Khi tôi giới thiệu là cán bộ công tác tại Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đến dự và đề xuất nội dung, muốn được nghe Trung tướng Nam Long kể về Chi đội 3 Nam tiến, ông nhất trí ngay và kể lại những kỷ niệm sâu sắc ngày đó.

“Năm 1945, tôi biết tin Chi đội 3 Giải phóng quân Nam tiến hành quân bằng tàu hỏa vào trưa 26-9-1945 từ Thanh Hóa vào Vinh (Nghệ An), dự kiến đến Vinh lúc 17 giờ cùng ngày. Tôi đến trạm bưu điện gọi ra Hà Nội gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp.

- A lô, anh Văn phải không?

- A lô, tôi nghe đây. Ai đấy?-Đồng chí Võ Nguyên Giáp trả lời máy.

- Nam Long đây, anh Văn à. Anh cho Nam Long Nam tiến nhé? Chỗ đội Nam tiến của Thơ đang thiếu chính trị viên, xin anh cho Nam Long đi nhé?

Dường như anh Văn đắn đo, lát sau anh nói: “Cái này phải hỏi các anh bên Bộ Quốc phòng”.

- Thế thì quá lâu đấy, anh Văn ơi. Một giờ nữa tàu chạy rồi. Anh Văn cử Nam Long vào Vinh thì anh cho đi được chứ!

- Ý kiến các anh bên Tỉnh ủy thế nào?-Anh Văn hỏi.

Tôi đáp: “Thưa anh, anh Lượng (đồng chí Lê Viết Lượng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An-TG) bảo nếu Hà Nội đồng ý thì các anh ấy cho đi”.

- Vậy hả, để mình báo cáo với Ông Cụ (Chủ tịch Hồ Chí Minh) và các anh trong Thường vụ.

leftcenterrightdel

Trung tướng Nam Long. Ảnh tư liệu  

Thế rồi, tôi được tham gia Chi đội 3 Giải phóng quân Nam tiến và được cử làm Chính trị viên Chi đội thay đồng chí Nguyễn Văn Rạng ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Mông Phúc Thơ làm Chi đội trưởng.

Trên cương vị Chính trị viên, ngày 27-9-1945, tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Chi đội tiếp tục hành quân bằng tàu hỏa từ Vinh vào Nam, lần lượt đến Huế (ngày 28-9), Quảng Ngãi (ngày 29-9), Nha Trang (ngày 1-10). Theo yêu cầu của đồng chí Hoàng Đình Giong-được Trung ương cử vào chỉ huy quân sự ở Nam Bộ, tôi điều một đại đội (thiếu một trung đội) bảo vệ đồng chí Hoàng Đình Giong đi trước từ Nha Trang vào miền Tây Nam Bộ.

Khi đến Phan Thiết (ngày 5-10), Chi đội chia làm hai bộ phận, trong đó, bộ phận do tôi chỉ huy hành quân đi trước bằng ô tô vào thẳng Biên Hòa vào ngày 6-10. Tại đây, tôi cùng các đồng chí Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Đào Duy Kỳ, Phạm Văn Bạch, Bùi Công Trừng, Thanh Sơn họp bàn và thống nhất phương án ta phải nhanh chóng tổ chức lực lượng bao vây, đánh chặn, không cho quân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, nhất là ra hướng Đông Sài Gòn”-Trung tướng Nam Long kể.

Sau một đêm nghỉ ở Biên Hòa, chiều 7-10, bộ phận do đồng chí Nam Long chỉ huy tiến vào Thủ Đức; sau đó, bộ phận do đồng chí Mông Phúc Thơ dẫn đầu cũng từ Phan Thiết vào. Tại Thủ Đức, đồng chí Nam Long cùng các đồng chí Hà Huy Giáp, Mông Phúc Thơ, Phan Đình Công (cán bộ phụ trách trại Vĩnh Cửu) họp bàn thống nhất sẽ vào Sài Gòn chiến đấu, nhưng trước tiên phải phá cầu Bình Lợi (bắc qua sông Sài Gòn). Đây là cầu sắt, có trục giữa và là cầu quay dọc sông khi thuyền bè qua lại; đồng thời, cầu nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Mỗi bên cầu có một trung đội địch canh gác. Cuộc họp thống nhất kế hoạch: Chi đội cho tàu kéo một số toa, mỗi toa chở một tiểu đội, xung quanh chất đầy bao cát. Chi đội sử dụng hai đại đội: Một đại đội diệt trung đội địch ở phía Bắc cầu, một đại đội diệt toán địch ở phía Nam cầu. Ta đưa kỹ sư quay cầu, phá máy quay, không cho địch dùng cầu để sang bờ Bắc sông Sài Gòn. Đồng chí Nam Long ngẫm nghĩ rồi cho rằng: “Kế hoạch xem ra có vẻ được”.

