Trong “Thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” (17-7-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù... Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”.
Tiếp đó, Người nhắn nhủ đồng bào: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Trên tinh thần tương thân tương ái, Người vận động đồng bào giúp đỡ thương binh và “xung phong” trước, góp chiếc áo lụa, một tháng lương, tiền ăn một bữa của Người và của nhân viên Phủ Chủ tịch, tổng cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng).
Ngày 15-7-1948, Bác ra “Lời kêu gọi nhân ngày 27-7-1948” ghi nhận công ơn của thương binh, liệt sĩ với Tổ quốc: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”.
Nỗi đau của Bác hòa cùng nỗi đau của những người thân các liệt sĩ: “... Bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà hóa. Con dại trở nên bồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ”. Nỗi xót xa của Bác cũng là nỗi xót xa chung của tất cả: “...Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”. Đó không còn là ngôn ngữ thông thường mà là ngôn từ của tình thương và nỗi đau. Mà tình thương của Bác bao giờ cũng vậy, luôn đi cùng hành động, gắn với hành động.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trước tình hình thiếu thuốc men, Người nói với ngành quân y: “Tôi thay mặt Chính phủ mà hứa rằng: Người nào hoặc bộ phận nào tìm được, chế tạo được một thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ ra cách gì mới làm cho việc y tế tiến bộ mau chóng hơn thì sẽ được trọng thưởng”. Ngoài vấn đề thuốc men, Bác cũng rất chú ý đến vấn đề ăn uống. Thăm cơ sở điều trị nào, Bác cũng kiểm tra nhà bếp, theo dõi anh em ăn có ngon miệng không.
Năm 1955, Quân y viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) mới về Hà Nội, nhiều thương binh, bệnh binh vốn đã ốm yếu lại ăn uống thiếu chất, Bác nhắc đồng chí chính ủy phải chú ý công tác dinh dưỡng. Người nhắc nhở các bác sĩ phải chú ý hơn đến tinh thần người bệnh: “Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong Quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ”. Chỉ có sự rất mực thấu hiểu, thấu cảm và thông cảm để đồng cảm với thương binh, bệnh binh mới có sự quan tâm như vậy. Thế nên không ai ngạc nhiên khi Bác yêu cầu chuyển chiếc điều hòa nhiệt độ trong phòng mình để gắn cho một trại điều dưỡng thương binh nặng...
Vượt lên sự thương yêu, Bác còn rất trân trọng, tin tưởng anh em thương binh, bệnh binh!
Ngày 13-12-2006, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước quốc tế về các quyền của người khuyết tật với nội dung cơ bản là nhìn nhận lại vị thế của người khuyết tật như là một vấn đề về quyền con người, coi tình trạng khuyết tật là vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế. Nghĩa là, chuyển cái nhìn từ coi vấn đề về người khuyết tật là vấn đề nhân đạo sang vấn đề nhân quyền, từ cái nhìn yêu thương, ngậm ngùi sang cái nhìn chia sẻ, kính trọng, tôn trọng phẩm giá nhân cách, coi người khuyết tật như một công dân bình thường với đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ.
Tất cả những điều ấy đã được Bác Hồ nói một cách ngắn gọn nhất, cô đọng, giản dị mà dễ hiểu nhất về anh em thương binh trong 4 chữ: “Tàn nhưng không phế”. Có thể là tàn tật, khiếm khuyết về thân thể nhưng không khiếm khuyết, tàn tật về tâm hồn, họ vẫn là người bình thường với đủ các yếu tố sinh hoạt cơ bản: Ăn, ở, đi lại, học tập, có nghĩa vụ, quyền hạn... Như vậy, tư tưởng của Người đi trước thời đại hơn nửa thế kỷ!
Với quan niệm thương binh, bệnh binh vẫn là những công dân có ích cho xã hội, Người thường khuyên họ phải năng lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất, cũng là để nâng cao sức khỏe: “Anh em thương binh sẽ tùy sức mà làm những công việc nhẹ, như học may vá, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, giúp việc bình dân học vụ trong làng, v.v..”. Người nhắc anh em thương binh, bệnh binh nên thường xuyên luyện tập thể dục-thể thao, bởi tay chân tuy bị thương, nếu chịu khó luyện tập thì sẽ không mang tật, hoặc nếu mang tật thì cũng nhẹ.
Đặc biệt, Người căn dặn về cách ứng xử: “Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân; phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật. Chớ bi quan chán nản. Phải luôn cố gắng”. Như vậy, Bác đã coi thương binh, bệnh binh bình đẳng như mọi công dân khác. Sống, lao động như dân, không làm phiền dân. Hai chữ “công thần” được dùng đúng nghĩa, đúng đối tượng, đúng bối cảnh, văn cảnh đã phát huy cao nhất giá trị biểu cảm, có tác dụng giáo dục sâu sắc: Không được ỷ thế này nọ để đòi hỏi quyền lợi riêng... Bác nhắc: Chớ bi quan chán nản. Bởi nếu bi quan là tự mình hạ thấp mình. Và phải luôn cố gắng. Ai cũng cố gắng lao động nhưng với thương binh, bệnh binh phải cố gắng gấp nhiều lần.
Sau này, trong bản thảo “Di chúc” Bác viết tháng 5-1968, Người căn dặn Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách chăm lo nơi ăn chốn ở, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp để “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu” có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đúng với đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”, Bác dặn mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, cũng là cách để giáo dục tinh thần yêu nước. Chính quyền các cấp phải giúp đỡ thân nhân các gia đình liệt sĩ, thương binh một cách thiết thực nhất.
Đúng là một tấm lòng “chỉ lo muôn mối như lòng mẹ” (“Bác ơi”-Tố Hữu). Lời Bác trở thành lời nước non là vì vậy! Đáp lại tấm lòng của một người Cha, các thương binh, bệnh binh luôn nghe lời Bác, hướng về Bác, làm theo lời Bác dặn. Một trong những người tiêu biểu là Anh hùng LLVT nhân dân Lê Duy Ứng, ông bị hỏng mắt mà vẫn sáng tác hơn 3.000 bức tranh, tượng điêu khắc về Bác. Bức tranh “Bác Hồ” được vẽ bằng máu từ đôi mắt bị thương của họa sĩ được xem là biểu tượng của niềm tin chiến thắng, sức sống mãnh liệt của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam và tình cảm của người Việt Nam với lãnh tụ kính yêu.
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