân. Trận đầu tiên ông tham chiến ở trung đội mũi nhọn là trận đánh đồn Phố Mới trên Đường 18 năm 1951. Sau tiếng bộc phá khai hỏa, hỏa lực các loại của ta đồng loạt rền vang. Hàng rào được mở chỉ sau 10 phút, trung đội xung kích lao lên hoàn thành việc chiếm đầu cầu. Trung đội phó Lê Quyên chỉ huy anh em giữ vững lô cốt, yểm hộ nhau phát triển vào các giao thông hào. Nhưng do mũi đột phá bên đơn vị bạn gặp khó khăn, địch hồi phục dần và phản kích về phía đơn vị. Cùng lúc, pháo địch từ Bắc Ninh, Phả Lại cũng chi viện, bắn xung quanh đồn. Qua liên lạc, có thông tin địch còn huy động thêm thiết giáp và quân cơ động từ Bắc Ninh về. Bộ đội ta vẫn quyết chiến đấu, cầm cự với địch cho đến khi có lệnh của Trung đoàn cho đơn vị rút lui. “Trên đường rút lui, chúng tôi bị địch phát hiện và đánh chặn. Tôi bị một mảnh đạn xuyên qua lưng vào nách, phải về khu căn cứ điều trị vết thương. Có lẽ do hồi ấy còn trẻ nên qua khoảng một tuần điều trị, vết thương đã lành, tôi liền trở lại đơn vị chiến đấu. Tuy nhiên, do mảnh đạn nằm sâu trong nách, bị lớp mỡ bao bọc không thể lấy ra được nên suốt 73 năm qua, tôi phải chung sống với nó”, cựu chiến binh Lê Quyên nói.

leftcenterrightdel

 Đại tá, cựu chiến binh Lê Quyên. Ảnh: TUẤN TÚ

Trò chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh Lê Quyên vui vẻ cho biết, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là ngần ấy thời gian ông đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cuộc đời quân ngũ của ông có nhiều niềm tự hào và những dấu ấn không thể quên. Nhất là vào cuối tháng 1-1954, khi đang tiến vào chiếm lĩnh trận địa thì có lệnh của trên thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, các lực lượng phải rút ra, trở về vị trí tập kết ban đầu. Nhớ lại thời điểm đó, chiến sĩ Điện Biên Lê Quyên cho biết, trong tư tưởng của bộ đội hiện rõ sự lo lắng nhưng do lệnh của trên yêu cầu phải tuyệt đối chấp hành nên mọi người nén lại mọi thắc mắc, tâm tư. Ông kể tiếp: “Sáng 30-1-1954 có tin địch sẽ nống ra phía Đông mặt trận để thăm dò lực lượng của ta, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An lệnh cho Tiểu đoàn 255 cử lực lượng ra cảnh giới phòng ngự ở quả đồi thuộc khu vực bản Tà Lèng. Bộ phận gồm 15 đồng chí (1 tiểu đội bộ binh và 1 khẩu trung liên) của Đại đội 653 dưới sự chỉ huy của tôi nhận nhiệm vụ trên. Do đất ở vùng này rất rắn nên phải mất gần hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới đào xong công sự trên trận địa vừa chiếm lĩnh. Đúng lúc ấy, chiến sĩ cảnh giới báo cáo địch đang tiến vào trận địa của ta. Chờ cho tên chỉ huy tay cầm ba toong và tên lính đeo máy liên lạc đi sau mở máy kêu o o cách chưa đầy 10m, tôi ra lệnh nổ súng. Cả hai tên chết tại chỗ, số còn lại bị bất ngờ vội chạy lùi lại phía sau, gọi máy bay và pháo binh ở Mường Thanh yểm trợ. Đánh đến quá 12 giờ vẫn chưa thấy quân ta chi viện, trong khi khẩu trung liên của ta đã bị gãy nòng, chỉ còn tôi và các chiến sĩ Bạc, Kiệm, Phán, Sáng là còn đủ sức chiến đấu nên tôi quyết định rút lên quả đồi phía sau để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị chiến đấu tiếp”. Không ngờ một quả đạn AT của địch rơi trúng công sự, Trung đội phó Lê Quyên bị thương vào mắt, chiến sĩ Kiệm ở bên phải bị thương vào tay, còn chiến sĩ Bạc ở bên trái bị thương vào đầu, khi về đến đội điều trị thì hy sinh. Sau ngày hòa bình, ông đã tìm về tận quê hương của liệt sĩ Bạc, được gia đình liệt sĩ nhận làm con nuôi...

Ngày 30-3-1954, đợt công kích thứ hai của ta vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Trước đó, sau nhiều ngày đào hào, đơn vị của Lê Quyên đã hoàn thành tuyến phòng ngự dài khoảng 300m. Các trận chiến đấu diễn ra liên tục. Anh nuôi tiếp tế nước và cơm nắm ra tận trận địa. Thương binh và tử sĩ cũng được tải thương đưa về tuyến sau ngay khi dứt loạt đạn. “Đang chỉ huy bộ đội phòng ngự thì có điện của Trung đoàn cử tôi làm Phó đại đội trưởng Đại đội 925, triệu tập Đại đội trưởng Đặng Văn Đùng về Trung đoàn họp gấp. Dù rất bất ngờ nhưng chúng tôi chỉ có vài phút bàn giao công việc. Chẳng ngờ, đến 2 giờ sáng hôm sau, tôi bị sức ép của pháo địch làm chảy máu tai. Một mảnh đạn khác phạt qua đỉnh đầu, khi máu chảy lênh láng xuống mặt tôi mới biết, anh Đùng cho người đưa tôi về đội điều trị và không đi nhận công tác mới mà ở lại đơn vị chỉ huy bộ đội. Rất may, vết thương không quá nặng, đến giữa tháng 4, từ Đội điều trị 5 trở về, tôi vẫn có thể cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày kết thúc chiến dịch”, Đại tá Lê Quyên cho biết.

SONG THANH-QUANG QUYẾT