Ngày 10-10-1945, đồng chí Nam Long cùng các đồng chí Mông Phúc Thơ, Phan Đình Công, đồng chí kỹ sư cùng một tổ trinh sát đi nghiên cứu nắm tình hình thực địa và thống nhất sử dụng hai đại đội phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương đánh địch ở cầu Bình Lợi. Trận đánh diễn ra từ ngày 10 đến 15-10-1945. Địch liên tục tiến công, dùng nhiều súng cối, phóng lựu kết hợp ca nô đánh sang bờ Bắc, nhưng đều bị Chi đội đánh chặn. Địch bị tiêu hao lực lượng, không thể qua được cầu. Nhân dân nghe tiếng súng nổ ở đâu là mang theo thức ăn đến đó. Có người mang dừa, cá khô... đủ các thứ ngon, hoặc có gì mang nấy tiếp tế cho bộ đội.

leftcenterrightdel

Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày lễ lớn. Ảnh: TRUNG TRỰC 

Cùng thời gian này, trên quyết định cử đồng chí Mông Phúc Thơ làm Ủy viên Quân sự của Ủy ban Kháng chiến miền Đông Nam Bộ mới thành lập. Chi đội 3 Giải phóng quân Nam tiến do đồng chí Nam Long làm Chi đội trưởng. Từ đây, Chi đội 3 Giải phóng quân Nam tiến còn được gọi là Chi đội Nam Long.

“Trước tình hình địch tăng cường lực lượng với khoảng 3.600 quân đóng xen kẽ ta, trên cương vị Chi đội trưởng kiêm Chính trị viên, tôi bàn với đồng chí Hà Huy Giáp, thống nhất: So sánh lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, không có lợi cho ta. Trong khi đó, ta lại chưa chuẩn bị đề phòng phía sau nên rút lực lượng, bố trí 1 đại đội ở Long Thành, 1 đại đội ở Tân Mai và 1 đại đội ở Biên Hòa. Đến ngày 23-10-1945, tôi nhận lệnh của trên chỉ huy Chi đội về giữ Xuân Lộc.

Tôi gấp rút gặp hai đồng chí Đoàn Huyên, Thắng Lợi phổ biến tình hình và lấy cương vị Chi đội trưởng hạ lệnh cho Chi đội rút quân. Từ ngày 25-10, một số đơn vị bắt đầu hành quân. Chúng tôi hành quân bộ, đi xuyên rừng cao su, có khi đi dọc đường sắt, vai vác nặng, mỗi người một khẩu súng, có người phải vác hai khẩu. Để bảo đảm tốc độ hành quân, những anh em ốm, đau chân được tổ chức đi sau, từng chặng có xe ô tô đón. Chúng tôi không theo Đường số 1 vì đường chật, người rất đông. Đến ngày 28-10, toàn Chi đội đã chuyển đến Xuân Lộc an toàn. Đây là một thị trấn nằm trên Đường số 1 và tuyến đường sắt Bắc-Nam, Chi đội tổ chức phòng ngự trận địa chủ yếu ở phía Đường số 1. Sở chỉ huy Chi đội đặt tại một nhà gạch phía Tây Nam chợ Xuân Lộc”-Trung tướng Nam Long kể.

Rạng sáng 30-10, địch lợi dụng đêm tối tiến công vào khu vực trận địa của Chi đội. Lập tức, Chi đội nổ súng đánh chặn, gây cho chúng một số thiệt hại. Giữa lúc trận chiến đấu diễn ra ác liệt, đồng chí Nam Long từ Tam Hiệp xuống kiểm tra, động viên chiến sĩ đánh địch. Cuộc chiến đấu diễn ra từ 3 giờ đến 14 giờ ngày 30-10. Nhận thấy nếu cứ tiếp tục trận đánh, ta sẽ bất lợi, đồng chí Nam Long bàn bạc với các cán bộ chủ chốt Chi đội quyết định rút lực lượng ra Phan Thiết, Phan Rang, sau đó chiến đấu ở khu vực nhà thương, ga Phú Vinh, Đồng Bò... gây cho địch một số thiệt hại...

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP